Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong xã hội Úc

Saturday, 05/09/2020, 15:35 PM

Một báo cáo mới đến từ Hội đồng Dịch vụ Xã hội Úc (ACOSS) và Đại học New South Wales – sử dụng dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Úc từ năm 2017-2018 – đã cho thấy khoảng cách rất xa giữa những hộ gia đình giàu có nhất nước Úc so với những người có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Đã nghèo lại càng nghèo hơn

Theo báo cáo, thu nhập của những người thuộc nhóm 20% dẫn đầu cao gấp 6 lần so với những người ở nhóm 20% thấp nhất trong nấc thang thu nhập – sự cách biệt này còn tồi tệ hơn so với thời điểm năm 2015-2016 khi tỷ lệ này là gấp 5 lần.

Giám đốc điều hành của ACOSS, bà Cassandra Goldie cho biết những phát hiện của báo cáo thực sự gây sốc. “Thật kinh ngạc khi nước Úc nhìn chung là một quốc gia rất giàu có nhưng lại có rất nhiều trẻ em đang phải vật lộn từng ngày để có được bữa ăn, có những ông bố bà mẹ đơn thân phải giấu con cái nhịn đói, để dành phần ăn cho con mình, có những người phải sống trong bóng tối và nhà thì không được sưởi ấm vì họ không đủ khả năng chi trả các khoản sinh hoạt phí cơ bản với mức thu nhập và tài sản ít ỏi. Những con người đó đang vô cùng đau khổ trước tình trạng bấp bênh tài chính của mình.”

Nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu

Nguồn ảnh: ABC News / Kit Mochan

Báo cáo cho thấy sự phân bổ của cải ở Úc thậm chí còn bất bình đẳng hơn. Tài sản trung bình của 20% những người giảu nhất có giá trị khoảng 3,2 triệu đô-la – gấp 90 lần so với giá trị tài sản của 20% dân số nghèo nhất – chỉ khoảng 36.000 đô-la.

Không những vậy, sự khác biệt trong tốc độ gia tăng tài sản của hai nhóm này càng kéo họ ra xa nhau. Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo, giáo sư Bruce Bradbury của Đại học NSW, cho biết tài sản của những người thuộc nhóm 20% giàu nhất tăng 68% trong 15 năm qua tính theo giá trị thực, trong khi đó, tài sản của những người ở nhóm 20% thấp nhất chỉ tăng 6%. Nguyên nhân đến từ hai yếu tố: sự tăng giá nhà đất và số tiền tiết kiệm lớn hơn mà mọi người đang nắm giữ trong quỹ hưu bổng.

Tình trạng bất bình đẳng có thể được cải thiện tạm thời trong thời kỳ đại dịch

Tất nhiên, với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, cùng với việc chính phủ chi hàng chục tỷ đô-la cho các khoản trợ cấp, Giáo sư Bradbury chỉ ra rằng, bất bình đẳng có thể giảm bớt trong đại dịch.

Ông nói: “Một điều nghịch lý là cho đến nay, các biện pháp can thiệp lớn của chính phủ lại thực sự có tác dụng đáng kể trong việc giảm bớt tình trạng bất bình đẳng. Việc tăng mức trợ cấp của chương trình JobSeeker dành cho những người bị mất việc làm và cung cấp gói trợ cấp JobKeeper đã hạn chế sự sụt giảm thu nhập đối với nhiều người. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đi một chút”. Tuy nhiên, ông Bradbury cũng nhận định khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường cổ phiếu và bất động sản bắt đầu hồi phục, thì tình trạng bất bình đẳng dự kiến ​​sẽ bùng nổ.

Giáo sư đưa ra dự báo những người thuộc nhóm 5% nghèo nhất nước ​​sẽ còn trở nên khốn cùng hơn với mức thu nhập trung bình chỉ 5.000 đô-la một năm. Lý do là họ bị sa lầy vào các khoản nợ nần.

Bên cạnh đó, một mối lo ngại khác đang nổi lên là tình trạng bất bình đẳng trong nhóm trẻ hơn đang gia tăng mạnh hơn so với mức tổng thể. Nguyên nhân là đã có nhiều người trẻ bắt đầu tham gia vào thị trường nhà ở.

“Thảm họa” đang lờ mờ hiện ra khi chính phủ ngừng các khoản hỗ trợ

Bà Cassandra Goldie lo ngại một thảm họa kinh tế và xã hội sẽ diễn ra khi hầu hết các chương trình trợ cấp ứng phó với COVID-19 của chính phủ sắp kết thúc vào cuối tháng này.

Đầu tuần, Chính phủ liên bang đã nhận được sự ủng hộ để thông qua kế hoạch gia hạn sáu tháng cho chương trình JobKeeper. Theo kế hoạch gia hạn này, các quy tắc mới sẽ cho phép các doanh nghiệp không còn đủ điều kiện nhận trợ cấp JobKeeper nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn được phép áp dụng các quy định công sở linh hoạt. Theo đó, các chủ doanh nghiệp sẽ có quyền cắt giảm nhân viên hoặc giảm giờ làm việc.

Đối với những người không có việc làm và đang hưởng trợ cấp JobSeeker, từ ngày 25 tháng 9, họ sẽ mất 300 đô-la mỗi hai tuần, hay 150 đô-la một tuần so với trước đây. Theo mức hỗ trợ mới, những người thuộc diện hưởng trợ cấp JobSeeker sẽ chỉ được nhận khoảng 412 đô-la/người/tuần.

Bà Cassandra Goldie cho rằng Chính phủ cẩn phải đảm bảo rằng người dân ít nhất là có đủ thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu, thực phẩm và chỗ ở, và đảm bảo rằng họ có thể chăm sóc con cái của mình.

Bất kỳ thay đổi nào khác đối với các khoản hỗ trợ sẽ được công bố trong báo cáo ngân sách tháng 10 của Chính phủ.

Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm