Úc: Trung bình có hơn 500 vụ lừa đảo thị thực được trình báo mỗi năm

Friday, 22/11/2019, 21:30 PM

Hơn 2.700 cáo buộc lừa đảo thị thực đã được báo cáo lên Chính phủ Úc kể từ năm 2014, tuy nhiên con số thực tế có thể lớn hơn nhiều khi vẫn còn thiếu cơ chế bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

Cục Quản lý Gian lận Di trú của Bộ Nội vụ Úc đã nhận được 2.796 cáo buộc liên quan đến lừa đảo thị thực theo thống kê từ ngày 1/7/2014 đến tháng 9/2019. Số liệu này được cung cấp theo Luật Tự do Thông tin và không công khai theo từng năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhập cư cho biết có thể còn nhiều người nữa đang đi theo con đường nhập cư trái phép mà chưa được báo cáo. Bà Sanmati Verma, một luật sư di trú kỳ cựu của Công ty Clothier Anderson có trụ sở tại bang Victoria, cho biết hiện nay vẫn còn thiếu các biện pháp bảo vệ phù hợp đối với những người sở hữu thị thực và những người nộp hồ sơ xin thị thực, đây là đối tượng bị tác động bởi những lời dụ dỗ gian lận di cư. Điều này khiến các nạn nhân e ngại trình báo sự việc. “Bộ Nội vụ không cung cấp giải pháp hay bất kỳ hình thức bảo đảm thị thực nào nếu thị thực của một người bị từ chối hoặc hủy bỏ do phát hiện gian lận. Vì vậy, trong những tình huống như thế này, người nhập cư sẽ đặt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm tình trạng thị thực của họ thay vì theo đuổi khiếu nại” – bà nói.

Mục tiêu là các nạn nhân từ nước ngoài

Bộ Nội vụ cũng tiết lộ Cục Giám sát Biên giới thuộc Bộ đã nhận được 56 báo cáo về các vụ lừa đảo hỗ trợ nhập cư trái phép liên quan đến những người xin thị thực từ nước ngoài thông qua một người có chức trách, trụ sở làm việc tại Úc trong cùng một khoảng thời gian.

Hồi tháng 9 vừa qua, một cuộc điều tra do trang tin SBS phối hợp với kênh Ả Rập 24 thực hiện đã vạch trần vụ lừa đảo của một người đàn ông Melbourne có tên là Mounzer Kheder. Ông này nhận hơn 9.500 đô-la từ một gia đình chạy trốn khỏi chiến tranh ở Syria, hiện sống ở Ả Rập Xê Út. Họ biết nhau qua Facebook và ông Kheder đã hứa giúp gia đình này xin thị thực Úc.

Cô Nour Al Abssi (bên trái), và gia đình là nạn nhân của một vụ lừa đảo thị thực Úc

Nguồn ảnh: SBS News

Ông Mounzer Kheder, quốc tịch Úc, tự nhận mình là một Nghị sĩ Đảng Lao động, đã nói với gia đình cô Nour Al Abssi rằng ông có thể thông qua các kết nối của mình trong Nghị viện Úc để xúc tiến việc xin thị thực cho họ. Ông này không phải là một đại lý di trú có đăng ký. Khi được hỏi, ông Kheder thừa nhận đã lấy tiền từ gia đình cô Al Abssi nhưng khẳng định mình không làm gì sai. Trong khi đó, gia đình nạn nhân vẫn ở Ả Rập Xê Út mà không có thị thực.

Bà Sanmati Verma tin rằng số khiếu nại thuộc loại này đặc biệt thấp vì đặc thù hoàn cảnh của nạn nhân. Một khi họ đã ở trong tình thế dễ bị tổn thương đến mức không thể tìm hiểu kỹ về một người vừa quen trên LinkedIn hay Facebook, và bất lực đến mức dễ dàng tin tưởng người đó cùng những hứa hẹn về dịch vụ di trú được cung cấp, thì cũng khó có khả năng họ biết được phải làm thế nào và tới đâu để liên hệ với cơ quan đúng thẩm quyền và nộp đơn khiếu nại.

Theo bà Verma, di cư là một hình thức kinh doanh cực kỳ sinh lời. Nền kinh tế Úc đang hưởng lợi từ nó theo nhiều cách và ở hầu hết mọi giai đoạn trong quy trình di cư. Đáp lại lợi ích đó, chính phủ cần dành một khoản đầu tư tương xứng để thiết lập một mạng lưới an toàn cho người di cư, mặc dù điều đó có nghĩa là phải dành riêng những khoản quỹ cho nạn nhân của các vụ gian lận thị thực nhằm cung cấp cho họ sự tư vấn độc lập để khắc phục tình hình hoặc hỗ trợ họ làm lại hồ sơ xin thị thực mới.

Bộ Nội vụ đã không trả lời khi được yêu cầu bình luận về các biện pháp bảo vệ hiện tại dành cho những người bị ảnh hưởng bởi các vụ lừa đảo thị thực ở Úc và cũng không phản hồi gì trước nhận định số vụ lừa đảo thực tế có thể lớn hơn nhiều so với báo cáo của Bộ, thay vào đó Bộ này chỉ giới thiệu tới trang web của Cục Giám sát Biên giới.

Cục Giám sát Biên giới khuyến khích mọi người trình báo về những cá nhân, tổ chức dẫn mối thị thực bất hợp pháp và khẳng định tất cả các trình báo nhận được đều được điều tra giải quyết. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về tiến trình hoặc kết quả điều tra thì không được cung cấp cho người khiếu nại vì các lý do bảo mật.

 

Nguồn tin: www.sbs.com.au

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm