Úc: Nhiều giáo viên không sẵn lòng dạy dỗ trẻ em khuyết tật

Thursday, 14/11/2019, 20:02 PM

Các giáo viên trong hệ giáo dục đặc biệt cho biết mặc dù một số học sinh có “nhu cầu phức tạp” nhưng các em vẫn có thể phát triển được trong hệ thống các trường học chính thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng hỗ trợ cho sự hòa nhập này.

Ủy ban hoàng gia về người khuyết tật đã nhận được ý kiến từ một số giáo viên của chương trình giáo dục đặc biệt cho rằng các học sinh khuyết tật hoàn toàn có năng lực học tập và phát triển được trong hệ thống trường học chính thống, các trường học bởi vậy nên coi trọng và hoan nghênh học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, họ cũng cho biết nhiều giáo viên có xu hướng “phản đối đa dạng hóa” trong trường học và không sẵn lòng dạy dỗ những đối tượng có “nhu cầu phức tạp” này. Các phụ huynh cũng gửi các bằng chứng lên Ủy ban về việc con cái họ bị bắt nạt không ngừng ở trường.

Học sinh tiểu học ở Brisbane.

Nguồn ảnh: AAP

Bà Loren Swancutt, Giám đốc khu vực của Chương trình dịch vụ giáo dục đặc biệt, cho biết nhiều giáo viên bất đắc dĩ mới phục vụ nhu cầu của học sinh khuyết tật. Theo bà, những sự điều chỉnh cá nhân đã không được đề ra và lên kế hoạch trước một cách cần thiết, điều này khiến đứa trẻ không thể hòa nhập thành công ở lớp học.

Bà Loren Swancutt cũng cho biết có ít nhất một trường học ở Queensland vẫn chưa cho học sinh khuyết tật tham gia vào các lớp chính thống. Họ hiện vẫn đang triển khai các lớp học riêng biệt dành cho đối tượng này.

Nhiều quan điểm cho rằng Ủy ban hoàng gia về người khuyết tật cần yêu cầu một số trường xây dựng một chương trình đào tạo hòa nhập toàn diện hơn để tương thích với học sinh khuyết tật.

Bà Swancutt nhận định vấn đề nằm ở ý chí sẵn sàng và một mệnh lệnh đạo đức từ những vị lãnh đạo chủ chốt của các trường học. Đã đến lúc cần đưa con tàu giáo dục đi đúng hướng trong việc đối xử với các đối tượng học sinh khiếm khuyết. Nhiều nhà trường đang không thực hành đúng đắn và đánh giá thấp sự cần thiết phải thay đổi và hành động vì xã hội.

Các giáo viên từ Ingham, Bowen và Thuringowa đều nói với Ủy ban rằng những chương trình hòa nhập đang được họ phát triển dựa trên các sáng kiến ​​cá nhân, chứ không thông qua những hướng dẫn giáo dục. Bà Swancutt nhấn mạnh thêm rằng nhiều nghiên cứu học thuật nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo họ đang đi đúng hướng.

Có rất nhiều thách thức mà giáo viên nuôi dạy học sinh khuyết tật phải đối mặt, đặc biệt khi các em cần hỗ trợ trong các vấn đề y tế nghiêm trọng. Các hình thức khiếm khuyết cũng rất đa dạng, bao gồm tự kỷ, chứng khó đọc, các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay thể trạng như hen suyễn.

Tuy nhiên, bà Catherine Morris, người phụ trách dịch vụ giáo dục đặc biệt tại trường trung học phổ thông Bowen, tự hào rằng mọi học sinh khiếm khuyết của trường bà đều được tham gia các lớp học chính thống, tất cả các em đều được tiếp cận với chương trình đào tạo theo cấp độ tương xứng, nhận được sự hỗ trợ cần thiết phục vụ các nhu cầu đặc biệt của mình. Bà Morris khẳng định tất cả những học sinh này đều có quyền tham gia vào bất cứ sự kiện nào của trường và các em chắc chắn là những thành viên có giá trị trong cộng đồng trường Bowen.

Trước đó, một người mẹ của năm đứa trẻ khuyết tật, người đã và đang chiến đấu không mệt mỏi để những đứa con của mình có quyền như mọi người, đã gửi thông điệp tới Ủy ban rằng bà hi vọng nhận thức chung của công chúng đối với việc giáo dục học sinh khuyết tật sẽ thay đổi. Đó là một chặng đường dài nhưng cần phải đi vì cách mà học sinh khuyết tật hiện đang bị đối xử là không phù hợp.

Ủy ban hoàng gia về người khuyết tật vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe các kiến nghị tại phiên điều trần.

Nguồn tin:

sbs.com.au/

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm