Úc: Làm hộ bài tập, luận văn có thể là vi phạm pháp luật

Thursday, 25/07/2019, 09:20 AM

Dịch vụ làm hộ bài tập, luận văn đang nở rộ ở Úc. Nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế sẵn sàng trả hàng trăm đô la cho những “thỏa thuận gian lận” này. Tuy nhiên, dịch vụ viết thuê này sẽ sớm bị coi là phạm pháp.

“Thỏa thuận gian lận” là việc một sinh viên trả phí để yêu cầu người khác làm thay bài tập hoặc bài thi cho mình. Các nhóm cá nhân, tổ chức cung cấp các dịch vụ gian lận này thường xuyên đăng công khai quảng cáo với những lời mời chào hấp dẫn như “hãy để chúng tôi làm bài giúp bạn, hãy ra ngoài và tận hưởng kỳ nghỉ của mình”.

Mới đây, Chính phủ Liên bang đã đề xuất ban hành đạo luật quy định tính bất hợp pháp của hành vi này. Theo đó, những người cung cấp hoặc quảng cáo các dịch vụ gian lận học thuật sẽ bị kết tội và có thể phải đối mặt với án tù hai năm hoặc phạt tiền lên tới 210.000 đô-la.

Dịch vụ làm hộ bài tập được quảng cáo công khai (Nguồn ảnh: ABC News)

Những quảng cáo thuê làm bài hộ, thi hộ ngày càng phổ biến trên các kênh truyền thông xã hội như WeChat hay Facebook, thậm chí có cả trên những bảng thông báo hay ngay phía sau cửa phòng vệ sinh tại các trường đại học. Phó giáo sư Tracey Bretag của Đại học Nam Úc cho biết các dịch vụ gian lận này cũng đang xâm nhập vào hộp thư email của trường đại học. Email gửi từ các tổ chức gian dối này có hình thức rất giống các email chính thức được gửi từ trường đại học, vì vậy chúng có thể gây nhầm lẫn đặc biệt đối với các sinh viên kém tiếng Anh.

Giáo sư Bretag là người chuyên nghiên cứu về vấn đề liêm chính học thuật, bà đã công bố nghiên cứu của mình về “thỏa thuận gian lận” trong giáo dục đại học Úc vào năm ngoái trên cơ sở khảo sát 14.000 sinh viên và 1.100 nhân viên tại tám trường đại học ở Úc. Kết quả cho thấy, trong khi chỉ có 6% số sinh viên được hỏi tự nhận đã từng tham gia vào ít nhất một trong những hành vi gian lận được điều tra trong nghiên cứu thì có tới 15% sinh viên đã mua, bán hoặc giao dịch các dịch vụ này.

Các sinh viên quốc tế người Trung Quốc là đối tượng đặc biệt dễ bị tác động từ các thỏa thuận gian lận (Nguồn ảnh: ABC News)

Một nghiên cứu riêng biệt được thực hiện vào năm 2018 bởi giáo sư Phil Newton từ Đại học Swansea, xứ Wales, dựa trên dữ liệu thu thập từ năm 1978, cho thấy sự gia tăng toàn cầu về tỷ lệ sinh viên thừa nhận sử dụng “thỏa thuận gian lận” với mức tăng từ 3,52% năm 1978 lên 15,7% vào năm 2014.

Theo các chuyên gia, một số sinh viên quốc tế sử dụng dịch vụ gian lận này vì họ có điều kiện tài chính tốt và những lời chào mời là rất hấp dẫn. Tuy nhiên nguyên nhân khiến dịch vụ này ngày càng trở nên phổ biến có thể là do các sinh viên cảm thấy áp lực để vượt qua các khóa học ngày càng tăng. Theo bà Susan Rowland của Đại học Queensland, gia đình của các sinh viên quốc tế phải hy sinh rất nhiều để có tiền trang trải cho các khóa học của con em mình, họ không đủ khả năng để chi trả nếu con em họ phải học lại lần hai, áp lực này đẩy nhiều sinh viên tìm đến với các “thỏa thuận gian lận”.

“Không thuận đạo lý” nhưng sinh lợi cao

Một người đang tham gia cung cấp dịch vụ gian lận này cho biết việc làm này giúp cô kiếm tiền khá dễ dàng trong khi tranh thủ thời gian trong các kỳ nghỉ ngắn. Nhiều bài tiểu luận mà sinh viên trả tiền cho cô để viết rất dễ dàng, có khi chỉ là những bài bình luận sách hay phim. Đây thực sự là công việc sinh lợi.

Cô tính giá 50 đô-la Mỹ (71,80 đô-la Úc) cho mỗi 250 từ và nhóm của cô có thể kiếm được khoảng 7.000 đô-la Mỹ trong một tháng.

Một số trong những người làm nghề viết thuê là những người làm việc chuyên nghiệp, nhưng phần nhiều trong số họ nói dối về danh tính cũng như kinh nghiệm viết thuê của mình. Một số tổ chức thậm chí còn khẳng định có sử dụng phần mềm chống đạo văn Turnitin để kiểm tra sản phẩm trước khi gửi cho những khách hàng sinh viên của mình. Tuy nhiên, ông James Thorley, một giám đốc khu vực của Turnitin, đã xác nhận gần như toàn bộ những bản mẫu mà công ty này kiểm tra thử đều là giả mạo. Ông Thorley cho biết “Turnitin không cung cấp phần mềm của mình cho khách hàng cá nhân mà chỉ các cơ quan, tổ chức mới có thể mua giấy phép”.

Công ty này đã phát triển một sản phẩm có tên là Điều tra quyền tác giả, nhằm phân tích các bài tập được gửi tới và giúp thu thập bằng chứng cần thiết để điều tra các trường hợp thỏa thuận gian lận.

Bà Anna Borek, giám đốc phụ trách quan hệ đối tác về học thuật của Turnitin chia sẻ quan điểm cần phải đưa luật pháp vào để giải quyết tình trạng gian lận này. Bà cho biết Turnitin sẽ hợp tác và hỗ trợ cộng đồng giáo dục về mặt công nghệ để giúp họ xây dựng một công cụ hiệu quả.

PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm