Nhiều doanh nghiệp FDI muốn được ngành thuế ‘có sự trao đổi rõ ràng, minh bạch hơn’

Friday, 24/02/2023, 14:43 PM

Theo Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, các khó khăn vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp FDI gặp phải tại Việt Nam đa số là về thuế và giấy phép.

Nhiều doanh nghiệp FDI muốn được ngành thuế có sự trao đổi rõ ràng, minh bạch hơn - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn tại hội nghị – Ảnh: SƠN LÂM

Chiều 23-2, tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Long An và các cơ quan ngoại giao, hiệp hội, doanh nghiệp năm 2023 diễn ra ở Long An, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nhiều nước đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn và kiến nghị đến địa phương nhiều vướng mắc mà đa số các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đang gặp phải.

“Trong số những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải ở Việt Nam, đa số là về vấn đề thuế và giấy phép. Ngoài ra, cũng có nhiều khó khăn liên quan đến tính hiệu quả về mặt hành chính và hệ thống tư pháp”, ông Kang Myong Il – tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM – nêu ý kiến mở đầu buổi thảo luận.

Theo ông Kang Myong Il, các điều khoản của văn bản pháp luật trong ngành thuế cần phải rõ ràng, việc áp dụng cách hiểu về quy định pháp luật cần phải công bằng, rõ ràng và nhất quán: “Tiếc là, tôi nghe nói rằng việc hoàn thuế giá trị gia tăng thường xuyên bị kéo dài, việc hiểu các tiêu chí xác định xuất xứ của mỗi cơ quan cũng khác nhau, việc khảo sát giá chuyển nhượng thì được tiến hành từ một phía”.

Ông Inoue Koji – trưởng nhóm doanh nghiệp Nhật Bản tại Long An – cũng nêu kiến nghị hệ thống thuế cần khách quan, công bằng.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp vấn đề trong cách hiểu về thuế và truy thu thuế bổ sung mà doanh nghiệp vẫn chưa hiểu được. Việc hoàn thuế kéo dài… Chúng tôi sẽ đánh giá rất cao nếu hai bên có sự trao đổi khách quan, thống nhất ngay từ đầu”, ông Inoue Koji chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp FDI muốn được ngành thuế có sự trao đổi rõ ràng, minh bạch hơn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Được, bí thư Tỉnh ủy Long An (bìa phải), trao đổi với các doanh nghiệp đầu tư tại Long An – Ảnh: SƠN LÂM

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng nêu ra một số vấn đề còn tồn tại như giấy phép, thủ tục hành chính còn mang tính quan liêu, chưa hiệu quả, doanh nghiệp khi đã được cấp giấy phép đầu tư nếu muốn mở rộng đầu tư cũng còn mất nhiều thời gian và chi phí, việc xin giấy phép lao động và thị thực ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Các thủ tục hành chính cần phải hiệu quả, rõ ràng và có thể dự đoán được, nhưng có một số trường hợp các cơ quan có thẩm quyền không đáp ứng được kỳ vọng này. Tôi xin lấy một số ví dụ nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng như nhà máy điện, điện mặt trời, điện gió… nhưng dự thảo Quy hoạch điện VIII vốn dĩ phải hoàn thành từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Từ năm 2021, tiêu chuẩn chứng nhận dành cho sơn chống cháy đã được nâng cấp nhưng thủ tục đăng ký chứng nhận không rõ ràng, dẫn đến việc nhà máy dù đã xây dựng xong vẫn chưa thể đi vào hoạt động….”, ông Kang Myong Il phát biểu.

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Út – chủ tịch UBND tỉnh Long An – yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để áp dụng.

“Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi sẽ giải quyết trong vòng 15 ngày và sẽ có văn bản gửi kết quả đến quý cơ quan, doanh nghiệp gặp phải vấn đề cụ thể. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của trung ương, đề nghị tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền với tinh thần tích cực nhất để đồng hành với doanh nghiệp”, ông Út khẳng định.

Nguồn: Tuoitre

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm