Học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ thêm khi các trường học mở cửa trở lại sau đại dịch

Thursday, 20/08/2020, 07:24 AM

Hầu hết trẻ em ở Úc sẽ tiếp tục trở lại trường học sau kỳ nghỉ đông, tuy nhiên các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo khả năng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 sẽ không thể bắt kịp chương trình.

San Win Yee là một học sinh lớp 11 ở Tây Sydney, em có nguyện vọng theo học chuyên ngành sản khoa khi lên đại học. Tuy nhiên, sau khi trường của San Win Yee chuyển sang hình thức đào tạo từ xa suốt gần hai tháng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, em đang lo lắng liệu có thể bắt kịp chương trình khi trở lại trường học hay không.

Khi học tại nhà, San Win Yee phải chia sẻ máy tính với anh trai mình, và em cũng khó tìm được một nơi yên tĩnh để học trong gia đình có tám thành viên.

Học sinh lớp 11 San Win Yee lo lắng về việc bắt kịp chương trình học ở trường

Nguồn ảnh: Maani Truu / SBS News

Khi các chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ trên khắp nước Úc quyết định cho các trường chuyển sang hình thức học từ xa vào tháng Ba do ảnh hưởng của virus Corona, các chuyên gia đã cảnh báo việc đóng cửa trường học sẽ làm trầm trọng thêm những bất lợi trong giáo dục hiện tại, đặc biệt là đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận máy tính và Internet.

Vào tháng Tư, Thủ tướng Scott Morrison cũng thừa nhận tác động không cân xứng của việc đóng cửa trường học đối với các gia đình có thu nhập thấp, những người phải lựa chọn giữa việc dạy dỗ con cái và kiếm ăn từng bữa. Và trong khi hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ đã mở cửa lại trường học thì Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrew, vừa tuyên bố khả năng sẽ phải triển khai hoạt động học tập từ xa một lần nữa đối với một số trường tại các điểm nóng của Covid trong tiểu bang.

Viện nghiên cứu Grattan hiện đang kêu gọi chính phủ liên bang tài trợ gói “phụ đạo” trị giá 1,25 tỷ đô la để giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn bắt kịp chương trình. Theo một báo cáo được Viện Grattan công bố vào tháng 6, phần lớn giáo viên ở các trường thuộc những cộng đồng có điều kiện kinh tế xã hội thấp tin rằng, trong thời gian cách ly xã hội, học sinh chỉ đạt được từ 25% đến 50% kiến thức so với việc học tại lớp thông thường.

Theo tiến sĩ giáo dục Julie Sonnemann, tác giả của báo cáo, hầu hết học sinh đều gặp những khó khăn nhất định khi học từ xa, nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ học được ít hơn rất nhiều, và một số người sẽ hầu như không học được gì trong khoảng thời gian đó.

Theo kế hoạch đề xuất của Viện Grattan, khoản tài trợ – xấp xỉ 1,262 đô-la/người cho khoảng một triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Úc – sẽ tới tay các trường để thực hiện chương trình dạy kèm có mục tiêu trong sáu tháng.

Mặc dù ngân sách cho giáo dục do chính quyền tiểu bang phụ trách nhưng Tiến sĩ Sonnemann cho rằng Chính phủ liên bang cũng cần hỗ trợ chương trình phụ đạo này thông qua một số khoản tài trợ trong kế hoạch phục hồi hậu COVID-19. Đây là một cách tiếp cận lợi cả đôi đường vì không chỉ bù đắp kiến thức cho học sinh mà còn mang đến thu nhập cho nhiều giáo viên trẻ – những người đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì khủng hoảng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục liên bang Dan Tehan cho biết chính phủ đã cung cấp một gói tài trợ kỷ lục trị giá 314 tỷ đô-la cho các trường học. Ông cũng khẳng định các quyết định của chính quyền tiểu bang về việc ngừng hoạt động đào tạo trực tiếp đã đi ngược lại với lời khuyên của Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe Úc. Ủy ban này luôn duy trì quan điểm tiếp tục mở cửa trường học là an toàn.

Giáo viên chuẩn bị tài liệu cho bài học về nhà tại một trường tiểu học ở Brisbane.

Nguồn ảnh: AAP

Tiến sĩ Sonnemann cho rằng nếu không được hỗ trợ thêm, nhiều áp lực sẽ xuất hiện, đặc biệt đối với học sinh ở những cộng đồng khó khăn, vốn đã phải vật lộn với sự bất bình đẳng hiện có. Điều này sẽ khiến họ càng trở nên khó khăn hơn.

Trước đại dịch, học sinh có điều kiện kinh tế xã hội thấp đã tụt hậu về kết quả học tập so với các bạn đồng môn có điều kiện khá giả hơn. Một đánh giá quốc tế năm 2018 về kết quả đào tạo với học sinh lứa tuổi 15 đã cho thấy học sinh có lợi thế về điều kiện kinh tế xã hội ở Úc đạt kết quả vượt trội (hơn 89 điểm) so với học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong môn đọc. Theo báo cáo Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), điều kiện kinh tế xã hội cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả trong môn toán học và khoa học. Một phần lý do cho thực tế này có thể là do điều kiện tiếp cận kỹ thuật số, vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn khi hầu hết việc học chuyển sang trực tuyến.

Tổ chức từ thiện cho trẻ em Gia đình Smith đã cung cấp cho 1.000 học sinh, bao gồm cả San Win Yee, một máy tính xách tay trong thời gian trường học đóng cửa để hỗ trợ việc học từ xa, nhưng còn rất nhiều học sinh khác cần được hỗ trợ mà chưa được đáp ứng. Tổ chức từ thiện này cho biết 23% trong số 50.000 học sinh trong chương trình “Học tập vì cuộc sống” của họ không có điều kiện tiếp cận máy tính riêng với đường truyền Internet đáng tin cậy.

Vì vậy, khi nước Úc bước ra khỏi khủng hoảng và trẻ em trở lại trường học, đó không phải là sự kết thúc của vấn đề mà sẽ mở ra những vấn đề mới đẩy thách thức đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm