Nhà báo Trung Nghĩa: “Trong thời đại AI, nhà sáng tạo cần đa nhiệm, rộng mở biên độ học hỏi càng nhiều càng tốt”

Saturday, 29/06/2024, 10:43 AM

Làm thế nào mà một cậu học trò xuất thân từ tỉnh lẻ, sớm mồ côi cha ở tuổi vào đời, lại trở thành một nhà báo thành danh đa lĩnh vực từ văn hoá văn nghệ, sự kiện thể thao đến viết phóng sự quốc tế từ 60 quốc gia trên thế giới? Với nhà báo Trung Nghĩa, bí quyết của anh chính là học hỏi không ngừng để trở thành người đa nhiệm, phát triển nhiều kỹ năng theo biên độ rộng, theo đuổi và thực hiện ước mơ với niềm đam mê cháy bỏng. 

Bên cạnh công việc chính là viết báo, nhà báo Trung Nghĩa còn thử sức mình với nhiều lĩnh vực khác nhau như tổ chức chương trình, dẫn chương trình (MC), phát thanh viên, gia sư, chụp ảnh cưới, làm phim tài liệu, phóng sự truyền hình, talkshow, pha chế cà phê… Đặc biệt, anh luôn dành nhiều tâm huyết cho công tác xã hội, thiện nguyện hỗ trợ trẻ em và học trò vùng sâu vùng xa.

Năng động và đam mê khám phá những điều mới mẻ, nhà báo Trung Nghĩa được xem là một Multipotentialite – một người có thể phát triển nhiều kỹ năng và năng khiếu trong những lĩnh vực khác nhau. Nhờ tinh thần nỗ lực cầu học, dám thử thách bản thân và nhận được sự giúp đỡ từ nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân, anh gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tác phẩm sách mới nhất của anh là “Đọc sách cũng như yêu” (NXB Tổng Hợp TP.HCM) rất được truyền thông giới thiệu, ủng hộ vì nó góp phần nâng cao văn hoá đọc nơi cộng đồng. Hẳn viết sách là công việc nằm trong lý tưởng và hoài bão của anh?  

Có những công việc bạn yêu thích mang nhiều giá trị về tinh thần và giúp bạn vui, hạnh phúc. Tôi lấy ví dụ viết văn là một công việc khá nặng nhọc, ít thu nhập, song tôi theo đuổi vì mỗi lần viết ra một quyển sách giúp tôi hiểu hơn về nội tâm và bản thân mình, về tình cảm của những người bạn và độc giả xung quanh, đồng thời ý thức hơn về trào lưu văn hóa đương đại. Càng viết sách tôi càng cảm thấy hứng khởi vì cuộc sống, tình yêu thương và các cơ hội mà nó đem lại. Tôi hi vọng sẽ nuôi dưỡng tình yêu viết văn của mình để có thể trải nghiệm được nhiều khía cạnh cuộc đời và chia sẻ những giấc mơ. Tôi luôn nghĩ giá trị cuốn sách không chỉ là bao nhiêu bản in đã phát hành mà là được đồng hành với độc giả để cùng vun đắp thêm tình yêu thương và niềm tin vào giấc mơ của mỗi người.

Nhà báo Trung Nghĩa tại chương trình giao lưu, ra mắt sách “Đọc sách cũng như yêu” tháng 04/2024

Anh cũng là nhà sản xuất và Host cho chương trình Vodcast Doctor247 trò chuyện về sức khỏe và lối sống trong thời hiện đại. Vì sao anh lại tham gia công việc này và tâm huyết của anh là gì?

Series Vodcast Doctor247 với sự góp sức từ nhiều bác sĩ, chuyên gia, người nổi tiếng cùng chia sẻ các chủ đề chăm sóc sức khỏe toàn diện từ tinh thần lẫn thể chất, góp phần hình thành lối sống tích cực trong cộng đồng. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Phúc lợi cộng đồng (Community Welfare) tại Australia nên khi tham gia thực hiện các nội dung về sức khỏe cộng đồng thì rất thích hợp cả về lý tưởng hoài bão lẫn năng lực. Việc mời các y bác sĩ, chuyên gia y tế tin cậy tham gia chương trình, cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích đáng tham khảo cũng là điều mà tôi tâm đắc, tâm huyết. Nhiều khách mời nghệ sĩ, người của công chúng tham gia góp phần chia sẻ câu chuyện thực tế về lifestyle của họ để công chúng, giới trẻ tham khảo cũng là điều cần thiết trong nhịp sống đô thị hôm nay.

Nhà báo Trung Nghĩa (nhà sản xuất và Host Vodcast Doctor247) trong buổi ghi hình cùng Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân; BTV Truyền hình Quốc Hội Phương Thảo và diễn viên Lý Hồng Ân ngày 15/06/2024

Nhiều người theo dõi và nể phục những chuyến đi gần nhất của anh bao gồm viết loạt phóng sự từ đất nước nguy hiểm Afghanistan hay hành trình leo núi trên dãy Himalayas. Vì sao một cây bút văn hoá văn nghệ có tiếng như anh lại dấn thân đến những nơi đặc biệt như thế để viết phóng sự?

Tôi luôn yêu thích viết phóng sự vì đây là thể loại chứa nhiều thử thách, đòi hỏi người phóng viên phải nỗ lực rất nhiều. Tôi từng có những tác phẩm phóng sự văn nghệ đã được xuất bản như Đời ca sĩ (NXB Trẻ), Sài Gòn úm ba la (Phương Nam Books), ký sự điện ảnh như Bí mật ở Cannes (NXB Trẻ),… Nghĩa là dù bạn viết ở lĩnh vực nào thì vẫn có thể viết phóng sự về lĩnh vực đó được.

Nhà báo Trung Nghĩa và trẻ em ở thủ đô Kathmandu, Nepal. “Tôi thích lang thang ở những vùng đất lạ, hoà mình vào đời sống thị dân địa phương, gặp gỡ nhiều người và lắng nghe câu chuyện của họ. Những ánh mắt và nụ cười trong trẻo hồn nhiên của trẻ em luôn làm tôi cảm thấy vui và ấm áp trên hành trình xứ lạ” – Trung Nghĩa chia sẻ.

Từ khi còn là học trò cho đến khi vào nghề làm phóng viên, tôi hâm mộ và học hỏi từ nhiều cây bút phóng sự như Huỳnh Dũng Nhân, Hàng Chức Nguyên, Binh Nguyên, Thế Chữ, Quốc Việt… Việc đọc những bài báo, phóng sự mang đậm hơi thở đời sống, nhân vật và đầy ắp câu chuyện thú vị của họ giúp tôi “tôn thờ” thể loại phóng sự và luôn mong muốn cố gắng viết được nhiều bài tương tự bằng khả năng hạn hẹp của mình. Mà để viết được phóng sự, bạn cần phải chuẩn bị kỹ, chịu đi nhiều, gặp gỡ nhiều và khi viết phải tổng hợp lẫn chắt lọc được những gì hay nhất để phục vụ bạn đọc. Đây cũng là thể loại mà bạn phải học hỏi không ngừng và luôn có ánh mắt khao khát tìm hiểu, tò mò với thế giới xung quanh.

Một điều lớn nhất mà tôi học hỏi được nơi hành trình chu du và làm việc trên thế giới đó chính là góc nhìn không định kiến, không phán xét.

Ở thời buổi “cơm áo gạo tiền”, làm thế nào anh vẫn giữ được cho mình nhiệt huyết phiêu lưu, trải nghiệm và viết?

Việc theo đuổi niềm đam mê lên đường, chấp nhận đầu tư thời gian, tâm sức, phí tổn… để trực tiếp trải nghiệm và viết những gì mắt thấy tai nghe so với những lựa chọn khác hơn, thật ra là điều không mấy dễ dàng. Nó đòi hỏi bạn có chút dũng cảm, kiên nhẫn và cả kỹ năng được vun bồi theo năm tháng. Thế nên tôi vẫn giữ một đôi chân thực tế trên mặt đất, làm điểm tựa cho trái tim bay bổng cùng tâm hồn khoáng đạt vốn là.

Đây là thời kỳ của những nhà sáng tạo nội dung (Content creator) trên môi trường mạng xã hội. Từ phóng viên truyền thống, bạn cũng cần thích nghi với những thay đổi lịch sử và cần tiếp tục là nhà sáng tạo nội dung để mang những thông tin, hình ảnh, video clip phục vụ cho cộng đồng mạng. Nghĩa là bạn phải không ngừng học hỏi để trở thành người đa nhiệm, phát triển nhiều kỹ năng trong thời đại mới. Điều thuận lợi là ngày nay chỉ với chiếc điện thoại di động thông minh, bạn có thể sản xuất hầu như mọi “content” và phổ biến sản phẩm rất nhanh trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này mang lại cơ hội lớn cho mọi người và đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu về thông tin chọn lọc, bổ ích.

Anh đi nhiều và viết khoẻ, mang đến cho bạn đọc những ký sự nhiều kỳ từ khu ổ chuột ở Brazil đến quốc gia giàu có Qatar; từ chiêm bái Phật tích khổng lồ trên con đường tơ lụa cổ đại ngàn xưa ở Afghanistan đến hoàn thành ước mơ vẫy cờ Tổ quốc tung bay tại Everest Base Camp cao hơn 5.000m. Do đâu anh có nguồn năng lượng dồi dào để đặt chân đến những nơi đặc biệt như thế? Theo kinh nghiệm thực tế của anh, viết phóng sự, ký sự ngày nay có những thuận lợi và khó khăn gì?

Từ bé sau khi được ba tôi cho đọc những quyển sách như Dế mèn phiêu lưu ký, Buratino và chiếc chìa khóa vàng, Gulliver du ký, Hai vạn dặm dưới đáy biển… tôi đã có sở thích đi đó đi đây, hòa mình với thiên nhiên, văn hóa, con người ở mọi miền đất lạ. Tôi may mắn làm nghề phóng viên nên càng có nhiều cơ hội trải nghiệm đó đây. Đây là sự lựa chọn trong cuộc đời, mang tính cốt lõi để bạn có thể dấn thân và hoàn thành những tâm nguyện, ước mơ.

Sẻ chia và phản ánh cuộc sống là nhu cầu của tôi nên sau mỗi chuyến đi tôi viết phóng sự, ký sự là lẽ tất yếu và nó như “món tráng miệng” cần thiết trong các bữa ăn. Cũng vì yếu tố tự nhiên này mà tôi vượt qua những thử thách, áp lực đặt ra đối với những nhà báo theo đuổi phóng sự ngày nay như tốn nhiều tâm sức, thời gian lẫn… chi phí. Chưa kể bài viết nhọc nhằn có thể… ít views do lọt thỏm giữa biển trời thông tin tràn ngập trên mạng. Điều này đòi hỏi sau khi bài báo được xuất bản, tòa soạn, tác giả còn cần làm thêm khâu quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm đó.

Nhà báo Trung Nghĩa chinh phục thành công Everest Base Camp ở độ cao 5.364m tại Nepal. “Sau 10 ngày leo núi ròng rã, vượt 65km, Trại Chính của đỉnh núi cao nhất thế giới hiện ra trong mắt tôi với vẻ đẹp lay động lòng người, còn cảm xúc thì thật khó diễn tả bằng lời. Ước mơ vẫy cờ Tổ quốc trên phiến đá khổng lồ tại dãy Himalayas bốn bề băng giá của tôi đã thành hiện thực, như một giấc mơ!”.

Chỉ riêng trong năm 2023, anh đã đi gần 20 quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Pakistan, Kazakhstan, Australia, New Zealand… Câu hỏi đặt ra mà nhiều người quan tâm đó là làm thế nào anh có thể đi được nhiều như vậy, hay nói cách khác, anh có thể tiết lộ bí quyết của anh?

(Cười) Đây là sự lựa chọn tùy theo mục tiêu đời người. Bên cạnh đó, tôi đã áp dụng kinh nghiệm và kỹ năng đi đó đi đây của mình để làm sao chi phí tiết kiệm nhất có thể. Ví dụ tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng cho hành trình của mình, chuẩn bị thông tin chuyến đi, vùng đất mình sắp đến. Lối sống giản dị cũng giúp tôi tiết kiệm nhiều phí tổn ăn ở, di chuyển nơi xứ người. Mối quan hệ rộng cũng giúp rất nhiều cho công việc viết báo của tôi. Tôi cảm ơn rất nhiều bạn bè đã hỗ trợ mình, họ chính là những ân nhân sau mỗi điều tôi đạt được.

Sự bùng nổ thông tin và sự phát triển của ngành du lịch giá rẻ (low-cost) giúp cho các traveller (người lữ hành) trên toàn thế giới thuận lợi hơn rất nhiều để lên đường khám phá. Tôi biết nhiều người Việt, người gốc Việt đã đặt chân đến hơn 100 quốc gia, thậm chí có người sắp hoàn thành việc đi đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhà báo Trung Nghĩa tác nghiệp tại 5 kỳ giải UEFA EURO 2000 (Bỉ – Hà Lan), 2004 (Bồ Đào Nha), 2008 (Áo – Thuỵ Sĩ), 2012 (Ba Lan – Ukraina), 2016 (Pháp); 6 kỳ giải FIFA WORLD CUP 2002 (Hàn Quốc – Nhật Bản), 2006 (Đức), 2010 (Nam Phi), 2014 (Brazil), 2018 (Nga) và 2022 (Qatar). Trong ảnh: Trung Nghĩa chụp ảnh với người dân Qatar tại WORLD CUP 2022.

Ngày nay, như chia sẻ của diễn giả Nguyễn Phi Vân mà tôi rất tâm đắc: Bạn cần chuẩn bị tinh thần học tập cả đời và tâm thế mình là “digital nomad” – người lao động du mục số. Càng đi, tôi càng phải làm việc, tận dụng công nghệ làm cầu nối cho công việc của mình được thực hiện xuyên suốt, cho dù tôi đang ở nơi đâu. Nói cách khác tôi phải luôn phải trui rèn kỹ năng tự thân vận động, giải quyết vấn đề và tự đề ra kỷ luật riêng để hoàn thành “KPI” trong chuyến đi.

Tôi nghĩ rằng cơ hội rất rộng mở cho những ai đam mê và chịu khó phát triển bản thân. Bạn có thể trở thành một travel blogger, nhà sáng tạo nội dung, người hoạt động truyền thông, một tác giả, một diễn giả… trong lúc bạn đi đây đi đó thỏa mãn niềm đam mê khám phá thế giới của mình.

Trung Nghĩa còn là một nhiếp ảnh gia từng đoạt giải thưởng nhiếp ảnh trong lẫn ngoài nước. Anh cũng triển lãm ảnh cá nhân tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vienna (Áo), Melbourne, Brisbane (Úc).

Anh là nhiếp ảnh gia Việt Nam tác nghiệp chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC, Liên hoan phim quốc tế Cannes, nhiều kỳ giải World Cup, EURO Cup… “Phóng viên ảnh là một nghề nặng nhọc và thầm lặng. Tôi kính trọng những đồng nghiệp lăn xả hậu trường và nơi chốn diễn ra sự kiện để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của sự kiện, nhân vật. Họ nhẫn nại và lặng lẽ, song những hình ảnh của họ mang giá trị thời sự lẫn lâu dài như cách mà người ta thường ví von: “A picture more than thousand words” (Một bức ảnh hơn vạn lời nói).

Là người giao thiệp nhiều, quen biết rộng, làm sao để anh cân bằng được giữa các mối quan hệ đang có và tính khách quan, xác tín trong công việc?

Kim chỉ nam của tôi là sự chân thành và tôn trọng những người mình gặp gỡ, quen biết, những nhân vật mình phỏng vấn hay viết về họ. Bạn không thể quen biết rộng và được tin cậy nếu thiếu sự chân thành. Bạn cũng khó được giúp đỡ nếu không có sự tôn trọng và bảo vệ nguồn tin, nhân vật của mình.

Tôi cũng có một nguyên tắc làm nghề từ xưa đến nay là tôn trọng đời tư. Ví dụ khi tiếp xúc nghệ sĩ, tôi chỉ quan tâm khai thác khía cạnh chuyên môn, hoạt động nghệ thuật, những tác phẩm, nhạc phẩm, bộ phim… họ sáng tạo và phục vụ cho công chúng. Có những chuyện “thâm cung bí sử” tôi có thể biết hoặc chưa, nhưng tôi không quan tâm và sẽ không đề cập chúng nếu như tôi thấy nó không có ích gì cho cuộc sống này, cho người đọc. Tôi muốn góp phần mang đến sự tích cực cho người đọc.

Trung Nghĩa trên hành trình leo núi tại dãy Himalayas (Nepal). “Trên hành trình khám phá thế giới, tôi đã gặp nhiều người đồng hành trước lạ sau quen, mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhiều câu chuyện thú vị và nhìn cuộc đời với ánh mắt không định kiến, không cực đoan và tôn trọng sự khác biệt”..

Đối với những bạn trẻ muốn dấn thân theo ngành truyền thông báo chí và trở thành nhà sáng tạo nội dung, anh có thể chia sẻ những gì họ cần làm để có nền tảng kiến thức, xây dựng mối quan hệ, luôn có nguồn cảm hứng trong công việc?

Tôi xin chia sẻ câu nói của nhà sáng lập Apple Steve Jobs: “Hãy làm tốt hơn bản thân mình mỗi ngày. Đây là cuộc đời của bạn. Hãy làm những điều mà trái tim bạn tin rằng nó đúng”. Tôi nghĩ mỗi bạn trẻ trước tiên cần tìm ra điều mà bạn say mê nhất, công việc mà mình được đào tạo và làm tốt nhất. Sau đó kiên trì theo lý tưởng mình đã chọn, đồng thời phải luôn upgraded – trao dồi những kỹ năng mới phục vụ nghề nghiệp.

Sẽ có lúc bạn chán nản, hay gặp khó khăn trong công việc, đó là điều rất bình thường. Khi đó, bạn có thể nhìn lại nội tâm và tự hỏi rằng mình có nên tiếp tục, có thể làm tốt hơn công việc này và cống hiến nhiều hơn nữa hay không. Trả lời được thì bạn sẽ lấy lại cảm hứng và giải quyết được khó khăn. Kinh Thánh có đại ý là: “Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”. Với những trải nghiệm thương khó lẫn ngọt bùi từ chính cuộc đời mình, tôi hoàn toàn tin vào điều tuyệt vời đó và bạn cũng vậy.

Cảm ơn Nhà báo Trung Nghĩa về buổi phỏng vấn!

Nguồn: Advertising Vietnam

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm