Úc: Quy định cấm túi nhựa chỉ là bước khởi đầu trong mục tiêu bảo vệ môi trường

Saturday, 02/02/2019, 09:00 AM

Sáu tháng trước, quy định cấm sử dụng túi ni-lông dùng một lần đã có hiệu lực tại Úc. Quy định này ban đầu tưởng chừng khó được hiện thực hóa khi mà sự tiện lợi của các loại túi dùng một lần là rất lớn nhưng cho đến nay, nó đã bắt đầu làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Úc và là khởi đầu cho những chiến dịch chống rác thải nhựa lớn hơn.

Hầu hết mọi người đều mang theo túi mua hàng riêng tái sử dụng hoặc chọn cầm hàng hóa về mà không cần túi. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ Coles và Woolworths cho biết lệnh cấm này đã giúp họ giảm 1,5 tỷ chiếc túi ni-lông bị thải ra môi trường.

Theo ông Tim Silverwood, đồng sáng lập Dự án Làm sạch biển Take 3, người dân Úc đều đã nhận ra quy định này không hề đòi hỏi họ phải thay đổi quá nhiều mà vẫn tạo ra sự khác biệt lớn. Thành công của lệnh cấm túi ni-lông là cơ hội tuyệt vời để đưa cuộc chiến chống rác thải nhựa lên một tầm cao mới. Điều này bao gồm cả việc thông qua luật cấm túi cũng như giảm sử dụng túi dày hơn ở bang NSW và làm theo kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, nơi đã lên kế hoạch loại bỏ hoặc giảm thiểu 10 loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Theo Báo cáo chất thải quốc gia 2018 được công bố vào tháng 11 vừa qua, chỉ 12% rác thải nhựa ở Úc được tái chế, có nghĩa là khoảng 87% thải ra các bãi rác. Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ có cách xử lý chất thải và tái chế khác nhau. NSW là bang duy nhất ở Úc cho tới nay không có kế hoạch đưa ra lệnh cấm túi nhựa.

Giám đốc Sở môi trường Tây Úc, ông Stephen Dawson, gần đây đã bày tỏ mục tiêu tiếp theo là loại bỏ các loại túi nhựa dày hơn loại túi 15c, túi càng dày thì được làm từ càng nhiều nhựa. Ngoài ra còn có nhiều dạng sản phẩm nhựa khác có thể được xử lý và Úc đang khá chậm trễ trong lĩnh vực này.

Cách xử lý của Châu Âu

Ủy ban châu Âu đã hướng tới cấm hoặc giảm 10 loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2030. Nếu được thông qua, việc xả rác thải nhựa sẽ giảm hơn một nửa, tránh thiệt hại về môi trường ước tính 22 tỷ euro (tương đương 34 tỷ đô-la Úc). Quy định này cũng sẽ giúp giảm phát thải tương đương 3,4 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Những sản phẩm được đưa vào danh mục này là 10 loại sản phẩm dùng một lần được xả thải nhiều nhất trên các bãi biển châu Âu và chiếm 43% tổng lượng rác thải biển, bao gồm: hộp đựng thức ăn, cốc đựng đồ uống, tăm bông, dao kéo / đĩa / thìa / ống hút, que bóng bay / bóng bay, gói và giấy gói, chai nước giải khát, dụng cụ lọc thuốc lá và khăn vệ sinh / giấy lau ướt. Ủy ban châu Âu cũng sẽ xem xét hạn chế cần câu cá, loại ngư cụ này chiếm tới 27% lượng rác thải biển.

10 sản phẩm nhựa thường thấy nhất trên các bãi biển ở châu Âu (Nguồn ảnh: news.com.au)

Các nước thuộc Liên minh đều thừa nhận những ảnh hưởng nặng nề do các sản phẩm nhựa gây ra, các khoản chi phí làm sạch môi trường cao, cũng như thiệt hại lớn đối với ngành du lịch, ngư nghiệp và vận chuyển.

Do sự phân hủy chậm, nhựa tích tụ ở biển, đại dương và trên các bãi biển. Dư lượng nhựa đã được tìm thấy không chỉ trong rùa biển, hải cẩu, cá voi và chim, mà còn có trong cá và các loại động vật biển có vỏ, nghĩa là con người cũng có thể bị nhiễm độc khi ăn các loại  sinh vật này.

Tăm bông có thể là sản phẩm tiếp theo bị cấm (Nguồn ảnh: News Limited)

Ông Silverwood cho biết 10 loại sản phẩm bị cấm ở châu Âu cũng là các loại rác thải thường xuyên tại Úc, mặc dù chương trình tái sử dụng chai/ hộp đựng ở Úc đã giúp giảm số lượng xả thải các loại chai lọ đựng đồ uống nhưng không đáng kể. Ông nói rằng Úc nên đưa ra các biện pháp tương tự như Liên minh châu Âu, ở cả cấp tiểu bang và liên bang, để giải quyết các loại nhựa sử dụng một lần khác.

Úc có 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm và lượng rác thải sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu không có phương án loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Theo Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm