TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu giảm mạnh

Monday, 18/03/2024, 01:59 AM

Số lượng doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – Cục Hải quan TPHCM trong năm 2023 giảm hơn 31% so với năm 2022, chỉ còn khoảng gần 1.200 doanh nghiệp.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công- Cục Hải quan TPHCM. Ảnh: T.H

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Từng là một trong số ít doanh nghiệp dẫn đầu ngành dệt may của TPHCM, nhưng vài năm gần đây, tình hình sản xuất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Công ty CP Dệt may Gia Định gặp khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu, hoạt động cầm chừng, lâm vào cảnh nợ thuế chây ỳ. Cuối tháng 2/2024, Cục Thuế TPHCM đã có công văn đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM) áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Dệt may Gia Định, vì công ty này đang nợ thuế quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số nợ trên 97,7 tỷ đồng. Theo quyết định cưỡng chế của cơ quan Hải quan, Công ty CP Dệt may Gia Định phải tạm ngừng làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ ngày 6/3/2024.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – Cục Hải quan TPHCM trong năm 2023 giảm hơn 31% so với năm 2022, chỉ còn khoảng gần 1.200 doanh nghiệp.

Phân tích của Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công cho thấy, năm 2023, hoạt động XNK của doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, kim ngạch giảm hơn so với năm trước, nhất là nguyên liệu nhập khẩu giảm gần 15%, chỉ đạt gần 3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu giảm gần 5%, đạt trên 5,1 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch giảm do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có đơn hàng sản xuất xuất khẩu.

Theo Cục Hải quan TPHCM, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu là hạt điều, hàng may mặc, thủy hải sản, sản phẩm gỗ, hạt nhựa, túi xách, giày dép, sắt thép, nông sản, nguyên phụ liệu may, nguyên phụ liệu giày dép… Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch lớn là: hạt điều, thủy hải sản, hàng may mặc, hàng nguyên phụ liệu ngành may, giày dép.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công đã triển khai nhiều giải pháp duy trì thông suốt cho hoạt động XNK trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn. Đồng thời, chủ động tiếp nhận vướng mắc của doanh nghiệp qua các kênh: điện thoại, email và xử lý kịp thời cho doanh nghiệp hoặc báo cáo, tham mưu cấp trên với những vướng mắc vượt thẩm quyền để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.

Kiến nghị gỡ vướng về nguyên liệu

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu mặt hàng nông sản, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xử lý nguyên liệu nhập khẩu khi thị trường xuất khẩu có những biến động. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập hạt điều nguyên liệu về làm hàng sản xuất xuất khẩu

Không thể làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa được do vướng quy định quản lý chuyên ngành theo công văn số 906/BVTV-ATTPMT ngày 5/4/2018 của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ngành hàng nông sản (mặt hàng điều) gặp khó khăn khi không được chuyển mục đích sử dụng đối với nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu có xuất xứ từ một số nước châu Phi. Theo quy định, để có thể mở tờ khai hải quan theo loại hình chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, các nước châu Phi mà doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu không nằm trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức, cá nhân được xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam theo Công văn số 906/BVTV-ATTPMT, nên cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm không tiếp nhận kiểm tra đối với các trường hợp này.

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu điều từ các quốc gia châu Phi rất lớn. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp này có thị trường xuất khẩu ổn định, nếu không thì vẫn có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, do tình hình khó khăn chung trên thế giới, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm. Mặt khác, mặt hàng điều nếu để lâu sẽ kém chất lượng và không sử dụng được, doanh nghiệp lại không chuyển tiêu thụ nội địa được do không được kiểm tra an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện hành vi tự ý tiêu thụ vào thị trường trong nước để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, giảm thiểu thiệt hại. Các trường hợp doanh nghiệp sai phạm do Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn rơi vào các trường hợp vi phạm trong việc tự ý xử lý nguyên liệu nhập khẩu.

Từ thực tế trên, cũng như từ kiến nghị của doanh nghiệp, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công kiến nghị cơ quan chuyên ngành cho doanh nghiệp đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm khi doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đối với mặt hàng điều xuất xứ châu Phi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh dẫn đến các hành vi vi phạm xảy ra do doanh nghiệp lâm vào đường cùng.

Nguồn: Báo Hải Quan

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm