TikTok và Facebook nằm trong số các công ty truyền thông xã hội bị điều tra liên quan đến can thiệp của nước ngoài vào Úc

Wednesday, 19/08/2020, 22:30 PM

TikTok, Facebook, Twitter và Google đã được yêu cầu giải trình trong một cuộc điều tra của Thượng viện Úc liên quan đến sự can thiệp của nước ngoài thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Ủy ban về Can thiệp nước ngoài thông qua phương tiện truyền thông xã hội của Thượng viện Úc hiện đang rà soát việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm mục đích làm suy yếu nền dân chủ và các giá trị của Úc, bao gồm cả việc đưa thông tin sai lệch.

Nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc TikTok là đối tượng làm gia tăng lo ngại về bảo mật

Nguồn ảnh: AAP

Mối đe dọa can thiệp nước ngoài thông qua các nền tảng trực tuyến

Trước đó, trong một bản đệ trình lên cuộc điều tra của Thượng viện, Bộ Nội vụ Úc đã cảnh báo rằng tình trạng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho mục đích phổ biến và khuếch đại thông tin sai lệch đang ngày càng gia tăng.

Facebook và Twitter đã được xác định là những “kênh phát tán chủ yếu” nhưng bên cạnh đó các công ty nhỏ hơn cũng có liên quan. Trong những trường hợp xấu nhất, các nền tảng trực tuyến này có thể bị lợi dụng làm kênh phát tán các tin tức giả mạo và nội dung có tính khiêu khích đảng phái, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và gieo rắc sự bất mãn. Truyền thông xã hội cũng có thể được sử dụng bởi các tác nhân nhà nước nước ngoài để gây mất lòng tin và chia rẽ trong cộng đồng Úc.

Bộ Nội vụ Úc cho biết các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau có những cách giải quyết rất khác nhau về vấn đề sai lệch thông tin. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất bởi sự khác biệt giữa lập trường của Facebook và Twitter về các quảng cáo chính trị. Trong khi Facebook không ban hành chính sách gì để giám sát tính trung thực của các quảng cáo chính trị thì Twitter lại cấm đăng quảng cáo chính trị.

Theo bà Kimberley Kitching, Thượng nghị sĩ Đảng Lao động, một thành viên của Ủy ban, việc triển khai điều tra là hành động kịp thời. Nhiều quốc gia đang vật lộn với vấn đề này và không nên để sự can thiệp của nước ngoài đe dọa nguyên lý cơ bản của một nền dân chủ – đó là bầu cử tự do và công bằng. Bà Kitching nhấn mạnh người Úc cần được đảm bảo rằng thông tin dữ liệu của họ không bị lợi dụng cho bất kỳ phương tiện bất chính nào.

Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Kimberley Kitching

Nguồn ảnh: AAP

Đại diện của TikTok – ứng dụng trực tuyến thuộc sở hữu Trung Quốc – đã được yêu cầu xuất hiện tại phiên điều trần của Thượng viện vào ngày 21 tháng 8, các công ty khác được yêu cầu trình diện vào tháng Chín.

Theo chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc Jake Wallis, sự trấn áp đối với âm mưu và hành động can thiệp của nước ngoài trên mạng và việc đưa thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội ở Úc là tương lai không xa. Bên cạnh đó, một số cơ chế sẽ được thực thi nhằm thúc đẩy tính minh bạch trên các nền tảng trực tuyến.

Phản ứng từ các công ty liên quan

Chính phủ liên bang đang theo dõi chặt chẽ TikTok vì lo ngại nền tảng này chia sẻ dữ liệu người dùng với Trung Quốc. Tuy nhiên phía Tiktok phủ nhận cáo buộc và khẳng định dữ liệu của người dùng Úc được lưu trữ tại Mỹ và Singapore. Tiktok cho biết họ sẽ phối hợp với Ủy ban của Thượng viện và cam kết đối thoại minh bạch.

Ứng dụng này không chỉ có thể truy cập máy ảnh và micro của điện thoại mà còn có thể thu thập danh sách liên lạc và thông tin từ các ứng dụng khác, bao gồm dữ liệu vị trí.

Tổng giám đốc TikTok tại Úc, ông Lee Hunter cho rằng TikTok đang bị sử dụng như một quả bóng chính trị và bị cuốn vào giữa những căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia.

Hiện Hoa Kỳ cũng đang xem xét việc cấm TikTok, và dự kiến sẽ ra quyết định ​​trong vài tuần tới. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả nền tảng nhắn tin WeChat, khi cho rằng các ứng dụng này là một “hiểm họa đối với chủ quyền và tính toàn vẹn”.

Trong khi đó, Twitter và Google đều cho biết họ đang nỗ lực giải quyết vấn đề sai lệch thông tin và khẳng định sẽ chống lại những hành động thù địch được bảo trợ bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước nhằm lạm dụng nền tảng của họ vì mục đích thao túng và gây chia rẽ.

Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm