Úc: Dự báo ngân sách chính phủ năm 2020 thâm hụt ở mức kỷ lục do các khoản chi tiêu ứng phó với COVID-19

Wednesday, 07/10/2020, 11:51 AM

Ngân sách liên bang Úc sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt nặng nề nhất trong lịch sử do các khoản chi tiêu của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn trong đại dịch COVID-19, dự báo được đưa ra trong giả định vắc-xin sẽ được phổ biến rộng rãi vào năm 2021.

Ngân sách thâm hụt và thất nghiệp gia tăng

Mức thâm hụt ngân sách trong năm tài chính này dự kiến ​​đạt 213,7 tỷ đô-la với khoản nợ ròng 703 tỷ đô-la, do Chính phủ chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng, y tế và quốc phòng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.

Vào thứ Ba vừa qua, Chính phủ liên bang đã công bố một chính sách thuế và chi tiêu hào phóng nhất từ ​​trước đến nay, với kế hoạch giảm thuế cho hàng triệu người Úc trong nỗ lực phục hồi một nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.

Theo dự báo, mức thâm hụt cao kỷ lục 213,7 tỷ đô-la trong năm tài chính 2020-2021 sẽ giảm xuống còn 66,9 tỷ đô-la vào năm 2023-2024, trong khi nợ ròng của quốc gia sẽ đạt đỉnh 966 tỷ đô-la vào tháng 6 năm 2024.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg công bố báo cáo ngân sách liên bang

Nguồn ảnh: AAP

Những thông tin này khác xa so với mức dự báo thặng dư 6,1 tỷ đô-la được công bố vào tháng 12 năm ngoái trước khi virus Corona xuất hiện, nền kinh tế Úc chính thức lao vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc suy thoái đầu những năm 1990. Mặc dù vậy, trong buổi công bố báo cáo ngân sách hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg vẫn tỏ ra lạc quan và tin tưởng những người Úc “kiên cường” sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn. “Cuộc Đại khủng hoảng và hai cuộc chiến tranh thế giới đã không khiến nước Úc đầu hàng; vậy thì COVID-19 cũng vậy” – ông Frydenberg nói.

Báo cáo Ngân sách dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh với tỷ lệ 8% trong quý tháng 12 năm nay, trước khi giảm xuống 6,5% vào quý tháng 6 năm 2022 khi hoạt động kinh tế phục hồi. Mức đỉnh dự kiến ​​này thấp hơn so với dự báo trước đó, nhưng báo cáo cũng cảnh báo tình hình thất nghiệp sẽ có xu hướng gia tăng trong những tháng tới. Trong khi đó, GDP thực tế dự kiến ​​sẽ giảm 3,75% vào năm 2020 trước khi phục hồi để tăng trưởng 4,25% vào năm 2021.

Còn nhiều bất ổn không thể tiên lượng

Các dự báo trong tương lai dựa trên giả định vắc-xin COVID-19 sẽ được phổ biến rộng rãi vào cuối năm 2021, bất chấp những cảnh báo rằng vắc-xin có thể không hiệu quả hoặc không được triển khai đủ rộng để đưa nền kinh tế trở lại bình thường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mathias Cormann và Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg tại Tòa nhà Quốc hội.

Nguồn ảnh: AAP

Báo cáo Ngân sách cũng giả định rằng các đợt bùng phát theo khu vực hầu như sẽ được kiềm chế và làn sóng COVID-19 thứ hai ở Victoria sẽ được kiểm soát như dự kiến ​​theo lộ trình của chính quyền tiểu bang. Nhưng Bộ Ngân khố cảnh báo kết quả thực tế có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch, có nghĩa là vẫn có những bất ổn lớn xung quanh triển vọng toàn cầu và trong nước.

Trong khi chờ đợi những lợi ích do vắc-xin mang đến thì trong trường hợp có đợt bùng phát dịch trở lại sẽ đòi hỏi tái thiết lập các quy định hạn chế nghiêm ngặt, điều này có thể khiến kết quả hoạt động kinh tế giảm thêm 55 tỷ đô-la trong giai đoạn 2020-2021 và 2021-2022.

Kế hoạch phục hồi kinh tế

Các biện pháp tài khóa kích thích nền kinh tế bao gồm việc cắt giảm thuế đã được công bố dành cho hơn 11 triệu người Úc (đây là chính sách chính phủ muốn triển khai sớm nhưng đã phải lùi lại tới ngày 1 tháng 7)

Ngoài ra, chính sách bù thuế thu nhập đối với người có thu nhập thấp và trung bình cũng được duy trì trong năm tài chính này. Ông Frydenberg cho biết người có thu nhập thấp và trung bình sẽ được giảm thuế lên tới 2.745 đô-la cho người độc thân hoặc lên tới 5.490 đô-la cho các gia đình có hai người tạo ra thu nhập trong năm 2020-2021 so với năm 2017-2018. Chính sách giảm thuế sẽ giúp người Úc sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu, từ đó tạo ra hàng tỷ đô-la cho nền kinh tế và tạo ra 50.000 việc làm mới.

Một gói tín dụng tuyển dụng mới có tên là JobMaker sẽ được xây dựng dành cho tất cả các doanh nghiệp – ngoài các ngân hàng lớn – nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng thanh niên Úc từ 16-35 tuổi đang hưởng trợ cấp JobSeeker.

Khoản tín dụng sẽ được trả với mức 200 đô-la một tuần cho những người dưới 30 tuổi và 100 đô-la một tuần cho những người từ 30 đến 35 tuổi, với điều kiện những người mới được tuyển dụng phải làm ít nhất 20 giờ một tuần.

Các hạng mục chi tiêu lớn khác đã được công bố bao gồm 4,5 tỷ đô-la chi cho nâng cấp mạng băng thông rộng quốc gia và 1,5 tỷ đô-la cho chiến lược sản xuất. Các dự án đường bộ và đường sắt trị giá 7,5 tỷ đô-la sẽ được triển khai để đưa nền kinh tế Úc phát triển trở lại.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng tuyên bố sẽ dành các khoản chi kỷ lục cho y tế và quốc phòng. Bộ trưởng Frydenberg cho biết 1 tỷ đô-la chi tiêu cho quốc phòng theo kế hoạch nhằm hỗ trợ công tác quốc phòng cũng như mở rộng một loạt các chương trình chăm sóc y tế và tạo việc làm cho các cựu chiến binh, giúp họ chuyển đổi sang cuộc sống dân sự. Chi tiêu cho y tế sẽ đạt 111,5 tỷ đô-la trong giai đoạn 2020-2021 do chính phủ tài trợ cho các sáng kiến ​​phòng chống COVID-19, hỗ trợ thêm về chăm sóc sức khỏe tâm thần và chiến lược y tế ứng phó với virus.

Giang Vũ

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm