Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,… đang hứng trọn “cơn gió chướng” từ các hiệp định thương mại tự do?

Saturday, 28/10/2017, 17:51 PM

Doanhnhanvietuc – “Sự dịch chuyển trong ngành sản xuất xe hơi là hệ quả của những hiệp định thương mại tự do giữa các nước có chi phí lao động chênh lệch nhau rất nhiều”, chuyên gia phân tích Felipe Munoz của hãng Jato Dynamics nhận định.

Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,... đang hứng trọn "cơn gió chướng" từ các hiệp định thương mại tự do?

Mới đây, hãng sản xuất xe hơi GM đã đóng cửa nhà máy lắp ráp lớn cuối cùng của mình tại Australia đẩy đưa một ngành kinh tế kéo dài cả thế kỷ tại đất nước này tới bờ vực kết thúc.

Quyết định của GM theo sau hàng loạt những động thái tương tự của Ford hay Toyota khi những hãng xe này không thể đối phó được với các sản phẩm rẻ hơn nhập khẩu từ Châu Á, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do buộc Australia phải giảm thuế quan cho những mặt hàng này.

Tuy nhiên, Australia không phải quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới có ngành ô tô đang gặp khủng hoảng. Rất nhiều nước đang gặp khó khi hàng loạt các hãng sản xuất xe hơi dịch chuyển nhà máy sang những nước có chi phí thấp hơn như Mexico.

Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,... đang hứng trọn cơn gió chướng từ các hiệp định thương mại tự do? - Ảnh 1.

Sản lượng sản xuất ô tô (triệu chiếc)

“Sự dịch chuyển trong ngành sản xuất xe hơi là hệ quả của những hiệp định thương mại tự do giữa các nước có chi phí lao động chênh lệch nhau rất nhiều”, chuyên gia phân tích Felipe Munoz của hãng Jato Dynamics nhận định.

Tại Mỹ, các hãng xe vẫn đầu tư sản xuất ở Mexico bất chấp lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chuyển bớt việc làm ra khỏi Mỹ. Trong khi hãng Audi đặt Mexico làm trung tâm sản xuất cho dòng xe Q5 Premium SUV của mình thì BMW cũng đã mở một nhà máy sản xuất dòng Sedan thế hệ 3 cho thị trường toàn cầu tại đó.

Tập đoàn Toyota sẽ di chuyển hoạt động sản xuất dòng Corolla sang Mexico trong khi GM đang mở rộng nhà máy tại đất nước này.

Ngay cả tập đoàn Ford cũng từng lên kế hoạch sản xuất dòng Focus mới tại Mexico trước khi chuyển sang Trung Quốc. Hãng Volvo, bị sở hữu bởi công ty Trung Quốc Geely cũng đã đặt nhà máy chính sản xuất dòng S90 tại quốc gia Châu Á này.

Về phía Châu Âu, hàng loạt các hãng xe như Jaguar Land Rover, Volkswagen hay Mercedes cũng chuyển nhà máy đến các nước như Slovania hay Ba Lan, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn Đức hay Anh.

Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,... đang hứng trọn cơn gió chướng từ các hiệp định thương mại tự do? - Ảnh 2.

Chi phí sản xuất xe hơi tại các nước so với Mỹ năm 2012 (%)

Theo hãng Evercore ISI, các công ty sản xuất xe hơi chỉ xem xét đặt nhà máy tại những nước phát triển có chi phí cao như Australia nếu khả năng xuất khẩu sản phẩm từ nước này đi những thị trường khác là tốt. Nói đơn giản, hàng “made in Australia” nếu dễ bán và dễ nhập khẩu vào nhiều thị trường thì các công ty xe hơi sẵn sàng duy trì sản xuất. Tiếc thay, điều đó lại không xảy ra.

Ở những quốc gia như Anh hay Đức, khoảng 80% số xe hơi sản xuất của họ là để xuất khẩu. Thương hiệu xe hơi sản xuất tại 2 quốc gia này đều có tiếng cùng với hàng loạt hiệp định thương mại đã níu kéo được các nhà máy.

Trong khi đó, việc Australia ký kết hiệp định thương mại tự do với Thái Lan chỉ khiến nước này ngập tràn xe giá rẻ mà không khiến những chiếc ô tô “made in Australia” được phổ biến hơn tại Châu Á.

Cái giá của tự do thương mại

Nhắc đến những hiệp định thương mại thì chắc chắn mọi người đều liên tưởng đến Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn đang được các thành viên đàm phán lại.

Nhờ NAFTA, những nước đang phát triển như Mexico đã được hưởng lợi lớn, qua đó biến ngành sản xuất xe hơi từ một thị trường chưa ai biết đến trung tâm sản xuất toàn cầu chỉ trong vòng 20 năm. Dẫu vậy, bản hiệp định này lại kéo hàng loạt việc làm trong ngành xe hơi của người Mỹ sang nước khác, qua đó khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết yêu cầu đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do.

Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,... đang hứng trọn cơn gió chướng từ các hiệp định thương mại tự do? - Ảnh 3.

Tỷ lệ đóng góp GDP của ngành sản xuất Australia đã giảm mạnh từ năm 1975 (%)

Quay trở lại với bản hiệp định thương mại tự do Australia –Thái Lan ký năm 2005, đây thực sự là một thỏa thuận có lợi cho chính quyền Bangkok khi người dân xứ chuột túi mua tới 2,26 triệu xe hơi nhập khẩu từ Thái.

Dẫu vậy, khi những hãng xe như Ford hay chi nhánh GM tại Australia muốn nhập khẩu ô tô vào Thái Lan, họ lại gặp rất nhiều trở ngại phi thuế quan.

Mặc dù những hiệp định thương mại khiến người dân tiếp cận được nhiều xe hơi giá rẻ hơn, qua đó tác động tích cực đến thị trường tiêu dùng nhưng chúng cũng khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất xe của Australia phải cắt giảm sản lượng trong khoảng 2004-2012 xuống chỉ còn 220.000 xe tổng số.

Việc Australia dỡ bỏ rào cản thuế quan từ gần 60% giữa thập niên 1980 xuống 5% hiện nay khiến thị trường này có tới 67 thương hiệu ô tô với 350 dòng sản phẩm trong năm 2014. Tổng doanh số bán xe của năm này là 1,1 triệu USD với tổng giá trị 40 tỷ Dollar Australia (AUD). Số thương hiệu và dòng sản phẩm kinh doanh tại Australia trong năm này đã vượt cả Mỹ và Trung Quốc, nơi có doanh số tương ứng 17 triệu chiếc và 23 triệu chiếc cùng năm.

Như vậy, sự cạnh tranh trên thị trường xe Australia ngày càng cao hơn với sự gia nhập của xe ngoại. Trong khi ngành sản xuất ô tô Thái Lan khá mạnh và hấp thụ hầu như tất cả mảng sản xuất ô tô của Toyota tại Australia thì xứ sở chuột túi lại không có doanh nghiệp nào hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do này.

Vì sao ngành xe hơi Australia, Mỹ,... đang hứng trọn cơn gió chướng từ các hiệp định thương mại tự do? - Ảnh 4.

Lao động ngành sản xuất Australia đang chuyển dần sang những mảng khác như xây dựng (triệu lao động)

Động thái đóng cửa nhà máy của GM tại bang Nam Australia sẽ khiến hàng trăm công nhân mất việc làm và đè nặng lên tình hình tại đây. Trong khi đó, tổ chức từ thiện Anglicare cho biết việc các nhà máy sản xuất ô tô đóng cửa có thể khiến 2.500 lao động của các ngành nghề liên quan bị mất việc.

Mặc dù Australia đang được hưởng lợi lớn từ ngành khai khoáng nhưng vùng Nam Australia lại đang chịu thiệt hại từ chính sự bùng nổ kinh tế vĩ mô. Đồng tiền lên giá cùng mức lương tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến các nhà máy lựa chọn rời bỏ.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nam Australia giảm từ 7% năm 2016 xuống 5,8% hiện nay nhưng từ đầu năm đến nay đã có 6.900 người địa phương rời bỏ bang này.

May mắn thay, Australia vẫn tạo được thêm 800.000 việc làm trong 4 năm qua, chủ yếu trong các ngành y tế, xây dựng và giáo dục, qua đó giảm thiểu tác động từ sự suy giảm việc làm ngành sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng ở mức 5,5%, thấp nhất từ năm 2013 và tỷ lệ người lao động trong độ tuổi 25-64 của nước này ở mức cao hơn bao giờ hết.

Theo Thoidai

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm