Trung Quốc không còn là ‘phao cứu sinh’ cho ngành sản xuất rượu vang toàn cầu

Saturday, 06/04/2024, 23:38 PM

Ngành công nghiệp rượu vang của Australia vui mừng đón tin Trung Quốc sẽ gỡ bỏ thuế chống bán phá giá, mở cửa trở lại thị trường cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn năm 2024 khó có thể mang lại mức tăng trưởng mạnh mà các nhà sản xuất rượu mong đợi.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp rượu vang toàn cầu khi hàng trăm triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu của nước này bắt đầu ưa chuộng các loại rượu vang đến từ Australia, Chile, Italy và Pháp.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành ngành rượu vang tại Trung Quốc cho biết, thị trường và tiêu thụ nội địa vẫn đang vật lộn để phục hồi sau giai đoạn thoái trào bắt đầu trước đại dịch Covid-19 và kéo dài do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Thị trường sụt giảm

Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế rượu tại Đại học Adelaide Kym Anderson cho biết: “Thị trường đã sụt giảm đáng kể về sự quan tâm của người tiêu dùng với rượu vang và không có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Ông Kym nói thêm “mức tiêu thụ rõ ràng” của rượu vang tại Trung Quốc vào năm 2023 (bao gồm nhập khẩu và sản xuất trong nước) chỉ bằng 1/4 mức đỉnh điểm vào năm 2017, với khối lượng nhập khẩu hàng năm giảm 2/3 trong giai đoạn đó.

Bà Judy Chan, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất rượu vang hàng đầu trong nước Grace Vineyards, cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đổ xô vào thị trường Trung Quốc, cung cấp nhiều loại đồ uống có cồn khác ngoài rượu vang.

Công ty sản xuất rượu vang Grace được thành lập hơn 25 năm trước ở tỉnh Sơn Tây phía Bắc bắt đầu sản xuất rượu gin để đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Trung Quốc là thị trường rượu lớn nhất thế giới có trị giá 336 tỷ USD, với rượu trắng truyền thống chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, nỗ lực giành lấy thị phần lớn hơn của các loại đồ uống ngoại gặp khó khăn do nhu cầu của người tiêu dùng giảm hậu Covid-19.

Mặc dù chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng 1,5% trong tháng 1 nhưng vẫn ở gần mức thấp lịch sử do kinh tế Trung Quốc suy thoái, thị trường bất động sản trì trệ và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao làm giảm chi tiêu tùy ý.

Bà Yan Yu, người bán rượu trực tiếp thông qua ứng dụng mạng xã hội WeChat, cho biết khách hàng trở nên nhạy cảm hơn về giá cả kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện mức giá phổ biến nhất cho các loại rượu của bà là dưới 200 Nhân dân tệ (khoảng 28 USD).

Cơ hội cho Australia, thách thức cho quốc gia khác

Tuy nhiên, theo bà Judy Chan, thị trường cao cấp vẫn duy trì sức mua tốt bởi khách hàng sẵn sàng chi tiền cho các loại rượu vang chất lượng cao. Đề cập thương hiệu nổi tiếng nhất của nhà sản xuất rượu vang hàng đầu Australia Treasure Wine Estates (TWE) quay trở lại Trung Quốc, bà khẳng định: “Tôi nghĩ Penfolds của TWE sẽ kinh doanh tốt. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho một thương hiệu rượu vang uy tín như vậy”.

Cũng với niềm tin tương tự, TWE tiếp tục đặt cược vào thị trường Trung Quốc qua việc duy trì đầu tư và sản xuất rượu vang tại Trung Quốc, mặc cho mức thuế phạt lên đến 218% đã xóa sổ hoàn toàn hoạt động xuất khẩu rượu vang sang thị trường này.

Trong khi các sản phẩm đặc biệt như rượu Penfolds có thể thu về nhiều lợi nhuận, việc tái nhập rượu vang vào Trung Quốc là thách thức đối với nhiều nhà sản xuất khác vốn đang phải vật lộn với tình trạng dư cung nghiêm trọng.

Sự trở lại của vang Australia sẽ thu hẹp thị phần mặt hàng này của các quốc gia như Pháp, Chile và Italy. Năm 2023, ba nước trên đã tận dụng sự vắng mặt của Australia để dẫn đầu thị trường nhập khẩu trị giá 1,6 tỷ USD của Trung Quốc, với tỷ trọng lần lượt là 48,24%, 19,31% và 10,1%.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do năm 2015 giữa Australia và Trung Quốc giúp loại bỏ thuế quan đối với các lô hàng rượu vang của Australia, mang lại cho nước này lợi thế thuế quan 14% so với nhiều quốc gia khác.

Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh năng lực xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc sẽ cần có thời gian. Với thị trường tổng thể đang thu hẹp như Trung Quốc, lượng nhập khẩu khó có thể nhanh chóng đạt được con số 790 triệu USD như thời kỳ trước đại dịch năm 2019.

Ông Kym Anderson nhận định, thị trường rượu vang Trung Quốc vẫn còn cơ hội tăng trưởng vì mức tiêu thụ rượu hàng năm của người trưởng thành chỉ ở mức dưới nửa lít và rượu vang chỉ chiếm chưa đến 1,5% tổng lượng tiêu thụ rượu ở Trung Quốc hiện nay.

Ông Kym cho biết: “Xét về mức tăng trưởng thu nhập và những gì chúng tôi đã thấy ở nhiều quốc gia và nền văn hóa khác, không có lý do gì khiến chúng tôi không mong đợi mức tiêu thụ rượu vang tiếp tục tăng trưởng ở Trung Quốc”.

Nguồn: Reuters

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm