Ai là chủ sở hữu của mỹ phẩm được gia công?

Tuesday, 23/04/2024, 01:54 AM

Đặt gia công mỹ phẩm và gắn tên thương hiệu của mình rồi đem ra thị trường tiêu thụ không phải là chuyện mới lạ. Hình thức này dù giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho doanh nghiệp muốn kinh doanh mỹ phẩm mà không tổ chức sản xuất vẫn tồn tại một số vấn đề pháp lý nhất định.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam – “miếng bánh thơm ngon” được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Ảnh: N.K

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam luôn là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là mỹ phẩm. Càng đặc biệt hơn khi đây là mặt hàng trực tiếp sử dụng trên cơ thể con người, do đó, người tiêu dùng thường có khuynh hướng lựa chọn những mặt hàng tốt nhất dành cho mình mà không tính toán chi ly cho từng sản phẩm.

Mỹ phẩm vì thế trở thành “miếng bánh thơm ngon” được nhiều doanh nghiệp nhắm đến, tuy vậy, để đầu tư sản xuất mỹ phẩm không đơn giản vì sẽ phải mất khá nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động đầu tư nghiên cứu, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng đi mới: đặt gia công mỹ phẩm. Hình thức gia công này về cơ bản tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề pháp lý nhất định.

Rủi ro về trách nhiệm đối với mỹ phẩm được gia công

Kinh doanh mỹ phẩm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 điều 48 Thông tư này, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các nội dung kê khai trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đảm bảo rằng sản phẩm đưa ra lưu thông đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các phụ lục kèm theo.

Theo các quy định này, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường hiện nay là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của mỹ phẩm. Cũng phải làm rõ thêm rằng, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là doanh nghiệp đứng tên trên hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm mỹ phẩm đó trên thị trường.

Có thể hiểu quy định này nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý mỹ phẩm, khi quy toàn bộ trách nhiệm cho doanh nghiệp đứng tên trên hồ sơ công bố mỹ phẩm. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm đồng thời là doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, quy định này là hợp lý. Tuy nhiên, với hình thức đặt gia công mỹ phẩm như nhiều doanh nghiệp đang làm hiện nay, quy định này là rủi ro cho các doanh nghiệp đứng tên trên hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Bởi lẽ doanh nghiệp đặt gia công mặc dù sở hữu công thức, nguyên liệu của sản phẩm nhưng lại không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất mỹ phẩm, điều này khiến các doanh nghiệp này không thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm, hoặc các sai sót, lỗi mà bên gia công có thể mắc phải trong quá trình gia công mỹ phẩm.

Cần lưu ý rằng, công tác quản lý mỹ phẩm hiện nay đang theo hình thức hậu kiểm. Việc công bố thông tin mỹ phẩm chỉ đơn thuần là thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận đối với một thủ tục hành chính là điều kiện cần trước khi mỹ phẩm được đưa ra lưu thông trên thị trường.

Do đó, những thông tin mà doanh nghiệp kê khai đều theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm. Sau khi mỹ phẩm đã được đưa ra thị trường, doanh nghiệp đứng tên trên hồ sơ công bố mỹ phẩm phải lưu giữ hồ sơ thông tin mỹ phẩm, với các tài liệu hành chính và tóm tắt về sản phẩm, chất lượng của nguyên liệu, chất lượng của thành phẩm, an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm.

Có thể thấy, đây mới là những hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng của sản phẩm. Mặc dù vậy, những tài liệu này đa phần đều được chuẩn bị bởi đơn vị gia công mỹ phẩm. Do đó, doanh nghiệp đặt gia công có thể sẽ không kiểm chứng được tính chính xác của các tài liệu này, cũng như không kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Việc phải chịu trách nhiệm đối với những sai sót của đơn vị gia công là rủi ro lớn mà doanh nghiệp đứng tên trên hồ sơ công bố mỹ phẩm có thể phải gánh chịu.

Ai là chủ sở hữu của mỹ phẩm?

Ngoài rủi ro về việc phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc đưa mỹ phẩm ra lưu thông ngoài thị trường như đã nêu, một câu hỏi đặt ra trong trường hợp doanh nghiệp đặt gia công mỹ phẩm, đó là ai sẽ là chủ sở hữu của mỹ phẩm được gia công.

Theo cách hiểu thông thường và quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì doanh nghiệp đặt gia công sẽ là chủ sở hữu của sản phẩm đã được gia công, đơn vị gia công sẽ nhận tiền công. Mặc dù vậy, khoản 5 điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT lại quy định chủ sở hữu sản phẩm mỹ phẩm là doanh nghiệp sở hữu công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Sẽ không có gì phải bàn cãi nếu doanh nghiệp đặt gia công sở hữu tất cả công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đơn vị gia công chỉ cần thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp đặt gia công.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm gần như phụ thuộc vào đơn vị gia công, khi quy trình sản xuất hay tiêu chuẩn chất lượng đều theo mẫu có sẵn của đơn vị gia công, còn mình chỉ chi trả tiền công và được gắn tên thương hiệu lên sản phẩm. Trong trường hợp này, nếu căn cứ vào quy định của Thông tư 06 quản lý chuyên ngành về mỹ phẩm, rất khó để xác định doanh nghiệp đặt gia công là chủ sở hữu của mỹ phẩm.

Việc xác định ai là chủ sở hữu của mỹ phẩm sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ công bố mỹ phẩm. Cụ thể, trong trường hợp doanh nghiệp đặt gia công được xác định là chủ sở hữu mỹ phẩm, hồ sơ công bố mỹ phẩm của doanh nghiệp này sẽ không bao gồm giấy ủy quyền từ nhà sản xuất hay chủ sở hữu mỹ phẩm. Ngược lại, hồ sơ công bố mỹ phẩm sẽ phải bao gồm giấy ủy quyền này. Đây là một nội dung chưa rõ ràng và có thể ảnh hưởng đến quá trình nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm của các doanh nghiệp.

Cần có những điều chỉnh phù hợp hơn

Sự thay đổi pháp luật để phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh là điều tất yếu phải xảy ra, chưa kể việc quản lý mỹ phẩm hiện nay gần như chỉ được quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT, đã được ban hành hơn một thập kỷ trước. Do đó, việc soạn thảo Nghị định về quản lý mỹ phẩm có thể được xem như một nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế trong thời gian tới.

Để các doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường có thể kiểm soát được các rủi ro pháp lý mà mình có thể gặp phải, xuất phát từ sai sót, lỗi của đơn vị gia công, chúng tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh nhất định về trách nhiệm của đơn vị gia công mỹ phẩm.

Theo đó, cần có những quy định cụ thể hơn về đơn vị gia công mỹ phẩm, như định nghĩa, phạm vi hoạt động, điều kiện hoạt động, quyền và nghĩa vụ tương ứng trong mối quan hệ với người tiêu dùng. Từ đó, phân bổ trách nhiệm mà các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan đến việc gia công, phân phối mỹ phẩm phải chịu đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, về định nghĩa chủ sở hữu đối với sản phẩm mỹ phẩm, thiết nghĩ cũng cần có những điều chỉnh tương ứng sau khi đã bổ sung các quy định về gia công mỹ phẩm, nhằm xác định rõ ràng hơn về chủ sở hữu của mỹ phẩm. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp là bên đặt gia công mỹ phẩm trong quá trình nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm.

LS. Nguyễn Văn Phúc, Công ty Luật TNHH HM&P

Nguồn: The Saigon Times

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm