Trung Quốc cảnh báo Nhật: Tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh

Sunday, 28/06/2020, 21:15 PM

Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu các tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên đất Nhật, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”.

Trung Quốc cảnh báo Nhật: Tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh - Ảnh 1.

Tên lửa Đông Phong 17 (DF-17) của Trung Quốc có tầm bắn trên 2.000km, đủ sức vươn tới các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Ảnh chụp màn hình

Hôm 24-6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng không chỉ Nhật mà các nước khác cũng nên nói “KHÔNG” với Mỹ và hành động thận trọng, tính đến hòa bình và ổn định chung.

Bởi vì, theo ông này, nếu làm được như vậy, các nước sẽ không trở thành nạn nhân trong âm mưu địa chính trị của Mỹ ở khu vực. Ông này cũng cảnh báo Tokyo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi Trung Quốc sẽ không ngồi yên và tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp đó lên tiếng kêu gọi Tokyo tiếp tục duy trì chính sách quốc phòng thiên về phòng thủ, lập luận việc cho Mỹ đặt tên lửa tầm trung tấn công là trái với hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

“Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản nghiêm túc học lại những bài học lịch sử”, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên giọng nhắc nhở.

Giới quan sát nhận định việc cả ngoại giao và quân đội Trung Quốc cùng lên tiếng về một vấn đề cho thấy Bắc Kinh có thể đã nắm được các thông tin tình báo tương đối đáng tin cậy. Trung Quốc có thể đang tin rằng khả năng cao Mỹ sẽ đưa tên lửa tầm trung tới Nhật Bản khi đã rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Hiệp ước được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô cấm hai nước phát triển, sở hữu các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ sụp đổ nếu những tên lửa như vậy được triển khai trên đất Nhật Bản”, giáo sư Lian Degui thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định với báo South China Morning Post (SCMP).

Trung Quốc cảnh báo Nhật: Tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh - Ảnh 2.

Mỹ bắt tay vào phát triển tên lửa hành trình đất-đối-đất thế hệ mới ngay sau khi rút khỏi INF – Ảnh: Lầu Năm Góc

Ngoài triển khai các tên lửa đánh chặn, Trung Quốc có thể “trừng phạt” Nhật Bản như đã làm với Hàn Quốc khi nước này cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD năm 2017.

Tuy nhiên, một số người lo lắng nếu Tokyo đồng ý với Washington, tình hình có thể tồi tệ hơn năm 2017 bởi quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc chứng kiến những căng thẳng dai dẳng liên quan đến lịch sử.

Ông Lian lập luận khoảng cách từ Nhật đến Trung Quốc là không xa, nên sự xuất hiện của các tên lửa tầm trung Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh nghĩ rằng họ là mục tiêu bị nhắm đến, rằng đó là sự chuẩn bị của Mỹ cho một cuộc đối đầu trong tương lai.

Đòn ép của Mỹ?

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ rút khỏi INF là Trung Quốc tung tăng ngoài cuộc. Bắc Kinh đã âm thầm phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung và liên tục mở rộng kho vũ khí trong lúc cả Nga và Mỹ bị “trói tay trói chân” vì INF.

Giới quan sát lo ngại việc triển khai tên lửa tầm trung tại Nhật Bản hoặc một quốc gia gần Trung Quốc có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba phiên bản châu Á.

Năm 1962, thế giới suýt chứng kiến một cuộc chiến tranh hạt nhân khi Liên Xô bí mật đưa các tên lửa đạn đạo tới Cuba, quốc gia nằm kề bên Mỹ.

Căng thẳng chỉ được tháo gỡ khi Washington cam kết không xâm lược Cuba và dỡ bỏ một số căn cứ ở châu Âu nằm gần Liên Xô, đổi lại Matxcơva sẽ rút tất cả tên lửa khỏi Cuba.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ có thể đang muốn ép Trung Quốc bước vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí bằng việc tạo ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba mới.

Trung Quốc cảnh báo Nhật: Tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh - Ảnh 3.

Sơ đồ tầm bắn các loại tên lửa có trong biên chế của quân đội Trung Quốc và số lượng mỗi loại – Ảnh chụp màn hình CSIS

Xét về mặt chiến thuật, việc đưa tên lửa đến “sát vách” kẻ thù vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại, dù có thể nhanh chóng tấn công đối phương nhưng cũng có thể phải trả giá bằng việc bị tấn công tiêu diệt từ đầu.

Kể từ khi ông Mark Esper bước vào Lầu Năm Góc, chủ trương sử dụng vũ khí tấn công chính xác tầm xa trở thành tư duy quân sự chiếm ưu thế. Tất cả căn cứ của Mỹ hiện nay ở chuỗi đảo thứ nhất đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, đồng nghĩa Washington phải lùi ra xa hơn.

Trước thực tế mới, Mỹ đang phát triển các vũ khí tầm xa và nâng cấp một số căn cứ chiến lược như đảo Guam.

Tân tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Charles Brown Jr, hôm 24-6 xác nhận Mỹ đang tăng nhanh số tên lửa chống hạm tầm xa có trong kho, song song với việc phát triển các loại vũ khí diệt hạm mới.

Một trong những số này là siêu thủy lôi Quickstrike-ER nặng gần 1 tấn có thể được triển khai từ máy bay ném bom B-52. Dự án do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tiến hành trong 2 năm qua.

Khác với các loại thủy lôi thông thường, Quickstrike-ER kết hợp công nghệ JDAM và cánh điều hướng để đưa nó tới chính xác mục tiêu. Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng vào loại vũ khí này, theo tướng Charles Brown, bởi nó có thể tăng cường năng lực răn đe hàng hải của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc cảnh báo Nhật: Tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh - Ảnh 4.

Máy bay ném bom B-52 thả siêu thủy lôi Quickstrike-ER – Ảnh: Không quân Mỹ

Theo Tuoitre

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm