Làm lành với Pháp: Bài toán hóc búa của Australia

Sunday, 19/09/2021, 18:51 PM

Hiện chính quyền Australia chưa có động thái chính thức nào song các nhà quan sát tại Australia cho biết nước này có thể thuê tàu ngầm của Pháp trong lúc đợi tàu ngầm do Mỹ phối hợp với Anh sản xuất cho nước này.

Quan hệ giữa Australia và Mỹ với Pháp đang bị ảnh hưởng khi Mỹ, Anh và Australia qua mặt Pháp trong thỏa thuận chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Trong bối cảnh Pháp hiện vẫn là đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà Australia cần nhiều sự hiện diện của các cường quốc thì vào lúc này, Australia đang phải đối mặt với bài toán hóc búa là xoa dịu và làm lành với Pháp.

Việc Australia cùng với Mỹ và Anh không thông báo trước với Pháp về thỏa thuận chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia không chỉ làm cho hợp đồng mua tàu ngầm mà Australia ký với Pháp 3 năm trước trị giá lên tới 90 tỷ AUD sẽ bị hủy bỏ mà còn làm Pháp, một đối tác của Australia và đồng minh của Mỹ cảm thấy bị mất mặt. Sau khi Pháp quyết định triệu hồi đại sứ tại Australia và Mỹ về nước, chiều nay, Đại sứ Pháp tại Australia Jean Pierre Thebault đã rời Canberra, thủ đô của Australia trong sự tức giận:

“Tôi cho rằng vấn đề này được xử lý rất kém với một đối tác. Đây không chỉ là vấn đề hợp đồng mà còn là đối tác. Quan hệ đối tác được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và đôi bên cùng có lợi. Quan hệ đối tác còn được xây dựng dựa trên sự chân thành”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi điện thoại cho Thủ tướng New Zealand và Tổng thống Indonesia vào tối hôm trước khi sự việc được công bố chính thức. Nhưng việc không có một liên lạc nào được thực hiện với Pháp về vấn đề này cho thấy Australia dường như không có nhiều sựa lựa chọn.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cảm thông trước phản ứng của Pháp và cho biết Australia đã hành động dựa trên lợi ích quốc gia:

“Tôi hoàn toàn hiểu được sự thất vọng. Không có gì nghi ngờ rằng đây là một vấn đề rất khó xử lý. Tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp xúc một cách xây dựng và chặt chẽ với các đồng nghiệp tại Pháp”.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia, ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho rằng đây là điều đáng tiếc nhất mà Australia phải đối mặt sau thỏa thuận chế tạo tàu ngầm hạt nhân cùng với Mỹ và Anh:

“Quyết định này ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Australia và Pháp. Và có thể nói đây là điều đáng tiếc nhất mà quyết định này mang lại. Mối quan hệ này sẽ mất thời gian để có thể được cải thiện và Australia cần phải làm điều này bởi Pháp có vai trò quan trọng”.

Australia không bao giờ muốn làm căng trong quan hệ với Pháp bởi Pháp là quốc gia trong khu vực và sự hiện diện của Pháp là sự hỗ trợ rất lớn đối với Australia trong nỗ lực làm giảm sự can thiệp của bên ngoài vào khu vực này. Chính vì vậy vấn đề khiến Australia đau đầu nhất sau thỏa thuận vừa đạt được với Anh và Mỹ chính là xoa dịu sự tức giận của Pháp. Hiện chính quyền Australia chưa có động thái chính thức nào song các nhà quan sát tại Australia cho biết nước này có thể thuê tàu ngầm của Pháp trong lúc đợi tàu ngầm do Mỹ phối hợp với Anh sản xuất cho nước này. Đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa giúp Australia có tàu ngầm sử dụng vừa có thể làm nguôi bớt phần nào cơn giận giữ của nước Pháp”./.

Việt Nga/VOV-Australia

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm