Úc: Giá nhiên liệu tăng kỷ lục do các nguyên nhân quốc tế

Thursday, 08/11/2018, 11:45 AM

Chi phí nhiên liệu tại Úc đã đạt đến mức kỷ lục trong bốn năm trở lại đây và những tài xế nên “quen với việc” phải trả tới 1,70 đô-la cho một lít xăng. Đây là thông tin đến từ công ty chứng khoán trực tuyến lớn nhất của Úc – Commec, sau khi phân tích dữ liệu của Viện Dầu khí Úc.

Theo các chuyên gia, lần gần nhất giá xăng dầu tăng cao tương tự là vào ngày 5 tháng 1 năm 2014 nhưng tại thời điểm này, tình hình còn có thể tồi tệ hơn. Nạp xăng xe là khoản chi tiêu lớn nhất mỗi tuần đối với hầu hết các hộ gia đình. Vì vậy, việc giá nhiên liệu tăng có thể sẽ làm cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu tùy nghi hoặc không thực sự cần thiết. So với 6 tháng trước, khoản chi trả của các hộ gia đình cho xăng đã tăng trung bình 30 đô-la một tháng.

Phát ngôn viên của Hiệp hội Người lái xe và Đường bộ Quốc gia (NRMA), ông Peter Khoury cũng chia sẻ quan điểm rằng giá nhiên liệu hiện tại đang ở mức “đáng lo ngại” khi cho rằng có khả năng giá sẽ còn đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm tại các thành phố lớn. “Giá dầu diesel hiện cao nhất trong 10 năm trở lại đây – đây là những “kỷ lục” mà chúng ta không mong muốn, nhưng có vẻ sẽ chưa có hình thức hỗ trợ sớm nào được đưa ra. Những nguyên nhân gây ra tình trạng này chưa thể chấm dứt sớm, vì vậy chúng ta chỉ còn cách tự xem xét tình hình cục bộ để tiết kiệm từng phần chi phí nhiên liệu.”

 Giá nhiên liệu tại Úc tăng kỷ lục và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng
                                                     Nguồn ảnh: Twitter Perth News

Ông Khoury cũng đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng là hãy thử mua nhiên liệu ở một vài điểm khác nhau để tìm được nơi có giá tốt nhất, và nên tận dụng thông tin về giá trên các trang web của câu lạc bộ xe hơi, các trang web so sánh giá hoặc các ứng dụng liên quan như FuelCheck, MyNRMA, GasBuddy và MotorMouth. Chẳng hạn ở Sydney, mức chênh giữa nơi có giá thấp nhất và cao nhất đối với xăng không chì là khoảng 30 cents.

Theo ông Khoury, nguyên nhân của tình trạng giá xăng dầu cao là do yếu tố quốc tế, trong đó có việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì chính sách sản lượng thấp, đẩy giá tăng cao. Ông cho biết căng thẳng liên tục giữa Mỹ, Nga, Iran và các nước sản xuất dầu khác cũng góp phần gây ra tình trạng này. Bên cạnh đó, việc đồng đô-la Úc giảm 13 cents so với đồng đô-la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái đã làm tăng khoảng 10 cent cho một bình nhiên liệu. Sự kết hợp các yếu tố này gần như đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” khiến giá xăng dầu ngày một tăng cao.

Mới đây, một cuộc tẩy chay nhiên liệu trong hai ngày với sự tham gia của khoảng 167.000 người Úc đã được khởi động nhằm phản ứng với việc giá nhiên liệu tăng kỷ lục. Cuộc biểu tình được một người phụ nữ Sydney là Sabrina Lamont khởi xướng, những người tham gia là các tài xế, họ sẽ không sử dụng dịch vụ của các trạm xăng trong hai ngày 26 và 27 tháng 10 trong một nỗ lực gửi đi một thông điệp rõ ràng cho chính phủ và ngành công nghiệp nhiên liệu. Bà Lamont kiến ​​nghị chính phủ dỡ bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đánh lên nhiên liệu và khởi động một Ủy ban Hoàng gia giải quyết các vấn đề giá nhiên liệu và tăng giá quá mức, đề xuất này đã nhận được hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ. Theo bà Lamont, một mức giá hợp lý là 1,15 đô-la/lít xăng sau khi tính theo giá thùng, so sách tỷ giá đô-la, sau đó trừ đi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GST.

Hàng nghìn người dân Úc tham gia cuộc tẩy chay các trạm xăng trên toàn quốc
                                                                     Nguồn ảnh: iStock

Tuy nhiên, ông Mark McKenzie, Giám đốc điều hành của Cơ quan phụ trách các trạm dịch vụ thuộc Hiệp hội Tiếp thị xăng dầu và dịch vụ tiện ích của Úc (ACAPMA) cho rằng việc tẩy chay các nhà bán lẻ địa phương sẽ không khắc phục được vấn đề. Ông cho biết các nhà bán lẻ nhiên liệu chỉ tăng khoảng 8-10% trên giá cuối cùng, trong khi đó nguyên nhân chính của tình trạng giá tăng thời gian gần đây là do giá dầu thế giới đã tăng 44% kể từ tháng 6 năm ngoái và đồng đô-la Úc rớt giá 10%.

 

Phóng viên Thu Hà

Báo Doanh nhân Việt Úc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm