Chính phủ Úc khẳng định nền kinh tế của đất nước vẫn đứng vững trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu

Tuesday, 20/08/2019, 12:52 PM

Thông tin về đường cong lãi suất trái phiếu Hoa Kỳ lần đầu tiên đảo ngược kể từ năm 2007 đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế mới ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Úc vẫn tỏ ra tự tin về tình hình kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết Chính phủ Liên bang sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để giữ cho nền kinh tế Úc đi đúng hướng trong bối cảnh lo ngại về suy thoái ở Hoa Kỳ. Tuy nhên ông cũng khẳng định những căng thẳng thương mại là không thể tránh khỏi.

Các loại tiền tệ trong ván cờ tài chính toàn cầu (Nguồn ảnh: Getty Images)

Vào trung tuần tháng 8, nhiều sự kiện diễn ra đã khiến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới lao dốc, trong đó bao gồm cả Úc. Thị trường chứng khoán Úc đã giảm hơn 63 tỷ đô la vào ngày 15 tháng 8, đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong 18 tháng trở lại đây.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang làm suy yếu các doanh nghiệp ở cả hai nước, cùng với đó, quy mô kinh tế của Đức cũng bị thu hẹp trong quý II và nước Anh thì đang kỳ vọng một lối thoát có tính đột phá để tách khỏi Liên minh châu Âu hậu Brexit. Những sự bất ổn này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định rằng căng thẳng Mỹ – Trung sẽ không dẫn đến suy thoái kinh tế ở Mỹ bất chấp thực tế trong tuần trước lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ đã giảm so với lãi suất trái phiếu ngắn hạn – điều mà trong tiền lệ 50 năm qua đều xảy ra trước mỗi cuộc suy thoái của đất nước này.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp bên lề Hội nghị G20 (Nguồn ảnh: AP)

Úc sẽ đối phó với viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như thế nào?

Chính phủ của Thủ tướng Morrison tin tưởng chính sách cắt giảm thuế mới nhất và gói tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỷ đô – la cho thập kỷ tới sẽ giúp nền kinh tế Úc duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế Bill Mitchell tại Đại học Newcastle cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang khá chủ quan và cần tăng cường các hành động thiết thực hơn mới có thể tránh khỏi kịch bản suy thoái kinh tế. Theo Giáo sư Mitchell, dư nợ của các hộ gia đình Úc đang ở mức kỷ lục, điều này sẽ dẫn đến suy giảm chi tiêu tiêu dùng và giảm tăng trưởng GDP. Mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn đang tăng nhờ các điều khoản thương mại tương đối mạnh trong nhiều mặt hàng nhưng vấn đề là Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Úc – hiện đang bắt đầu giảm tốc. Vì vậy, thay vì tập trung vào trạng thái thặng dư ngân sách hiện tại, chính phủ Liên bang cần đánh giá một cách thực tế về khả năng tài chính và khả năng chi tiêu để giúp nền kinh tế Úc đứng vững trước suy thoái toàn cầu.

Các yếu tố toàn cầu trong một cuộc suy thoái

Giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị và quốc tế của Đại học Murdoch, ông Kanishka Jayasuriya, nhận định căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chỉ là một yếu tố làm trầm trọng thêm những áp lực đã tồn tại dai dẳng, bao gồm các vấn đề về lãi suất thấp, nhu cầu yếu, tăng trưởng thấp và lạm phát. Theo ông Jayasuriya, nền kinh tế thế giới đã không thực sự giải quyết được triệt để một số điểm yếu về cấu trúc từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất.

Bên cạnh căng thẳng thương mại, sự đình trệ tiền lương ở các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, bao gồm Úc, vẫn tiếp tục là một vấn đề đáng quan ngại. Ngoài ra, dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu và các chính sách tiền tệ mở rộng đã từng được thực thi tại Mỹ, Châu Âu và cả Úc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trước đây có thể sẽ không hiệu quả với bối cảnh mới này.

Kinh tế Úc nhìn từ các cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ

Nước Úc đã thoát khỏi suy thoái kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở châu Á giữa năm 1997 và 1999. Đất nước này cũng không nối gót thất bại của nền kinh tế Hoa Kỳ sau bong bóng thị trường cổ phiếu (bong bóng dot.com) năm 2001. Úc tiếp tục gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra từ giữa năm 2007 đến đầu năm 2009. Mặc dù vậy, giáo sư Mitchell cho biết điều này không phải là sự đảm bảo trước bất kỳ cuộc suy thoái nào trong tương lai. Mức dự nợ của người dân Úc vẫn còn quá cao, trong khi sức mạnh tăng trưởng lại không đủ lớn để làm tăng thu nhập, và một khi không có nguồn để tiết kiệm thì khu vực tư nhân cũng không có nền tảng để trả nợ. Thực tế này khiến nền kinh tế luôn trong trạng thái bấp bênh và rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Nguồn tin: Tổng hợp

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm