Lạc quan về quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ

Tuesday, 27/02/2024, 18:40 PM

Năm nay đánh dấu 30 năm, Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Quyết định này đã mở đường cho quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển.

Ông Richard D. McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam.

Phóng viên trao đổi với ông Richard D. McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam, về tương lai quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Năm 2024 là năm đầu tiên, Việt Nam và Hoa Kỳ triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, toàn diện, ổn định và bền vững. Ở góc độ kinh tế, điều này có ý nghĩa như thế nào với các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia, thưa ông?

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, sau 30 năm kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam (năm 1994). Sự kiện này diễn ra chỉ ít tháng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong các mối liên kết thương mại và đầu tư, từ đó đem lại lợi ích chung cho cả hai nền kinh tế.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương đạt 139 tỷ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995. Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đầu tư gần 11,4 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ, với tổng vốn đăng ký 1,26 tỷ USD.

Trong buổi hội thảo gần đây do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, tôi cũng đã chia sẻ sự lạc quan về mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ trong tương lai.

Một ví dụ điển hình là hai nước đã cam kết xây dựng hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp để nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hai nước cũng công bố khởi động các sáng kiến phát triển lực lượng lao động bán dẫn được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD từ Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân.

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng lộ trình phát triển cho ngành bán dẫn. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn và bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030. Quốc hội vừa thông qua nghị quyết giao Chính phủ xây dựng nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Theo ông, Việt Nam cần tiếp cận lĩnh vực bán dẫn theo hướng nào?

Với vị trí địa lý chiến lược, cùng với tiềm năng phát triển lớn, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Việc này cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư và cắt giảm thủ tục hành chính.

Hoạt động mở rộng đầu tư của các tập đoàn hàng đầu như Apple và Intel sẽ đóng góp tích cực vào kinh tế Việt Nam. Các tập đoàn này không chỉ mang tới công nghệ tiên tiến, hạ tầng phát triển, mà còn giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Các khoản đầu tư trên cũng sẽ giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các tập đoàn công nghệ khác đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Vấn đề còn lại là, Việt Nam cần chuẩn bị một nền tảng về hạ tầng và chính sách thực sự đủ tốt, đủ hấp dẫn để tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Tất nhiên, việc thúc đẩy hạ tầng năng lượng phải phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo sự phù hợp về giá cả và tính bền vững, đồng thời tạo lợi nhuận để thu hút đầu tư. Đó là chưa kể áp lực phát triển xanh, sản xuất xanh. Các nhà đầu tư đang rất cần các nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư nếu các nguồn nhiên liệu sạch này không được đáp ứng tại thị trường địa phương.

Hơn thế nữa, câu chuyện về nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực chất bán dẫn cũng cần được chú trọng. Với các tập đoàn lớn, mỗi năm, họ sẵn sàng tuyển dụng hàng trăm nhân sự vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử. Vì vậy, bài toán với Việt Nam là phải đẩy mạnh phát triển nguồn kỹ sư phần mềm chip được đào tạo bài bản, bảo đảm vững chắc cho kế hoạch xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất của các “ông lớn” tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên tìm hiểu các cơ hội hợp tác với các đối tác của Hoa Kỳ trong việc phát triển các sáng kiến chung, xây dựng chương trình nghiên cứu và thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển các công nghệ tiên tiến, từ đó phát triển kinh tế song phương. Những quan hệ đối tác như vậy có thể tận dụng thế mạnh của cả hai nước và tạo điều kiện trao đổi kiến thức trong các lĩnh vực đột phá…

Bên cạnh bán dẫn, hai nước còn nhiều lĩnh vực để gia tăng hợp tác. Theo ông, năm 2024, những lĩnh vực nào có cơ hội mở rộng hợp tác?

Việt Nam đã và đang cung cấp nhiều hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ. Tính riêng trong năm 2022, các nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam vào Hoa Kỳ là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (20,1 tỷ USD); dệt may (17,3 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (15,9 tỷ USD). Với lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong các lĩnh vực này, hy vọng các nhóm hàng nêu trên sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thêm vào đó, các lĩnh vực mới nổi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện và thiết bị cho các ngành công nghiệp, trong đó có năng lượng, hàng không, kinh tế số, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Các ngành hàng này cũng phù hợp với định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Gần đây, một số doanh nghiệp Việt đã thành công với các sản phẩm trong phân khúc cao hơn, như phần mềm, thậm chí gia nhập thị trường sản phẩm công nghiệp tại Hoa Kỳ. Do đó, với việc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bước chân vào thị trường đầy tiềm năng như Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Bên cạnh thuận lợi, đương nhiên cũng tồn tại khó khăn khi Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp trong nước do các sản phẩm từ Việt Nam cạnh tranh mạnh với sản phẩm của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các rào cản phi thuế quan có thể hạn chế việc tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Vậy ông có góp ý gì với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?

Tôi cho rằng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là những yếu tố then chốt trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các nhà xuất khẩu trong nước có thể giảm thiểu rủi ro từ các rào cản phi thuế quan bằng cách đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt để tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam, từ đó mở thêm cơ hội phát triển thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ thông qua hình thức liên doanh hoặc hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và hỗ trợ giải quyết đáng kể các vướng mắc pháp lý. Việc tận dụng kiến thức chuyên môn và mạng lưới đối tác địa phương cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt cải thiện đáng kể sự hiểu biết về thị trường và hệ thống pháp lý phức tạp của Hoa Kỳ, từ đó giúp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Nguồn: baodautu.vn

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm