Tỉnh Đồng Tháp: Dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2025 là hơn 8 tỉ đồng

Tuesday, 18/03/2025, 11:30 AM
Tỉnh Đồng Tháp đang tích cực bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời gắn kết với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn và giữ gìn giá trị văn hóa địa phương. Theo kế hoạch, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2025 là hơn 8 tỉ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 40 nghề truyền thống, địa phương đang nỗ lực thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề – (Ảnh: Internet)
Toàn tỉnh hiện có 40 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, bao gồm 1 nghề truyền thống, 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống. Trong đó địa phương có 5 nghề truyền thống và làng nghề được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các sản phẩm chủ yếu thuộc 3 nhóm: chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Với sự đa dạng này, Đồng Tháp đang nỗ lực bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Tỉnh đặc biệt chú trọng quảng bá sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử và khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại và mở rộng xuất khẩu.
Nổi bật trong số đó là các sản phẩm từ nghề truyền thống như: huyện Lai Vung với sản phẩm từ nghề truyền thống Nem Lai Vung; thành phố Sa Đéc với sản phẩm từ bột thuộc làng nghề truyền thống sản xuất bột; làng nghề truyền thống sản xuất hoa kiểng; huyện Hồng Ngự với sản phẩm từ làng nghề Dệt choàng Long Khánh A; huyện Thanh Bình với sản phẩm từ làng nghề đan giỏ xách; huyện Cao Lãnh với sản phẩm từ làng nghề đan sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình xã Mỹ Thọ, xã Mỹ Hiệp; huyện Châu Thành với sản phẩm bột và huyện Tam Nông với làng nghề khô cá lóc.
Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 3.890 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, tạo việc làm cho hơn 8.600 lao động, trong đó lao động thường xuyên chiếm 65,76%. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm, với thu nhập bình quân khoảng 4,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,47 lần so với năm 2020. Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất, khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Song, có một thực trạng đặt ra rằng, các làng nghề truyền thống của tỉnh Đồng Tháp đang đứng trước nhiều khó khăn, khi sự phát triển của xã hội và công nghệ đã ảnh hưởng đến nhiều nghề truyền thống. Ví dụ, làng nghề đan cần xé bằng tre, trúc ở xã Tân Thành (huyện Lai Vung) bị thu hẹp thị trường do cạnh tranh với các sản phẩm nhựa; làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu (huyện Lai Vung) đối mặt với khó khăn do giao thông đường bộ phát triển và sự cạnh tranh từ xuồng, ghe bằng chất liệu composite.
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề, Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo tồn 16 làng nghề có nguy cơ mai một, công nhận mới 4 làng nghề và 1 nghề truyền thống, phát triển 2 làng nghề gắn với du lịch. Đồng thời phấn đấu có ít nhất 20% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP và tăng thu nhập bình quân của lao động ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp – (Ảnh: Internet)
Các giải pháp cụ thể được đặt ra bao gồm tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển làng nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại; tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề; hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm.
Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Đồng Tháp trong việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm mới tham gia đánh giá phân hạng, trong đó có 40 sản phẩm đạt 3 sao và 20 sản phẩm đạt 4 sao. Hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP, đồng thời duy trì và phát triển 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền. Đặt mục tiêu có ít nhất 50% sản phẩm OCOP được công nhận vào năm 2022 tham gia đánh giá và phân hạng lại vào năm 2025./.
DHBC
Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm