Nhật muốn mở rộng CPTPP để tránh phụ thuộc Trung Quốc

Friday, 27/03/2020, 19:00 PM

Nhật Bản sẽ nỗ lực vận động thêm nhiều nền kinh tế châu Á hơn gia nhập Hiệp địnhĐối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 bộc lộ những rủi ro rõ ràng của tình trạng phụ thuộc này.

CPTPP sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asian Review hôm 21-3 cho hay Thái Lan, một trung tâm sản xuất của các hãng xe Nhật Bản, sẽ là ứng cử viên gia nhập CPTPP tiếp theo. Hồi giữa tháng 2, tại cuộc hội đàm ở Tokyo, Bộ trưởng phụ trách CPTPP kiêm Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak trao đổi về khả năng gia nhập CPTPP của Thái Lan. Sau cuộc hội đàm, ông Nishimura cho biết Thái Lan có thể thông báo ý định đàm phám gia nhập hiệp định này vào tháng 4 tới.

Các cuộc đàm phán chính thức với Thái Lan dự kiến khởi động vào tháng 8 khi 11 nước thành viên của CPTPP gồm Nhật Bản, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng ở Mexico. Đàm phán sẽ tăng tốc vào năm sau khi Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch CPTPP.

Kế hoạch mở rộng CPTPP diễn ra giữa lúc Nhật Bản, nước dẫn dắt hiệp định này, nhận ra rằng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đang ngày càng trở nên quan trọng. Khi dịch Covid-19 lan nhanh ra bên ngoài ổ dịch đầu tiên tại Vũ Hán, Hồ Bắc vào tháng trước, hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc buộc phải đóng cửa, gây gián đoạn sản xuất cho nhiều công ty đa quốc gia.

Trong đó, Nissan Motor phải ngừng hoạt động một nhà máy lắp ráp ô tô ở Nhật Bản vào tháng trước. Trong khi đó, Công ty Sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu phải cấp tốc chuyển hoạt động sản xuất linh kiện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam.

Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản trong những năm gần đây. Năm ngoái, có đến 37% giá trị kim ngạch của linh kiện ô tô nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ Trung Quốc, tăng so với con số 18% vào năm 2005. 21,1% giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian (được sử dụng để hoàn thiện sản phẩm) của Nhật Bản cũng đến từ Trung Quốc.

Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura (trái) và Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak (phải) hội đàm về khả năng gia nhập CPTPP của Thái Lan ở Tokyo hồi giữa tháng 2. Ảnh: Kyodo

Tokyo hy vọng CPTPP sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc Trung Quốc.

“Các chuỗi cung ứng sẽ trở nên vững mạnh hơn và đa dạng hơn nếu Thái Lan gia nhập CPTPP và ngành công nghiệp Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi lớn”, ông Yasutoshi Nishimura nói.

Đài Loan cũng đã tỏ ý quan tâm đến việc gia nhập CPTPP và sẽ đưa ra quyết định chính thức sau khi đánh giá tiến trình đàm phán gia nhập của Thái Lan.

Trước đó, Nhật Bản ngăn chặn Đài Loan tham gia CPTPP vì tranh cãi liên quan đến việc Đài Loan hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ các tỉnh của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011.

Năm ngoái, để hòa giải với Nhật Bản, Đài Loan sửa đổi các quy định thuế nhập khẩu để giảm thuế đối với 15 mặt hàng nông sản và hải sản từ nước này, bao gồm rượu sake và khoai mỡ. Động thái này được cho là nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP của Đài Lan có thể diễn ra trong tương lai.

Hôm 22-3, một quan chức của Đài Loan bày tỏ hy vọng cuộc họp cấp bộ trưởng của CPTPP ở Mexico vào tháng 8 tới sẽ cân nhắc vấn đề mở rộng thành viên của CPTPP, giúp Đài Loan có cơ hội gia nhập hiệp định này.

Indonesia, Philippines và Indonesia cũng được xem là những sự bổ sung tiềm năng cho CPTPP. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang ủng hộ mở rộng các mối quan hệ kinh tế với các nước châu Á khác. Hồi đầu tháng 3, Kengo Sakurada, Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, hối thúc chính phủ hỗ trợ các công ty nước này mở rộng sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

“Tôi muốn các chính phủ và các ngành kinh doanh giữa Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN thảo luận cụ thể về một khung hợp tác”, ông Sakurada, người cũng đang giữ chức Chủ tịch hãng bảo hiểm Sompo Holdings (Nhật Bản), nói.

Theo Nikkei Asian Review, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét trợ cấp cho các công ty Nhật Bản, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, chuyển bớt hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang các nước Đông Nam Á. Các khoản trợ cấp này sẽ là một phần của gói kích thích kinh tế khẩn cấp có thể được Nhật Bản thông qua vào đầu tháng 4.

Theo thesaigontimes

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm