Giữ uy tín cho cà phê Việt Nam khi giá tăng cao

Monday, 08/04/2024, 17:32 PM

Ông Nguyễn Nam Hải (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chia sẻ về bức tranh của ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh giá liên tục tăng cao.

Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam.

Thời gian qua, tình hình thị trường cà phê đã có những diễn biến rất nóng, đặc biệt là về giá, xin ông chia sẻ đôi nét về bức tranh của ngành cà phê Việt Nam hiện nay?

Trong niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm. Hiện mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD và giá cà phê nội địa là trên dưới 102.000 đồng/kg. Trong rất nhiều năm, giá cà phê luôn ở mức thấp, chỉ ngang hoặc thấp hơn giá thành, nhưng riêng năm 2024 cũng như niên vụ 2023-2024 giá cà phê đã tăng rất mạnh. Điều này đã mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân sản xuất cà phê.

Trong quý 1/2024, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt khoảng 600.000 tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất trong những năm qua và mức tăng này là nhờ giá cà phê.

Để giữ vững được kết quả này, Việt Nam cần phát triển cà phê bền vững. Biến đổi khí hậu là yếu tố đầu tiên ảnh hướng tới ngành cà phê. Trong nhiều năm qua, không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các vùng trồng cà phê trên toàn cầu, đặc biệt những vùng trồng cà phê robusta đều bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất tác động khiến năng suất, sản lượng cà phê bị sụt giảm trong niên vụ vừa qua. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đảm bảo sự bền vững cho ngành cà phê từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt là phải tạo ra mối liên hệ giữa DN và người nông dân để xây dựng được các vùng cà phê đạt chất lượng phát triển bền vững.

Ở mức giá hiện nay, dù nông dân được hưởng lợi nhưng các DN lại đang gặp khó khăn. Vậy câu chuyện phát triển bền vững cần thực hiện như thế nào để các thành tố trong chuỗi từ nông dân tới DN đều được hưởng lợi?

Trong chuỗi sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê, công đoạn nào cũng cần đảm bảo được tính bền vững. Thời gian qua, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam đã có những cảnh báo về việc mua xa, bán xa. Ví dụ, từ tháng 10 đến tháng 12 mới thu hoạch cà phê nhưng từ tháng 8 DN đã mua cà phê thì sẽ tạo ra rủi ro trong kinh doanh rất cao. Do đó, tất cả các DN cần chú ý định hướng kinh doanh để tránh mua xa, bán xa.

Trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam, người nông dân không trực tiếp bán cho nhà xuất khẩu mà thông qua hệ thống đại lý, thương lái. Khi giá cà phê tăng cao, đã xảy ra tình trạng đứt gãy ở khâu thương lái. Do đó, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã có cảnh báo các DN, đặc biệt là các DN khâu trung gian như đại lý, thương lái để đảm bảo uy tín đối với nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như DN nước ngoài.

Nhiều năm nay giá cà phê luôn ở mức thấp, nguyên nhân nào đã dẫn tới sự tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá cà phê tăng. Thứ nhất là trong niên vụ 2022-2023 vừa qua, lượng tồn kho đạt mức thấp nhất trong rất nhiều niên vụ. Đến tháng 10 mới bắt đầu vụ 2023-2024, nhưng từ tháng 6, 7 chúng ta đã thiếu hàng, không có hàng giao cho các hợp đồng xuất khẩu đã bán trước. Nhưng đến khi vào vụ, giá cà phê lại tăng liên tục, ảnh hưởng đến việc giao hàng của DN.

Thứ hai là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino khô hạn tác động đến năng suất và sản lượng của cà phê toàn cầu, đặc biệt là cà phê robusta rất cần nước.

Thứ ba là do chiến tranh, cấm vận, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cà phê ra toàn cầu, khiến giá cà phê lên cao.

Thứ tư là trên các sàn cà phê, các nhà đầu tư tài chính cũng tập trung vào mặt hàng cà phê, chỉ sau mặt hàng dầu mỏ cũng là một trong những yếu tố làm tăng giá cà phê trong thời gian qua.

Thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam là châu Âu đã có quy định cấm nhập khẩu những sản phẩm liên quan đến phá rừng, điều này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam và cần những giải pháp như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Các quy định của châu Âu về chống phá rừng và gây suy thái rừng có hiệu lực từ tháng 6/2023. Đây là quy định nhằm mục tiêu bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Do đó, ngành cà phê Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phải ủng hộ quy định này để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Đây là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Hải Quan

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm