Úc lo ngại về chương trình khuyến khích di cư tới khu vực địa phương – tiến hành điều tra thăm dò cấp Thượng viện

Tuesday, 15/10/2019, 08:56 AM

Thượng viện Úc yêu cầu điều tra đánh giá những thách thức tiềm năng đối với người di cư liên quan đến các lộ trình cấp thị thực khu vực mới khuyến khích định cư ở khu vực nông thôn.

Chính phủ liên bang mong muốn di dân tay nghề cao định cư lâu dài tại các cộng đồng khu vực địa phương (Nguồn ảnh: AAP)

Theo kế hoạch của chính phủ liên bang, các lộ trình thị thực khu vực sẽ được triển khai vào tháng 11 nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động tay nghề cao tại các khu vực địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Thị thực khu vực tạm thời sẽ yêu cầu người di cư lành nghề phải sống và làm việc ở khu vực nông thôn trong ba năm mới đủ điều kiện để xin thị thực thường trú. Chính phủ dự kiến cấp 23.000 suất thị thực theo hai dòng thị thực được bảo lãnh thông qua các lộ trình nhà tuyển dụng, chính phủ và gia đình bảo lãnh.

Các lộ trình thị thực khu vực sẽ được triển khai vào tháng 11 (Nguồn ảnh: SBS)

Tuy nhiên, trước những lo ngại rằng liệu kế hoạch này có thể giúp nước Úc đạt được mục tiêu hay ngược lại khiến việc di cư tới khu vực địa phương bị cản trở, Thượng viện Úc đã nhận được các bản đệ trình đối với việc điều tra vấn đề này.

Bộ trưởng Di trú David Coleman khẳng định rằng những lợi ích kinh tế mà các di dân lành nghề mang lại cho cộng đồng địa phương là rõ ràng. Ông nhấn mạnh quan điểm của chính phủ là khuyến khích những lao động này định cư lâu dài ở các khu vực địa phương và đảm bảo họ không bị thiệt thòi so với những di dân định cư ở các thành phố lớn.

Bộ trưởng Bộ Di trú David Coleman ghi nhận giá trị kinh tế mà dân di cư lành nghề mang lại cho các khu vực địa phương (Nguồn ảnh: AAP)

Phòng Thương mại Úc đã đề cập đến khả năng chiến lược của chính phủ sẽ bị phản tác dụng. Diện tích của Úc rất lớn, điều này có thể trở thành thách thức đối với những người di cư mới muốn tìm việc phù hợp với tay nghề. Hơn nữa, cơ chế thị thực không ràng buộc người di cư với địa phương và điều này tiềm ẩn những bất lợi cho kế hoạch dài hạn khuyến khích di dân tới các khu vực này.

Các nhóm doanh nhân cũng cảnh báo rằng“thời gian chờ” ba năm để đủ điều kiện xin thường trú nhân là khá dài. Những lao động di cư tài năng sẽ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những thành phố sầm uất theo một dòng thị thực khác đảm bảo họ sẽ được cư trú vĩnh viễn ngay lập tức. Như vậy đây chính là trở ngại để thu hút người di cư đến các khu vực.

Người di cư sẽ phải chờ ba năm để đủ điều kiện cư trú vĩnh viễn theo lộ trình của thị thực khu vực mới (Nguồn ảnh: SBS)

Chương trình Di cư bảo lãnh theo khu vực trước đây cho phép lao động ngoại quốc có tay nghề được lưu trú vĩnh viễn ở Úc. Thị thực khu vực mới sẽ thay thế chương trình hiện hành này. Tuy nhiên, chính phủ cho biết mặc dù chỉ là thị thực tạm trú nhưng lộ trình mới này sẽ coi những người ứng tuyển hồ sơ thị thực như những cư dân Úc dưới góc độ họ được huưởng các quyền lợi giống như người có thị thực thường trú. Các quyền này bao gồm việc tiếp cận các khoản thanh toán an sinh xã hội, lợi ích thuế, dịch vụ dành cho người khuyết tật, thanh toán chế độ thai sản và Hỗ trợ Giáo dục Đại học.

Một đệ trình thay mặt cho chín trường đại học nổi tiếng trên toàn quốc đang kêu gọi cải cách pháp luật mạnh mẽ hơn, nhằm hỗ trợ cho người nhập cư chi trả được các chi phí giáo dục cấp tiền tiểu học, tiểu học và phổ thông cơ sở, hướng tới tiếp cận Hỗ trợ Giáo dục Đại học. Theo các trường này, khoản học phí hàng năm trung bình khoảng 7.500 đô-la với mỗi học sinh là một gánh nặng tài chính đáng kể đối với hộ gia đình của những di dân theo thị thực diện tay nghề theo khu vực mới. Bởi vậy, họ cần được đối xử như thường trú nhân Úc liên quan đến việc thanh toán học phí để đăng ký cho con em mình vào các trường công lập.

Trong bản đệ trình của mình, Hội đồng Nông thôn bang Victoria, đại diện cho 37 quận trong tiểu bang, đã xác nhận mối đe dọa về giảm sút dân số đối với nhiều nền kinh tế nông thôn và khẳng định điều quan trọng là phải cho người di cư thấy được họ có những cơ hội tốt khi đến với các khu vực địa phương, đồng thời xác định đúng mối quan tâm của họ khi sinh sống tại đây. Hội đồng Nông thôn bang Victoria cũng khuyến cáo những thay đổi về việc xin thị thực nên được thực hiện đồng bộ, nhất quán ở tất cả các cấp chính quyền nhằm đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người di cư như nhà ở, giáo dục đào tạo và các chương trình hỗ trợ cộng đồng.

PV Thu Hà

 

 

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm