Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ và điều đặc biệt là làn sóng đang lan rộng ra nhiều ngân hàng chứ không chỉ ở một vài ngân hàng.
Có ngân hàng tăng đến 0,9%
Ngày từ những ngày đầu tháng Năm, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong đó có nơi điều chỉnh mạnh 0,5%-0,9%.
Tính đến nay, có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong vòng một tháng qua, trong đó phần lớn điều chỉnh vào đầu tháng này.
Ngân hàng tăng lãi suất mạnh nhất là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) với mức tăng 0,9%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Ngày 6/5, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng vừa tăng lãi suất huy động từ 0,2%-0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng cho sản phẩm tiền gửi online tăng 0,4%/năm, lên lần lượt 2,7% và 2,9%/năm.
Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 0,5%/năm, lên mức 3,2%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, như 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động tăng thêm lần lượt 0,3%/năm và 0,2%/năm.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được Sacombank niêm yết ở mức 4,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 5,2%/năm, và kỳ hạn 36 tháng là 5,4%/năm.
Cũng ngày Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đã tăng lãi suất huy động lần thứ 2 kể từ cuối tháng Tư với mức tăng từ 0,1%-0,2/năm cho các kỳ hạn từ 1-2 tháng. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 4,25%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng khác như TPBank, VIB, Shinhan Bank, GPBank, BacABank, Bản Việt, PVComBank, VietinBank… cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1%-0,5%/năm. Ngoài ra, cũng có ngân hàng vừa điều chỉnh tăng vừa điều chỉnh giảm lãi suất, tùy vào từng kỳ hạn, như tại Ngân hàng Đại dương (Oceanbank).
Hiện các khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng gửi 12 tháng trở xuống được trả mức lãi suất cao nhất là 5,4%, áp dụng tại Oceanbank. Nếu gửi dài hơi hơn, như kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này cũng trả mức cao nhất thị trường là 6% một năm.
Đây là lần đầu tiên lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng đồng loạt sau hơn một năm đi xuống liên tục.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Lãi suất cho vay có tăng theo?
Lý giải về việc nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn trở lại đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tuỳ thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Nhưng khi điều chỉnh tăng lãi suất có nghĩa là các ngân hàng dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ đi lên để đón dòng vốn giá rẻ.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng. Theo đó, tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại từ đầu năm trong khi dư nợ tín dụng tại một số tổ chức tín dụng có tín hiệu “ấm” dần lên, điều này có thể khiến lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng nhẹ từ nửa cuối năm nay.
Ông Nguyễn Thế Minh – chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc tăng lãi suất tiền gửi có nguyên nhân từ việc nhu cầu vay một phần có xu hướng tăng. Tất nhiên, mức tăng này có thể chưa đạt ngưỡng cao. Ngoài ra, cần phải xét đến vấn đề là từ cuối năm ngoái, rất nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng về mặt kỹ thuật.
“Tín dụng năm ngoái tăng khi đó là do đảo nợ. Năm nay, khi nhu cầu tín dụng mới tăng lên, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay. Như vậy, khả năng cao họ phải nâng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản. Tín dụng bơm vào đảo nợ cách đây vài tháng chưa đáo hạn, mà nhu cầu mới tăng nên tất yếu cần thêm nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy các ngân hàng mới có nhu cầu nâng lãi suất tiền gửi,” ông Minh phân tích.
Ông Minh dự báo từ nay đến cuối năm các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5%-2%, trong khi đó lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8%-10%, như vậy lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6%-7%/năm.
Một số doanh nghiệp lo ngại việc tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng theo. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, việc tăng lãi suất tiết kiệm lần này khó tác động mạnh đến lãi suất cho vay. Bởi cầu tín dụng còn đang yếu, nếu ngân hàng tăng lãi suất thì ai dám vay nữa.
“Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau cả về lãi suất, dịch vụ để tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi. Chắc chắn có ngân hàng sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn,” một lãnh đạo ngân hàng phân tích.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cũng cho rằng trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu như hiện tại, lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, nên dù có tăng lãi suất huy động, phần đông các ngân hàng thương mại sẽ không tăng lãi suất cho vay trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Việc tìm đầu ra cho khoản vay đã khó, lãi suất cho vay nếu tăng sẽ khó cho vay hoặc ngân hàng sẽ mất khách.
Cũng theo ông Khoa, khi tăng lãi suất huy động mà không tăng lãi suất cho vay, chắc chắn lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên các ngân hàng sẽ buộc phải chấp nhận trong bối cảnh như hiện nay.
Nguồn: TTXVN/ Vietnam+
Leave your comment