Lượng nhập cư sụt giảm do Covid-19 – Cơ hội hay thách thức cho nước Úc?

Thursday, 13/08/2020, 11:02 AM

Sự sụt giảm lượng sinh viên quốc tế tới Úc đã giáng một đòn nặng lên ngành giáo dục nước này, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Sự thay đổi lớn trong lượng nhập cư do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát Covid-19 chắc chắn sẽ gây ra những tác động kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, kéo theo đó là cơ hội hay thách thức thì còn phụ thuộc vào những góc độ đánh giá khác nhau.

Kể từ tháng 3 năm nay, chính phủ Úc đã đóng cửa biên giới với những người không phải công dân Úc hoặc thường trú nhân. Chính phủ cũng khuyên mọi người nên xem xét lại nhu cầu xin thị thực Úc và người Úc cũng bị cấm rời khỏi đất nước, kể cả khi họ là những công dân nhiều quốc tịch xin cấp phép đặc biệt để xuất cảnh.

Việc đóng cửa chặt biên giới được coi là yếu tố then chốt để đất nước này chống lại Covid-19 nhưng cũng có nghĩa là di cư ròng gần như bằng không. Vào tháng 5, Thủ tướng Scott Morrison, ước tính lượng di cư hàng năm đạt 34.000 người trong năm tới – cách xa so với ước tính tiền Covid là khoảng 270.000, và so với lượng di cư năm 2019 là 210.700 người. Ngay cả khi vắc-xin được tìm ra và biên giới mở trở lại, cũng phải mất nhiều năm để Úc có thể đạt được các mục tiêu đó một lần nữa.

Úc có thể mất nhiều năm nữa để đạt được các mục tiêu di cư như trước đây

Nguồn ảnh: James D Morgan / Getty Images

Bên cạnh những tác động cá nhân to lớn đối với những người nhập cư giữ thị thực tạm thời, thì những thay đổi trong vấn đề di cư chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Đó có thể là những tác động tiêu cực nhưng cũng có thể là tích cực, tùy thuộc vào lĩnh vực cụ thể.

Một nền kinh tế phụ thuộc vào di cư

Theo nhà nhân khẩu học Liz Allen của Đại học Quốc gia Úc, toàn bộ nền kinh tế Úc dựa vào người nhập cư. Di cư là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số Úc, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự sụt giảm trong số lượng sinh viên quốc tế đến Úc không chỉ là đòn tấn công vào ngành giáo dục đại học của nước này. Tiến sĩ Allen đánh giá đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Người di cư đóng góp vào cả tổng cầu và tổng cung của nền kinh tế và củng cố sự thịnh vượng kinh tế-xã hội quốc gia. Do đó, sự cắt giảm lượng nhập cư do Covid-19 sẽ kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài mà có thể phải mất nhiều năm để nhận ra.

Một nhà hàng đóng cửa ở Sydney

Nguồn ảnh: Asanka Ratnayake / Getty Images

Ông Abul Rizvi, nguyên Phó tổng thư ký của Bộ Di trú, đồng tình với quan điểm này, và cho biết tình hình di cư và trạng thái của nền kinh tế thường song hành chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Richard Denniss của Viện Nghiên cứu Úc, tăng trưởng kinh tế không ấn tượng không phải lúc nào cũng là tiêu cực nếu xét tới ảnh hưởng với mỗi cá nhân người Úc, đó là sự khác biệt giữa GDP và GDP bình quân đầu người. Ông Denniss cho rằng mặc dù Úc phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu quy mô kinh tế suy giảm đồng thời với dân số giảm thì chưa chắc tăng trưởng thu nhập tính trên đầu người đã chậm lại.

Ông Rizvi nhận định nước Úc nên hướng mục tiêu vào những người di cư có tay nghề cao, những người có thể tìm được một công việc được trả lương cao tương đối nhanh chóng, điều này làm tăng thêm tác động tích cực đối với nền kinh tế xét trên phương diện bình quân đầu người.

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, di cư giảm cũng tạo áp lực đối với thu nhập bình quân thông qua tình trạng lão hóa dân số. Chương trình di cư của Úc tập trung vào đối tượng từ 20 đến 35 tuổi và với độ tuổi trẻ tương đối như vậy, những người di cư sinh con đẻ cái và đưa Úc trở thành một trong những quốc gia phát triển trẻ nhất hành tinh, với độ tuổi trung bình là 37. Điều đó có nghĩa là lượng di cư giảm sẽ làm giảm tỷ lệ sinh và đẩy nhanh quá trình lão hóa dân số Úc – một nguy cơ đối với tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.

Vấn đề thất nghiệp và việc làm

Những ảnh hưởng của vấn đề nhập cư với thị trường lao động và việc làm tại Úc nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ngay cả khi thị trường này đang phát triển mạnh mẽ.

Người dân xếp hàng bên ngoài trụ sở của Centrelink

Nguồn ảnh: Stefan Postles / EPA

Người phát ngôn Nội vụ của Đảng Lao động, bà Kristina Keneally, lập luận rằng nên trì hoãn việc chào đón người di cư quay trở lại, vì có nguy cơ họ sẽ lấy mất cơ hội việc làm của người dân Úc. Theo bà, đây là cơ hội để Úc thay đổi quy mô và thành phần nhập cư hậu khủng hoảng. Nước Úc đang phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn cung lao động giá rẻ ở nước ngoài, các lao động tạm thời khiến lương của lao động là công dân Úc bị suy giảm và có thể lấy đi việc làm của người Úc. Bà Keneally mô tả sự phụ thuộc vào mức nhập cư cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một cách tiếp cận lười biếng, trong khi giải pháp cần làm là phải tăng cường đầu tư vào việc hình thành kỹ năng và đào tạo nghề.

Phản đối quan điểm này, các chuyên gia Abul Rizvi và Liz Allen lại cho rằng dân nhập cư không có xu hướng cạnh tranh việc làm với người dân Úc. Chương trình di trú của Úc được định hướng theo nhu cầu, nói cách khác, người nhập cư mang tới những kỹ năng mà người Úc đang thiếu hoặc làm những công việc tay nghề thấp mà người Úc không muốn làm. Không chỉ vậy, họ còn đóng góp vào sự gia tăng tiêu dùng, từ đó đưa đến tác động thúc đẩy nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Richard Denniss nhận định hiệu quả của việc khởi động lại chương trình di cư lên mức thất nghiệp là gần như không thể dự đoán. Hiện Úc đã có 1,5 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp và việc đưa thêm khoảng 250.000 người nhập cư vào đất nước không chắc sẽ dẫn đến thất nghiệp tăng hay giảm. Có hai hiệu ứng trái chiều: một là 250.000 người đến Úc và sẽ góp phần làm gia tăng tiêu dùng, thúc đầy nhu cầu; hai là 250.000 người đến Úc và sẽ làm tăng nguồn cung lao động. Ông Denniss cho rằng không thể định lượng được hiệu ứng nào áp đảo hơn và thực tế cũng không có kinh nghiệm lịch sử hay kinh nghiệm quốc tế nào về vấn đề này để soi chiếu.

Nhà ở và cơ sở hạ tầng

Ông Michael Fotheringham, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Nhà ở và Đô thị Úc cho biết một trong những lý do khiến giá nhà ở Úc đắt đỏ là vì tình trạng thiếu nhà ở kinh niên. Ngành xây dựng nói chung luôn cố gắng bắt nhịp với tốc độ gia tăng dân số và nhu cầu nhà ở, vì vậy khi lượng nhập cư giảm, nhu cầu về nhà ở cũng giảm, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà đất và giúp ngành xây dựng có năng lực dự phòng.

Ông Fotheringham cũng thừa nhận điều này có thể dẫn đến thất nghiệp và thiếu việc làm, nhưng nó là một cơ hội để suy nghĩ lại về cách thức phát triển thị trường nhà ở tại Úc. Ông đề xuất xây dựng nhà ở xã hội như một giải pháp giúp cả ngành xây dựng và những người đang gặp khó khăn trong việc mua nhà ở.

Suy giảm trong số lượng dân nhập cư sẽ giúp ngành xây dựng tăng năng lực dự phòng Nguồn ảnh: Mark Metcalfe / Getty Images

Ngoài ra, ông Fotheringham cũng để cập đến tác động của sự sụt giảm lượng nhập cư tới môi trường đô thị, đặc biệt ở các thủ phủ như Sydney, Melbourne và vùng đông nam Queensland, nơi người di cư có xu hướng định cư. Nó cho phép nhà chức trách có thêm thời gian để xem xét chiến lược định hình các thành phố này trong những năm tới. Nếu trong quá khứ, nguồn cung phải chạy theo để đáp ứng nhu cầu, thì giờ là cơ hội để bên cung ứng tái cấu trúc và định hướng nhu cầu.

Sự phục hồi

Các chuyên gia Abul Rizvi và Liz Allen tin rằng có thể mất nhiều năm để Úc phục hồi trở lại. Mức dự báo di cư hàng năm khoảng 270.000 được đưa ra trong năm 2019 sẽ không thể đạt được trong những năm 2020s.

Theo ông Rizvi, khi biên giới Úc mở cửa trở lại, người nhập cư sẽ dần quay trở lại và bơm tiền vào nền kinh tế nhưng thất nghiệp có khả năng vẫn còn cao. Vì vậy, các quyết định được đưa ra không nên chỉ nhằm vào các con số mà phải thiết kế chiến lược đúng cách.

Thị trường lao động Úc cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về thiếu hụt lao động kỹ năng do suy thoái kinh tế, và sẽ có nhu cầu cấp thiết đối với các kỹ năng không thể đào tạo được chỉ thông qua các khóa học ngắn. Việc thu hút người di cư có tay nghề cao cũng trở nên khó khăn hơn trong một nền kinh tế yếu kém, và chính phủ cần đảm bảo một chính sách thị thực để Úc trở nên hấp dẫn với những lao động có tay nghề cao. Ông Rizvi đánh giá đây là một lợi thế rất lớn của Úc khi chính phủ nước này đã thực hiện tương đối tốt so với hầu hết các quốc gia khác trong đại dịch

Nhìn chung, cho dù thời điểm mở cửa trở lại là khi nào, các chuyên gia đều đồng thuận rằng đại dịch Covid đã đưa tới một cơ hội để cải cách chính sách, để suy nghĩ về xã hội mà nước Úc muốn tạo ra trong tương lai. Một chính sách dân số nhất quán – kết hợp các biện pháp khí hậu, đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng xã hội – có thể là giải pháp để vượt qua khủng hoảng. Công việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng đây là lúc cần bắt tay thực hiện, với sự cam kết cao và tầm lãnh đạo, để xây dựng một nước Úc mạnh hơn và công bằng hơn.

Giang Vũ

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm