Mục tiêu không phát thải tới năm 2050: xúc tiến đầu tư công nghệ

Saturday, 22/02/2020, 13:09 PM

Thủ tướng Scott Morrison đang vận động chính phủ triển khai mục tiêu đầu tư công nghệ được đánh giá là một sự đầu tư “mạo hiểm” nhằm cắt giảm phát thải xuống mức bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh sẽ không đặt bút ký vào bất kỳ một thỏa thuận toàn cầu nào có khả năng làm tăng giá điện và mất việc làm.

Thủ tướng dự kiến ​xúc tiến mục tiêu đầu tư công nghệ trong nỗ lực cắt giảm khí thải – Nguồn ảnh: AAP

Nước Úc đang xem xét khả năng đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050, tương tự như Vương quốc Anh và hàng chục quốc gia khác, trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11. Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor cho biết chính phủ dự kiến ​​sẽ đưa ra chiến lược giảm phát thải dài hạn trước cuộc họp COP26 (cuộc họp thường niên giữa các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về biến đối khí hậu) tại Scotland. Bộ trưởng Taylor khẳng định con đường để hướng tới mục tiêu là thông qua phát triển và triển khai các công nghệ mới, đó là cách hiệu quả nhất để nước Úc góp phần làm giảm lượng khí thải toàn cầu.

Đứng giữa hai luồng quan điểm trong chính phủ khi mà các nghị sĩ Tự do hòa nhã thì ủng hộ mục tiêu phát thải bằng không, còn các lực lượng bảo thủ lại phản đối quyết liệt, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký bất kỳ mục tiêu nào. Cần phải đánh giá những tác động đến tình trạng việc làm, khả năng tăng giá điện, tăng thuế hay những ảnh hưởng đến các nền kinh tế ở khu vực nông thôn và địa phương hẻo lánh của Úc.

Ông Morrison cũng chỉ ra trường hợp New Zealand, quốc gia này đã ký kết mục tiêu giảm thải năm 2050 nhưng miễn trừ đối với ngành nông nghiệp mặc dù đây là ngành gây phát thải lớn nhất của New Zealand .

Đối với nước Úc, hướng đi sẽ là đảm bảo đầu tư dồi dào vào năng lượng tái tạo, cũng như duy trì được nguồn năng lượng bền vững để hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng và việc làm ở khu vực địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không đánh thuế, không tăng giá điện và không xóa sổ các ngành công nghiệp đang là chỗ dựa chính cho các nền kinh tế nông thôn và khu vực địa phương của Úc.

Người biểu tình giơ khẩu hiệu bảng biểu trong một cuộc biểu tình biến đổi khí hậu ở Sydney vào tháng 1 năm 2020 – Nguồn ảnh: AAP

Định hướng đầu tư cho công nghệ được đưa ra sau khi nghị sĩ các đảng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực hiện mục tiêu không phát thải vào năm 2050.

Lãnh đạo Đảng Dân tộc Michael McCormack lo ngại để đạt được mục tiêu này sẽ rất tốn kém. Ông cho rằng để cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải thì buộc phải chuyển các nhà máy và nhiều ngành công nghiệp ra nước ngoài, chuyển công việc sản xuất chế tạo ra nước ngoài. Không thể biết công nghệ nào sẽ được phát minh trong 30 năm tới nhưng đó là một chặng đường dài để đến được mục tiêu năm 2050.

Trong khi đó, Đảng Lao động cũng tranh luận về cách tiếp cận với vấn đề biến đổi khí hậu và tài nguyên. Một số nghị sĩ cho rằng không nên đồng nhất quan điểm giảm phát thải với sự thù địch đối với ngành công nghiệp than. Đảng Lao động ủng hộ ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên, đồng thời ủng hộ các hành động để giảm khí thải, cả hai không loại trừ lẫn nhau.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann cho biết ngành than vẫn có tương lai ở Úc nhưng nguồn cung năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng. Ông khẳng định chính phủ đang cân nhắc những gì phù hợp với môi trường và có trách nhiệm về kinh tế và sẽ tiếp tục đưa ra những đánh giá dựa trên lợi ích quốc gia của Úc.

Nghị sĩ Độc lập Zali Steggall đề xuất thành lập một Ủy ban độc lập về biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh đã đến lúc đưa chính trị đảng ra khỏi chính sách khí hậu và đó là cách hướng đến sự tiếp cận hợp lý đối với vấn đề này.

 

Phóng viên Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm