Tự hào là “Đại sứ Xoài”, “Đại sứ Thanh long”

Tuesday, 20/02/2018, 02:31 AM

Doanhnhanvietuc – “Nhiều bạn vui đùa gọi tôi là “Đại sứ Xoài”. Được làm “Đại sứ Xoài” hay “Đại sứ Thanh long”… cũng là điều đáng tự hào, đúng không?”, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Tự hào là “Đại sứ Xoài”, “Đại sứ Thanh long”

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: VBC.

Khi được hỏi về “đời sống” trái xoài Cát Chu và thanh long sau nhiều năm được bày bán tại siêu thị ở Nhật Bản, ông Cường nhớ về “chiến dịch” quảng bá trái xoài Cát Chu của Đại sứ quán sau khi chính phủ Nhật Bản chính thức cấp phép nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản tháng 9.2015.

Tôi biết là sau khi tôi đưa lên mạng xã hội những hình ảnh tay cầm trái xoài Cát Chu của ta giới thiệu với khách hàng Nhật Bản tại siêu thị Aeon hay việc dùng trái xoài của ta làm tặng phẩm khi gặp các bạn bè Nhật Bản đã khiến nhiều bạn vui đùa gọi tôi là “Đại sứ Xoài”. Được làm “Đại sứ Xoài” hay “Đại sứ Thanh long”… cũng là điều đáng tự hào, đúng không?”, Đại sứ Cường nói.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nói thêm, việc đại sứ của ta tại các nước trực tiếp đi quảng bá cho các nông phẩm, các trái cây hay các sản phẩm “made-in-Vietnam” nay không còn là việc hiếm thấy nữa.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nhiều người Nhật Bản nhận xét, xoài Cát Chu của Việt Nam thơm, ngọt dịu, cơm dày, hột nhỏ, không xơ nên được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới chỉ xuất được vài chục tấn xoài Cát Chu sang Nhật, trong khi Thái Lan xuất 1.500 tấn, Philippines 500 tấn. “Cơ hội thì có đấy, nhưng năng lực sản xuất xoài qui mô lớn ở Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng cao của Nhật vẫn còn hạn chế quá, chắc cần nhiều nỗ lực hơn nữa”, ông nói.

Với quả thanh long lại là câu chuyện khác. Việt Nam bắt đầu xuất thanh long ruột trắng sang Nhật từ năm 2009 và thanh long ruột đỏ từ đầu 2017.

Hiện thanh long Việt Nam chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nhật Bản với sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn.

“Nhật Bản là thị trường lớn với khoảng 130 triệu dân, mức sống cao nên các sản phẩm hoa quả nhiệt đới của ta còn có nhiều cơ hội nếu đáp ứng được các điều kiện khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm mà Nhật Bản đặt ra. Ta đang phấn đấu để có thể đưa các loại trái cây khác của ta như vải, nhãn, trái bơ, chôm chôm sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới”, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ quán đang tích cực có nhiều hoạt động như hợp tác với các siêu thị lớn tại Nhật Bản để quảng bá hàng hóa của Việt Nam, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức triển lãm giới thiệu hàng nông sản, hoa quả tại Triển lãm chuyên về hàng thực phẩm, nông sản lớn nhất tại Nhật Bản. Thương vụ Đại sứ quán còn trực tiếp đưa các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đến tận các cơ sở trồng trọt, nông trang để khảo sát, đặt hàng và đưa ra các điều kiện yêu cầu xuất khẩu.

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm