Phó Thống đốc cho biết năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng kiểm tra thông qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Những ngày đầu năm mới Xuân Giáp Thìn, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết trọng tâm xuyên suốt của năm 2024 là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu. Bên cạnh đó, Ngân Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, đảm bảo cho chính sách được thực hiện đúng đối tượng, hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn nhưng phải đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, Phó Thống đốc cho biết đang yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công khai lãi suất cho vay bình quân ngay từ những tháng đầu năm.
Tăng cường giám sát tín dụng
Xin Phó Thống đốc không khí đầu năm của toàn ngành Ngân hàng đang diễn ra như thế nào?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngay những ngày đầu của năm Giáp Thìn, trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước là sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tăng tín dụng, đây cũng là thông điệp xuyên suốt trong năm 2024.
Theo đó, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, quá trình tổ chức thực hiện công tác tín dụng đã được đưa ra bàn bạc cụ thể, tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành và chỉ đạo hoạt động tín dụng, cơ chế phân bổ chỉ tiêu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn và chủ động trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu về vốn. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục duy trì những chính sách đã và đang thực hiện suốt thời gian vừa qua, kể từ khi có dịch COVID-19 đến nay.
Đơn cử như chính sách giãn hoãn những khoản nợ, khoản lãi đến hạn mà doanh nghiệp còn đang khó khăn, chưa trả nợ được các ngân hàng theo Thông tư 02/2023/TT-Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để tiếp tục gia hạn chính sách này đến một thời điểm phù hợp. Và tất nhiên trong quá trình kéo dài, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường giám sát, đảm bảo cho chính sách được thực hiện đúng đối tượng, hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn nhưng phải đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các ngân hàng thương mại lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng.
Tuy không thắt chặt nhưng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo hai yếu tố trên. Điều này đòi hỏi sự năng động, quyết đoán, tìm hiểu, chia sẻ của các ngân hàng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng kiểm tra thông qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Đảm bảo tín dụng hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.
Những lĩnh vực trọng tâm nào Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay trong năm 2024, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung vốn vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực cần có sự ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ cũng như là động lực góp phần làm cho tăng trưởng nền kinh tế. Đơn cử như các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, lĩnh vực điện, giao thông… Đối với các lĩnh vực này, không chỉ 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước mà các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng rất quan tâm.
Cùng với đó, các gói tín dụng ưu đãi như gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, sửa chữa những khu chung cư cũ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là một chính sách lớn mà Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng cùng với các ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng và các ngành chức năng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý hiện nay, còn nguồn vốn thì đã sẵn sàng để giải ngân. Với gói tín dụng này, sẽ có tính chất lâu dài, việc giải ngân cũng không phải cứ có dự án là giải ngân 100% được, mà giải ngân theo tiến độ của từng dự án cũng như khả năng tài chính, nhu cầu vay vốn của các nhà đầu tư.
Một số gói tín dụng khác như gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy hải sản cũng đã được triển khai rất tích cực, chưa được một năm đã giải ngân hết. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia sẽ tiếp tục bổ sung thêm 15.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay nữa đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản.
Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng cũng sẽ là một lĩnh vực được tạo điều kiện và đẩy mạnh. Bởi lẽ, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy khả năng tiêu dùng của nền kinh tế, kéo theo cầu sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, nghiên cứu có những chỉnh sửa về mặt cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các công ty tài chính chính thức được Nhà nước cấp phép và các ngân hàng thương mại tham gia lĩnh vực cho vay tiêu dùng này. Thông qua đây, sẽ góp phần hạn chế tín dụng đen.
Một số lĩnh vực khác như tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã… cũng sẽ tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Mặc dù khó khăn, vướng mắc của các lĩnh vực này không chỉ cần giải quyết từ phía của Ngân hàng Nhà nước mà phải cần sự vào cuộc đồng bộ của rất nhiều bộ, ngành và kể cả các địa phương.
Bắt buộc phải công khai lãi suất
Theo Công văn số 527, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay cho vay bình quân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhiều ngân hàng đã đồng loạt phản ứng. Vậy quan điểm của Phó Thống đốc về vấn đề này như thế nào?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngày 23/2 là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Ngân hàng Nhà nước không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố lãi suất cho vay chi tiết đối với các nhóm khách hàng, cách phân loại khách hàng… Các ngân hàng thương mại chủ động trong vấn đề này.
Các ngân hàng nêu chi tiết các khó khăn, vướng mắc đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ về công khai thông tin lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp và có giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng. Việc này nhằm tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng. Trong giai đoạn 2022-2023, có những ngân hàng cho vay với lãi suất rất cao, khi hỏi thì các tổ chức tín dụng này nói đủ lý do.
Theo tôi, công bố lãi suất cho vay bình quân thì có gì mà ngại, mà sợ khó khăn. Đây là lãi suất cho vay bình quân chứ không phải cho vay theo từng đối tượng, từng doanh nghiệp, khách hàng.
Trước mắt nếu các ngân hàng chưa thực hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa có chế tài nhưng dư luận xã hội sẽ giám sát việc công khai lãi suất cho vay.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Nguồn: vietnamplus.vn
Leave your comment