Trách nhiệm của người sử dụng lao động Úc trước ảnh hưởng của COVID-19

Monday, 23/03/2020, 12:22 PM

Những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp Úc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khiến nhiều người lao động lo ngại trước viễn cảnh mất việc làm.

Chính phủ Úc đã quyết định kể từ 12pm ngày hôm nay (23/3/2020) đóng cửa bắt buộc với tất cả các tụ điểm vui chơi giải trí tập trung đông người như Casino, quán bar, phòng tập thể dục, các trung tâm thể thao trong nhà… Nhà hàng và quán cà phê vẫn được phép mở cửa nhưng không cho phép khách ngồi ăn uống tại cửa hàng.

Luật sư Đỗ Gia Thắng, Tổ hợp Luật sư Đa quốc gia Viozi Legal – Nguyen Do Laywers đã có những trao đổi với Báo Doanh nhân Việt Úc để cung cấp cho bạn đọc những quy định mới nhất liên quan đến trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với  người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.

Luật sư Đỗ Gia Thắng, Tổ hợp Luật sư Đa quốc gia Viozi Legal – Nguyen Do Laywers

Quy định về sắp xếp công việc cho nhân viên

Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết, nếu một doanh nghiệp không thể sắp xếp công việc cho các nhân viên thời vụ, doanh nghiệp này có thể cắt giảm giờ làm hoặc cho nhân viên nghỉ tùy theo điều kiện kinh doanh.

Đối với nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian, pháp luật có các quy định khác nhau tùy thuộc vào tình huống, cụ thể như sau:

  • Trường hợp nhân viên bị nhiễm COVID-19: Nếu một nhân viên bán thời gian hoặc toàn thời gian bị ốm hoặc mắc phải virus COVID-19, họ phải được cho nghỉ có hưởng trợ cấp thu nhập theo mức tương ứng với vị trí, chức danh công việc của mình.
  • Trường hợp doanh nghiệp chủ động đóng cửa để đề phòng dịch bệnh:
    • Nếu nhân viên có thể làm việc tại nhà thì doanh nghiệp vẫn được coi là đang hoạt động bình thường và nhân viên phải được trả lương như bình thường.
    • Nếu nhân viên không thể làm việc tại nhà thì doanh nghiệp bắt buộc phải tiếp tục trả lương cho nhân viên.

Với trường hợp này, mặc dù theo quy định, chủ lao động không thể ép nhân viên sử dụng ngày nghỉ phép hàng năm trong thời gian này, nhưng doanh nghiệp có thể thương lượng với nhân viên của mình. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, nó phải được lưu trên sổ sách và có chữ ký xác nhận của cả hai bên.

  • Trường hợp Chính phủ bắt buộc đóng cửa hoạt động của doanh nghiệp: Nếu Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động và nhân viên trong doanh nghiệp không được phép làm việc:
    • Nếu nhân viên có thể làm việc tại nhà thì doanh nghiệp vẫn được coi là đang hoạt động bình thường và nhân viên phải được trả lương như bình thường.
    • Nếu nhân viên không thể làm việc tại nhà vì làm việc như vậy không thể mang lại hiệu quả thì sẽ có các tùy chọn như sau:
  1. Doanh nghiệp có thể áp dụng Điều 594 của Bộ Luật Bảo vệ người lao động 2009 của liên bang (Fair Work Act (Cth)) để tạm thời cắt giảm nhân viên. Điều này có nghĩa là nhân viên không bị sa thải nhưng được yêu cầu dừng làm việc. nhân viên bị ngừng làm việc sẽ không được trả lương trong suốt thời gian họ không làm việc cho đến khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.
  2. Doanh nghiệp không còn nhu cầu tuyển dụng đối với nhân viên: Doanh nghiệp sẽ phải chi trả toàn bộ các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của luật. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn khả thi cho hầu hết các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này vì chi phí cho các khoản trợ cấp theo luật là rất lớn.
  3. Doanh nghiệp thỏa thuận với nhân viên về việc sử dụng ngày nghỉ phép hàng năm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đàm phán với nhân viên và có được sự chấp thuận của họ. Nếu nhân viên không chấp nhận sử dụng ngày nghỉ phép, hầu hết các doanh nghiệp sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho nhân viên tạm nghỉ không lương.

PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm