ASEAN mở đường cho Ấn Độ học hỏi, xuất khẩu Australia hướng tới Đông Nam Á

Saturday, 22/08/2020, 11:45 AM

RCEP bước vào giai đoạn cuối mà không có Ấn Độ, hợp tác Ấn Độ-ASEAN nhằm định hình khu vực và thế giới… là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

tin tuc asean buoi sang 218 asean mo duong cho an do hoc hoi xuat khau australia huong toi dong nam a
ASEAN ghi nhận hơn 9.500 ca tử vong do Covid-19.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 21/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm 6.701 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số ca nhiễm lên 395.827, trong khi số ca tử vong tăng thêm 160 trường hợp. Toàn khối hiện đã ghi nhận trên 9.545 ca tử vong, trong đó Indonesia chiếm tới 2/3.

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ vẫn là Philippines với 4.351 ca. Trong mấy ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận trên 4.000 ca mắc mỗi ngày.

Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 20/8 là Indonesia với 2.266 ca. Tiếp đó là Singapore với 68 ca. Trong những ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 ở Singapore đã giảm dần. Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 20/8 là Philippines (88 ca) và Indonesia (72 ca).

Tại Indonesia, nhiều người tỏ ra bi quan về cuộc chiến chống Covid-19. Viện khảo sát các chỉ số chính trị cùng ngày công bố có tới hơn 54% số người được hỏi cho rằng sự lây lan của dịch Covid-19 là khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Tổng thống Joko Widodo tương đối cao.

Cuộc khảo sát được thực hiện ở 304 người là những nhà lãnh đạo cũng như nhân vật có uy tín trong dư luận ở 20 tỉnh, thành phố vào tháng 7, bao gồm những người làm trong lĩnh vực truyền thông, các viện sĩ, cựu quan chức nhà nước, nhân viên y tế, doanh nhân, nhà nghiên cứu văn hóa và những nhà thuyết giáo. Việc lựa chọn người khảo sát không thực hiện ngẫu nhiên.

Chính phủ Singapore tuyên bố tất cả các khu ký túc dành cho người lao động nước ngoài, trong đó tính cả các cơ sở cách ly được thiết lập riêng trong các khu này, không còn bệnh nhân Covid-19.

Singapore cũng đã thực hiện một chiến lược đa tầng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai tại các khu lao động nước ngoài. Chiến lược này bao gồm tập hợp các lao động nước ngoài vào các khu ký túc theo loại hình ngành nghề của người lao động và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn. Khi một ca nhiễm mới được phát hiện, những nỗ lực truy vết tiếp xúc bắt đầu được thực hiện.

Các cơ quan sẽ làm việc chặt chẽ với chủ sử dụng lao động để đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc và đưa ra thời gian tạm nghỉ an toàn nếu cần thiết.

Giới chức Thái Lan đã phủ nhận việc nước này có thể sớm hứng chịu đợt dịch Covid-19 thứ hai sau khi phát hiện hai trường hợp có kháng thể Covid-19, dù đã trải qua thời gian cách ly 14 ngày.

Đây là lần đầu tiên sau gần 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thái Lan phát hiện trường hợp Covid-19 mới dù đã cách ly đủ 14 ngày. Hai bệnh nhân mới phát hiện tại Thái Lan đều trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 6 và cách ly bắt buộc ngay sau khi nhập cảnh.

Sau khi hết thời gian cách ly, cả 2 bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính và có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, sau khi về nhà, qua gần 2 tháng, họ xét nghiệm lại để lấy hồ sơ đi nước ngoài thì được phát hiện là có kháng thể Covid-19. Bộ Y tế Thái Lan cho biết khả năng lây lan ra cộng đồng của hai bệnh nhân này là rất thấp.

Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 21/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Trong số các ca bệnh đang điều trị, có 114 bệnh nhân âm tính từ 1-3 lần với virus gây Covid-19. Việt Nam hiện có 1.007 người nhiễm Covid-19.

(TGVN/TTXVN)

RCEP bước vào giai đoạn cuối mà không có Ấn Độ

Mới đây, Indonesia, nước điều phối đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa đưa ra tuyên bố rằng RCEP đã bước vào giai đoạn hoàn thiện pháp lý và dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 11 tới mà không có Ấn Độ.

Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chỉ còn 15 quốc gia bao gồm 10 nước ASEAN cùng các đối tác là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Cánh cửa vẫn sẽ mở rộng chào đón Ấn Độ, trong trường hợp nước này quyết định tái tham gia thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào tháng 11/2019 do lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi các cuộc đụng độ giữa lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra tại khu vực biên giới tranh chấp hồi tháng 6 năm nay.

(Jakarta Post)

tin tuc asean buoi sang 218 asean mo duong cho an do hoc hoi xuat khau australia huong toi dong nam a

Hợp tác Ấn Độ – ASEAN nhằm định hình khu vực và thế giới

Đó là nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar. Theo đó, ông Jaishankar cho biết Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, còn ASEAN là một trong những cửa ngõ quan trọng của kinh tế thế giới, hai bên không chỉ gần nhau về mặt địa lý mà hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để định hình châu Á và thế giới.

Bộ trưởng Jaishankar cũng cho biết, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN được thành lập dựa trên sự tin tưởng chung vào quá trình toàn cầu hoá. “Ít nhất tại châu Á, ASEAN là những người đi đầu trong việc thúc đẩy quá trình này và giúp mở đường cho Ấn Độ học hỏi”, ông Jaishankar cho biết.

Toàn cầu hoá được nhìn nhận ở khía cạnh thương mại, du lịch và dòng chảy đầu tư nhưng về thực chất, nó còn lớn hơn thế. Chính đại dịch Covid-19 cũng đã giúp thế giới nhìn ra được sự quan trọng của toàn cầu hoá, đó là kêu gọi sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu.

(Times of India)

Đông Nam Á: Thị trường đầy hứa hẹn cho Australia

Ngành nông nghiệp và thực phẩm Australia đang phải chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt khi căng thẳng chính trị giữa hai nước tăng lên. Theo đó, Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Australia.

Tim Hunt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm của ngân hàng nông nghiệp Rabobank cho biết, ngành nông nghiệp Australia sẽ phải giải bài toán làm thế nào để cân bằng giữa các cơ hội to lớn ở thị trường Trung Quốc và tăng cường đa dạng hóa thị trường.

Ông Hunt nói rằng ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp Australia đã “đủ linh hoạt và năng lực để thích nghi với sự thay đổi về khách hàng trong nhiều thập kỷ qua” và bây giờ là lúc cần hướng sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh về kinh tế, dân cư đông đúc và cũng mang đến những cơ hội to lớn.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham mới đây cho biết, việc Chính phủ liên bang theo đuổi các thỏa thuận thương mại và kinh tế với các nước khác, chẳng hạn như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ, “tất cả là nhằm mang lại cho các nhà xuất khẩu Australia sự lựa chọn tối đa”.

(The Australian)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm