Đẩy mạnh công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam

Saturday, 27/04/2024, 21:25 PM

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, công tác đối ngoại đã góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại thành công ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Cục diện mới đa cực đang định hình

Theo ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao), tình hình thế giới, khu vực có ảnh hưởng nhất định đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định.

Theo ông Thành, đặc trưng nổi bật của cục diện thế giới hiện nay khác so với các giai đoạn trước là “thế giới đang đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc”.

Ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cùng với đó là tính bất ổn, bất định và bất trắc gia tăng, như từ Trung Đông đến châu Âu, các điểm nóng khu vực xung đột nổi lên ngày càng nhiều. Trên thế giới hiện nay, mức độ bất ổn, bất định lớn hơn nhiều, thí dụ như ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, căng thẳng ở Biển Đỏ… có tác động đến mọi mặt đời sống quốc tế.

Thêm vào đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh mạng… ngày càng gia tăng. Đơn cử như biến đổi khí hậu, theo ông Thành, nếu không được kiềm chế thì đến năm 2050, mức độ thiệt hại của biến đối khí hậu gây ra có thể lên tới 3.100 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam cũng là nước đang gánh chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 60% lượng thủy hải sản của Việt Nam đang chịu tác động lớn do hạn mặn khi tần suất và cường độ năm nay mạnh hơn rất nhiều so với các năm trước. Ngoài ra, các dự án lớn của các nước trong vùng cũng có tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới hiện nay đối mặt nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế có khả năng chậm hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, với nhiều cơn gió ngược hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và từ các điểm nóng trên thế giới như như xung đột Israel-Hamas, căng thẳng ở Biển Đỏ, xung đột Nga-Ukraine…

“Riêng vấn đề Biển Đỏ, việc lực lượng Houthi tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ đã đẩy chi phí bảo hiểm lên gấp khoảng gần 10 lần. Đối với Việt Nam, chi phí chở hàng đến địa bàn phải đi qua Biển Đỏ đội lên rất nhiều. Thí dụ, một container cuối năm 2023 có chi phí là 750 USD/container, đến quý I/2024 con số này đã lên mức 6.000-6.500 USD/container. Điều này đánh trực tiếp vào túi tiền của doanh nghiệp, địa phương và đằng sau là người dân,” ông Thành chia sẻ.

Theo nhận định của Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, song cũng là địa bàn cạnh tranh, tập hợp lực lượng giữa các nước lớn và tiềm ẩn nhiều tranh chấp, bất ổn rất dễ bùng phát, có tác động trực tiếp đến an ninh và sự phát triển của Việt Nam.

Cụ thể, trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 4 nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Điều này cho thấy trọng tâm, sức nặng kinh tế thế giới của khu vực. Tuy nhiên, khu vực cũng nổi lên nhiều điểm nóng như vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên….

Đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu ổn định, bền vững

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023. (Ảnh: VGP)

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế mở ra nhiều cơ hội đi kèm thách thức kể trên, ông Thành nhấn mạnh, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao 32 năm 2023, được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại.

Theo đó, Đại hội XIII xác định rõ nguyên tắc đối ngoại: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc”, trên cơ sở kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực bên trong là quyết định, cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược; linh hoạt về sách lược. Thực hiện ngoại giao “cây tre Việt Nam” với gốc vững là “kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì lợi ích quốc gia-dân tộc”, đồng thời uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược để thích ứng với tình hình mới.

Việc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII là bước phát triển về tư duy đối ngoại của Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của dân tộc, đúc kết thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đều đánh giá kết quả của công tác đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay là “những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là điểm sáng nổi bật”.

Nói một cách khái quát, đối ngoại đã góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại thành công ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Đáng chú ý, dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao chính sách và việc triển khai đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt và khôn khéo, giúp Việt Nam duy trì tốt quan hệ với tất cả các nước lớn trong bối cảnh các nước này cạnh tranh gay gắt.

5 chủ trương, định hướng lớn trong triển khai công tác đối ngoại

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 10-11/9/2023 (Ảnh: VGP)

Triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, ông Thành nêu rõ 5 chủ trương, định hướng lớn tới đây, bao gồm đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt với các nước láng giềng, nước lớn, các nước có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến an ninh, vị thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đơn cử như nhìn vào mạng lưới FTA đã tham gia, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia Đông Nam Á tham gia nhiều FTA nhất trong khu vực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP. Ông Vũ Duy Thành nhấn mạnh, điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn.
Ngoài ra, hội nhập về quốc phòng-an ninh, chính trị và ngoại giao đạt bước tiến lớn. Trong 5 năm qua, ta đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020-2021.

Đặc biệt vừa qua, ta đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, đang thực hiện vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế với số phiếu cao, thể hiện uy tín ngày càng cao của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách khác của Liên hợp quốc.

Đồng thời, từ năm 2014 đến nay, ta bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hiện ta đã triển khai gần 600 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại nhiều quốc gia như Trung Phi, Nam Sundan…

Từ tháng 10/2022, Tổ công tác sĩ quan công an của ta cũng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Từ 2023, ta bắt đầu tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động này được Liên hợp quốc và các nước sở tại đánh giá cao.

Tổ phụ nữ và Đoàn thanh niên Bệnh viện dã chiến cấp 2.4 của Việt Nam tổ chức các hoạt động dân vận (hoạt động CIMIC) tại một trường học ở Nam Sudan. (Ảnh do Bệnh viện dã chiến số 2.4 của Việt Nam cung cấp)

Nâng tầm đối ngoại đa phương, cùng các nước lớn và đối tác đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, ta đã chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.

Một nhiệm vụ lớn tiếp theo là đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triển đất nước. Việc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam (khoảng gấp đôi mức trung bình của thế giới và cao hơn mức trung bình của ASEAN), kể cả khi các nền kinh tế lớn vẫn gặp khó khăn. Tuy tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhưng về tổng thể kinh tế Việt Nam tiếp tục được coi là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoại giao phục vụ phát triển có bước chuyển biến mạnh mẽ với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nhạy bén hơn, tranh thủ được cơ hội, nhờ đó thu hút được nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tiêu biểu là sự thành công của chiến lược ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế vừa qua.

Thời gian tới, cần tích cực thu hút các nguồn lực quốc tế để nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, trên cơ sở đó nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong WTO, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, APEC, 16 FTA đã có hiệu lực, đặc biệt là CPTPP, RCEP, EVFTA…; tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định đa phương.

Tập trung ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước.

Bên cạnh đó, ngoại giao phục vụ phát triển cần phát huy vai trò tư vấn chính sách, chú trọng học tập, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước các biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tình hình mới.

Cuối cùng, công tác đối ngoại phối hợp với công tác quốc phòng, an ninh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong đó nhấn mạnh chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc và Luật biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm