Khủng hoảng Ukraine có thể giúp ông Biden cứu vãn hình ảnh

Monday, 14/03/2022, 12:39 PM

Những quyết định cứng rắn Tổng thống Biden đưa ra với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine đang khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông tăng trở lại.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã được các nghị sĩ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa hoan nghênh nhiệt liệt khi ông nhấn mạnh tinh thần ủng hộ kiên định của Mỹ đối với Ukraine trong thông điệp liên bang đọc trước quốc hội.

Khoảnh khắc đồng lòng lưỡng đảng này đặc biệt gây chú ý, trong bối cảnh Mỹ đang bị chia rẽ chính trị sâu sắc, nhất là trước thềm các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ đầy căng thẳng vào cuối năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 19/1. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 19/1. Ảnh: AFP.

Với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục trong các cuộc thăm dò và các dự luật lớn đang bị đình trệ tại quốc hội, Tổng thống Biden được cho là có thể tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để thay đổi hình ảnh và xây dựng lại tín nhiệm, theo giới quan sát.

Nghiên cứu do nhà khoa học chính trị John Mueller đưa ra vào năm 1970 chỉ ra rằng trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, người dân Mỹ có xu hướng đồng thuận hơn với tổng tư lệnh của mình. Những thành quả trong cuộc chiến chống Covid-19 chắc chắn cũng đóng một vai trò nào đó, song phản ứng của Tổng thống Biden trước cuộc xung đột Ukraine dường như mang đến tác động thực sự khác biệt.

“Hiện tại chúng ta đang thấy ủng hộ khá rõ ràng từ công chúng và thậm chí từ cả các đảng viên Cộng hòa đối với hành động của Tổng thống Biden”, nhà khoa học chính trị Alan Abramowitz từ Đại học Emory đánh giá.

Những hành động này, trong đó có cả các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như quyết định hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev, đã “có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến tỷ lệ ủng hộ tổng thể của ông”, Abramowitz nói thêm.

Theo công ty thăm dò dư luận FiveThirtyEight, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Biden hiện ở mức 42,7%, vẫn thấp nhưng đã tăng lên so với mức 40% vào ngày 27/2.

Là tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ, nhậm chức khi đã 78 tuổi, ông Biden thường bị các đảng viên Cộng hòa công kích vì họ cho rằng ông thiếu năng lượng và không quyết đoán.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể giúp Tổng thống Biden “thay đổi hình ảnh của bản thân trước công chúng với tư cách một lãnh đạo” cũng như bù đắp phần nào cho quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan hồi năm ngoái mà nhiều người đánh giá là sai lầm, Abramowitz cho hay.

Chuyên gia này nhận định việc tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden gia tăng cũng khiến những quan điểm về ông bên trong đảng Dân chủ được cải thiện.

Theo Capri Cafaro, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Ohio, Tổng thống Biden đang cố gắng “xây dựng lại” nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Bà chỉ ra rằng trong thông điệp liên bang, Tổng thống Biden đã dành một phần đáng kể nói về tình hình Ukraine, song ông cũng tập trung vào các vấn đề chính mà người dân cả nước quan tâm, như nhập cư, ủng hộ lực lượng cảnh sát, hay quyền phá thai. Tổng thống Biden còn đưa ra các kế hoạch chuyển đổi lớn, với những dự án cụ thể như hạ giá thuốc, xây lại cầu đường hay mở thêm nhà máy.

Cafaro nhận định những thay đổi của Tổng thống Biden nằm trong nỗ lực nhằm tự biến mình thành “một người thực dụng hơn hoặc ôn hòa hơn”, sau nhiều tháng bị coi là quá phụ thuộc vào liên minh cấp tiến trong đảng Dân chủ.

Nhà Trắng cũng sẽ phải tìm cách giải quyết những thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, khi lạm phát của đất nước đã đạt mức kỷ lục trong những tháng gần đây.

Theo một khảo sát của Đại học Quinnipiac, trước khi ông Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga hôm 8/3, 71% người Mỹ nói họ sẽ ủng hộ các hành động chống lại Nga ngay cả khi giá xăng tăng.

Cuộc khủng hoảng cũng mang đến cho Tổng thống Biden một cái cớ để giải thích cho việc tăng giá xăng, vốn đã diễn ra trước cả khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hồi đầu tuần, khi một phóng viên hỏi liệu ông có thể làm gì để hạ giá xăng, Tổng thống Biden đã trả lời rằng ông “không thể làm gì nhiều lúc này, Nga mới là bên phải chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vẫn có ý định lấy giá xăng làm chủ đề chính trong các chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử giữa kỳ của mình.

“Hôm nay là lỗi của Nga. Trước đó là lỗi của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Trước đó nữa là vì Covid-19”, Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ, viết trên Twitter. “Câu hỏi nghiêm túc đặt ra là: Giá xăng sẽ còn tăng đến mức nào nữa trước khi Tổng thống nhận trách nhiệm”.

Theo AFP

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm