Ngày 8/3/2025, tại TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra lễ thành lập Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai và Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tại tỉnh Đồng Nai, sầu riêng là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành ổn định và năng suất cao – (Ảnh: Internet)
Hiệp hội được thành lập với 77 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phát triển ngành hàng sầu riêng.
Ban Chấp hành Hiệp hội gồm 17 thành viên, trong đó Ban Thường vụ có 7 thành viên. Ông Trần Hải Sơn, Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng, nhấn mạnh rằng việc thành lập Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai là sự kiện quan trọng đối với ngành sầu riêng của tỉnh. Hiệp hội sẽ đóng vai trò cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc tổ chức các chuỗi liên kết, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai có thể cạnh tranh tốt trên thị trường về cả giá bán và chất lượng.
Bên cạnh đó Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai cần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút hội viên tham gia. Hiệp hội cũng cần phát huy vai trò trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, tiếp cận thị trường quốc tế.

Để phát triển bền vững, cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và phát triển chuỗi giá trị – (Ảnh: Internet)
Ngành sầu riêng tại Đồng Nai có tiềm năng rất lớn nhờ vào diện tích canh tác rộng, điều kiện khí hậu thuận lợi, thị trường xuất khẩu phát triển mạnh, và sự hỗ trợ của chính quyền. Trên địa bàn tỉnh đang hơn 12.600ha đất trồng sầu riêng, tập trung nhiều ở huyện Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh và Tân Phú. Ngoài Trung Quốc, Đồng Nai đang hướng đến các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, yêu cầu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, nhu cầu xuất khẩu cao và điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành sầu riêng Đồng Nai có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất lớn tại miền Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh sẽ còn tập trung vào chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và phát triển chuỗi giá trị./.
DHBC
Leave your comment