Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua “hiệp định thế kỷ” CPTPP

Monday, 12/11/2018, 20:51 PM

Chiều nay (12/11), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ tán thành 100%.

               100% Đại biểu bấm nút thông qua Hiệp định CPTPP

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại;

Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước đó, hôm 2/11, Quốc hội đã nghe tờ trình của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương.

“Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”, ông nói.

Ngoài thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế – xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Đặc biệt, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để phù hợp với điều ước quốc tế nhưng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị – xã hội.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Chính phủ cũng đánh giá CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 – 26.000; dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày).

Tuy nhiên, CPTPP cũng mang đến nhiều thách thức khi mở cửa thị trường 3 nước Canada, Mexico và Peru. Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô… Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định có nhiều giải pháp để khắc phục các thách thức.

Còn tại Báo cáo thẩm tra Quốc hội chỉ ra rằng, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc hội cũng chỉ ra rằng, có ý kiến còn băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người năm 2017 của các nước thành viên CPTPP là: Australia 56.135 USD, Singapore 53.880 USD, Canada 44.773 USD, New Zealand 41.629 USD, Nhật Bản 38.550 USD, Brunei 27.893 USD, Chile 14.314 USD, Malaysia 9.659 USD, Mexico 9.249 USD, Peru 6.598 USD và Việt Nam 2.306 USD.

Theo đó, Uỷ ban Đối ngoại cho rằng mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo Dân trí

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm