Tương lai nào cho nước Anh nếu “Brexit cứng”

Sunday, 05/11/2017, 00:41 AM

Doanhnhanvietuc – Theo đánh giá của chính phủ, có 58 ngành công nghiệp ở Vương quốc Anh (UK) sẽ bị ảnh hưởng từ Brexit nếu như tiến trình đàm phán giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đi vào ngõ cụt như hiện nay.

Tương lai nào cho nước Anh nếu "Brexit cứng"

Hiện tại, Brexit đã trải qua 5 vòng thương thuyết nhưng các nội dung chủ chốt liên quan đến quyền công dân EU, biên giới Ireland, người nhập cư và tự do thương mại của Anh với EU sau Brexit vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nếu Anh và EU không đạt được nhất trí trong các thỏa thuận chung thì việc tự do di chuyển qua lại biên giới hai bên sẽ bị hủy hoặc đình trệ. Và, sẽ có ít nhất 75.000 người mất việc trong lĩnh vực tài chính.

Trong kịch bản Brexit cứng, đồng nghĩa với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Anh sẽ rời EU mà không có bất kỳ ký kết nào. Như vậy, các hiệp định thương mại và pháp lý của EU đang giúp củng cố nền kinh tế nước này sẽ chính thức hết hiệu lực vào tháng 3/2019.

Trở ngại hàng không

Một hậu quả có thể thấy ngay trước mắt từ Brexit cứng chính là trở ngại hàng không. Hàng ngàn chuyến bay đến và ra khỏi Anh sẽ bị hủy do trước đây UK đã ký kết các thỏa thuận không lưu quốc tế thông qua EU.

Thomas van der Wijngaart – chuyên gia hàng không thuộc hãng luật quốc tế Clyde & Co, cho biết tất cả chuyến bay đến 27 quốc gia thành viên EU và 17 nước khác trong đó có Hoa Kỳ, Canada và Israel đều sẽ bị ảnh hưởng.

Còn Jonathan Wober – chuyên viên phân tích tại Trung tâm Hàng không CAPA nói: “Gián đoạn không lưu là điều tất yếu và chúng ta cần phải có những biện pháp đối phó. Tuy nhiên, biện pháp đó là gì thì thực sự chúng ta không biết”.

Các hãng hàng không của Anh cũng đã gấp rút tiến hành chiến lược phòng ngừa cho Brexit cứng. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet gần đây đã mở chi nhánh riêng tại Áo để đảm bảo việc kinh doanh của mình trong EU.

Tự do thương mại

Brexit cứng sẽ khiến nước Anh mất hết quyền tự do thương mại với châu Âu cũng như toàn bộ hiệp định giao thương mà EU đã ký kết cùng các quốc gia khác. Thay vào đó, Anh sẽ phải hoạt động dưới quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới; đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa sẽ tăng lên.

Quỹ Quan sát Chính sách và Giải pháp Thương mại UK cho biết thuế dành cho thịt từ EU sẽ tăng 37% và 45% đối với các sản phẩm sữa. Những mặt hàng nhập khẩu ngoài EU như xì gà Cuba hay rượu vang Nam Phi cũng đều chịu chung số phận.

Thêm vào đó, Brexit cứng sẽ trực tiếp gây ra tình trạng hỗn loạn nơi biên giới khi hàng loạt các trạm hải quan sẽ phải được xây dựng thêm để kiểm soát hàng hóa. Cảng Dover, nơi 17% sản phẩm xuất nhập khẩu của Anh đi qua, cảnh báo rằng chỉ cần mất thêm 2 phút xử lý cũng đủ khiến dòng xe chờ đợi qua cửa hải quan kéo dài tới 27 km. Nếu các loại thực phẩm tươi sống mắc kẹt tại cửa khẩu, chắc chắn chúng sẽ bị hư trước khi lên kệ. Hiện, thực phẩm có nguồn gốc EU tại UK chiếm tới 30%.

Ngoài ra, không đi đến thỏa thuận chung cũng khiến điện năng nhập từ EU tăng giá đáng kể. Brexit sẽ gây khó khăn cho các nhà máy điện nguyên tử của Anh, vốn chỉ cung cấp 20% lượng điện cả nước. Nếu UK bị loại khỏi hệ thống bảo vệ hạt nhân của EU, quốc gia này sẽ gặp trở ngại trong việc nhập khẩu linh kiện cho các lò phản ứng hạt nhân vốn đã có tuổi của mình. Và trong tình huống xấu nhất, khi những nhà máy hạt nhân bị buộc phải đóng cửa vì thiếu an toàn, lưới điện UK sẽ đối mặt rủi ro lớn.

Người nhập cư và quyền công dân EU

Theo tổ chức Full Fact, năm 2016, có khoảng 3,6 triệu công dân EU sống tại Anh, chiếm 6% dân số. Trong khi đó, xấp xỉ 1 triệu người Anh đang cư trú tại các nước EU khác.

Dưới luật pháp EU, cả hai nhóm đều được hưởng quyền bình đẳng trong vấn đề việc làm, hưu trí và bảo hiểm. Tuy nhiên, Brexit cứng sẽ ngay lập tức khiến cả hai nhóm trở thành người cư ngụ bất hợp pháp. Nếu đàm phán bất thành, tự bản thân mỗi nước sẽ phải quyết định số phận dành cho người dân của mình.

Ngoài ra, trong năm 2015, có khoảng 123.000 người tỵ nạn ở Anh. Jonathan Portes – giáo sư kinh tế học và chính sách công thuộc King’s College London, nói rằng sẽ khó có việc Anh hoặc EU trục xuất người dân dù cho có Brexit cứng hay không. Tuy nhiên, sự mơ hồ xung quanh tình trạng cư trú của người nhập cư sẽ khiến họ khó có thể tìm được việc hoặc thuê nhà”.

Biên giới Ireland

Brexit sẽ làm thay đổi đáng kể đường biên giới giữa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc UK). Hiện nay, đường biên giới giữa 2 quốc gia này gần như “vô hình” với khoảng 30.000 người và xấp xỉ 13.000 phương tiện tự do qua lại nơi đây mỗi ngày.

Nhiều công ty đang tồn tại ở cả 2 phía biên giới và sản phẩm của họ thường xuyên được trao đổi qua lại nhiều lần trước khi đến tay người tiêu dùng. Andrew Gilmore – Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Châu Âu của Ireland, nói: “Với tình hình đàm phán giữa EU và UK chưa đi đến đâu như hiện tại cũng như không có bất kỳ đảm bảo nào về cam kết quan hệ hải quan trong tương lai thì kiểm soát biên giới phía bắc đảo Ireland sẽ mau chóng được tái thiết”.

Bên cạnh đó, vấn đề biên giới cũng làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ căng thẳng trở lại ở đảo Ireland, nơi từng xảy ra các cuộc xung đột bạo lực khiến 3.600 người thiệt mạng cho đến khi hai bên đạt được “Thỏa thuận Good Friday” năm 1998.

Theo Doanhnhansaigon

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm