Phân biệt chủng tộc gia tăng tại Úc: khảo sát xã hội

Friday, 25/11/2016, 02:43 AM

Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, người dân Úc cảm thấy bất an hơn về vấn đề an ninh tại chính khu dân cư họ đang sinh sống. Đồng thời họ cũng lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc đang tăng cao.

Khoa

Kết quả cuộc khảo sát của The Scanlon Foundation’s 2016 Mapping Social Cohesion được công bố hôm 22/11/2016 nhấn mạnh đến những con số thống kê đáng lo ngại về cảm nhận của người dân Úc đối với các chính trị gia, khu dân cư nơi họ sống và vấn nạn phân biệt chủng tộc đang ngày càng căng thẳng.

Theo báo cáo: “Có nhiều dấu hiệu bi quan, tiêu cực liên quan đến Hồi Giáo và các trường hợp bị phân biệt đối xử vì màu da, sắc tộc hoặc tôn giáo.”

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng có một số thông tin tích cực hơn mong đợi.

ỦNG HỘ ĐA VĂN HÓA NHƯNG VẤN ĐỀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC VẪN GIA TĂNG

Cuộc khảo sát toàn quốc được tiến hành trên 1.500 người vào tháng Bảy và Tám sau khi cuộc bầu cử liên ban diễn ra.

Trong cuộc khảo sát này, 83% người đồng ý rằng xã hội đa văn hóa có ảnh hưởng tốt cho nước Úc.

Chỉ 34% cho rằng lượng người được nhập cư vào Úc đang “quá cao”. Tỉ lệ này hiện là tỉ lệ thấp nhất trong các cuộc khảo sát của Scanlon.

Mặc dù xu hướng tiêu cực với cộng đồng Hồi giáo vẫn tiếp tục nhưng trong vòng 6 năm nay không có thay đổi đáng kể, vẫn là 25%. Tỉ lệ này là 5% đối với cộng đồng Thiên Chúa và Phật Giáo.

Tuy nhiên vẫn có một số lượng đáng kể người cảm thấy rất tiêu cực về người Hồi Giáo, con số này tăng từ 11% lên 14%.

Theo giáo sư Andrew Markus từ Monash University: “Mặc dù truyền thông cho rằng có nhiều thay đổi lớn về nhóm người phản đối Hồi Giáo nhưng theo kết quả khảo sát thì không có thay đổi đáng kể nào.”

Thế nhưng, thật không may là số lượng người bị phân biệt đối xử vì màu da, sắc tộc hoặc tôn giáo lại tiếp tục tăng, từ 15% (2015) lên 20% (2016). Đây là tỉ lệ cao nhất trong các cuộc khảo sát của Scanlon từ năm 2007 trên toàn nước Úc.

scanlon
Nhóm người phản đối Hồi Giáo tại Melbourne vào tháng Tư. Ảnh: David Crosling. Nguồn:News Corp Australia

Thêm vào đó, số lượng “phản đối mạnh mẽ” vấn đề lượng người nhập cư tăng từ 9% (2015) lên 11% (2016).

LỜI CẢNH BÁO CHO CÁC CHÍNH TRỊ GIA

Một trong những vấn đề nổi bật của cuộc khảo sát Scanlon năm nay chính là về sự thất bại của hệ thống chính trị Úc.

Trong vòng hai năm qua, số lượng người tin rằng hệ thống nhà nước Úc cần phải có một “sự thay đổi mạnh mẽ” đã tăng vọt từ 23% (2014) lên 31% (2016).

Giáo sư Markus phát biểu: “Người dân cảm thấy hệ thống chính trị hiện nay đang vận hành không tốt như nó vốn dĩ”.

Đây là nhận định của những người đang phải hàng ngày xoay sở với hóa đơn sinh hoạt, ở độ tuổi từ 35 đến 54, chưa tốt nghiệp phổ thông hoặc đang làm kinh doanh, học nghề. Và những người đã ủng hộ đảng Lao Động, hay những đảng nhỏ, độc lập.

Theo giáo sư Markus thì niềm tin vào các chính trị gia đã sụp đổ từ thời Chính Quyền Rudd và vẫn chưa hồi phục được.

Kết quả khảo sát năm nay cũng cho thấy chỉ 29% tin tưởng tuyệt đối vào chính phủ. Tỉ lệ này sụt giảm từ mức 19% so với năm 2009.

“Niềm tin vào hệ thống, vào chính trị chính là vấn đề trọng điểm hiện nay,” Giáo sư Markus nhấn mạnh.

Theo ông, lý do chính của vấn đề này chính là sự mất liên kết giữ các chính trị gia và công chúng. Ví dụ, theo cuộc khảo sát có 83% người ủng hộ việc dùng cần sa (marijuana) trong điều trị y tế, 80% ủng hộ cái chết nhân đạo (euthanasia) và 67% ủng hộ quyền hôn nhân đồng tính (marriage equality).

Ngoài ra còn có 70% người tin rằng nước Úc nên giảm sự phụ thuộc vào than để tạo ra điện.

“Các chính trị gia không có một dấu hiệu hành động nào cho bất kỳ vấn đề nêu trên”. “Rõ ràng những vấn đề mà người dân ủng hộ lại không phải là những vấn đề mà các chính trị gia sẵn sàng quan tâm hay có hành động,” giáo sư khẳng định.

Trong sáu cuộc khảo sát hàng năm từ 2011 đến nay, chất lượng chính phủ và các chính trị gia được xem là vấn đề quan trọng thứ hai mà nước Úc phải đối mặt sau vấn đề kinh tế.

SỰ THỜ Ơ CỦA THẾ HỆ TRẺ

Theo báo cáo, có đến 34% người dân không quan tâm hoặc chỉ quan tâm rất ít đến bầu cử liên bang.

Sự thờ ơ này chủ yếu tập trung ở đối tượng thanh niên từ 18 đến 24 tuổi. 23% trong số họ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề bầu cử.

Tuy nhiên khi xét về giới tình thì chỉ 7% phụ nữ trong nhóm tuổi này có thái độ không quan tâm.

KHÔNG AN TOÀN

Khi đề cập đến vấn đề hòa hợp với hàng xóm trong khu vực có những nhóm người nhập cư hay dân tộc khác thì chỉ 74% đồng tình. Tỉ lệ này giảm so với mức 78% năm ngoái.

Phần trăm người nghĩ rằng họ và hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ nhau cũng giảm từ 85% xuống 81%

Đặc biệt, mức độ lo lắng, quan tâm về tội phạm trong khu vực tăng vọt từ 26% lên 36%.

KHÔNG CẢM THÔNG CHO THUYỀN NHÂN

Kết quả cuộc khảo sát năm nay cho thấy 80% người dân tiếp tục ủng hộ chương trình tị nạn của chính phủ Úc. Tuy nhiên vẫn có 34% cho rằng số lượng người được phép nhập cư vào Úc đang ở mức “quá cao”, đây là tỉ lệ thấp nhất được ghi nhận theo khảo sát của Scanlon.

Đối với người tị nạn từ Syria, 58% ủng hộ kế hoạch của chính phủ cho phép họ định cư tại Úc, và 34% không đồng tình.

Riêng về việc thuyền nhân tìm cách đến định cư Úc nhận sự phản đối gắt gao: 42% “hoàn toàn không đồng ý” và thêm 20% cũng không ủng hộ.

Chỉ có 25% người tin rằng thuyền nhân đến Úc nên được định cư tại nước này.

Đối với những người đã và đang định cư tại Úc, cuộc khảo sát cho thấy sự mong đợi những người nhập cư nên hòa nhập với văn hóa nước sở tại nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa các nhóm dân tộc.

Ngoài ra, có 60% người tin rằng người nhập cư nên thay đổi thái độ sống và trở nên giống người Úc hơn. Trong khi đó, 66% lại cho rằng người dân Úc nên tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa, tập quán của các dân tộc khác đang cùng sinh sống trên nước Úc.

Theo vietmagazine

5/5 - (1 vote)

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm