TS Ngô Công Thành: Chính phủ cần thành lập sớm Khu công nghiệp Việt Nam – Australia để đón ‘đại bàng’

Thursday, 07/03/2024, 19:45 PM

Australia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, sự hợp tác này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa xuất khẩu song phương ngày càng nâng cao về cả giá trị lẫn kim ngạch.

Australia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: MH)

Sau hơn 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia, sự hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực có thế mạnh.

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, TS Ngô Công Thành, Ủy viên ban BCH lâm thời Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC)khẳng định: Sau 5 thập kỷ, mối quan hệ Việt Nam – Australia đã có những bước phát triển hết sức tốt đẹp.

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam – Australia?

Tôi cho rằng, sau 5 thập kỷ, mối quan hệ Việt Nam – Australia đã có những bước phát triển hết sức tốt đẹp. Từ những gói viện trợ nhân đạo đầu tiên vào những năm 1973-1979, trải qua thời kỳ “băng giá” 1979-1989, kinh tế – thương mại là lĩnh vực khởi sắc đầu tiên trong quan hệ giữa hai nước.

Hiện nay, Việt Nam và Australia cùng tham gia vào ba Hiệp định thương mại tự do khu vực (FTA) quan trọng là AANZFTA, CPTPP và RCEP. Các FTA đã góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Australia phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đồng thời mở ra quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như: lao động, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…

Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập năm 2018, Chính phủ hai nước đã xây dựng và công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia (EEES) làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của hai nước trong giai đoạn 2021-2025.

EEES được kỳ vọng sẽ là động lực mới để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế rất lớn giữa hai nước, với mục tiêu trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Trong thời gian tới, Australia cũng sẽ thành lập Viện Chính sách Australia – Việt Nam để cung cấp nền tảng cho các trường đại học, nhóm nghiên cứu chiến lược và doanh nghiệp nhằm chia sẻ nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về Việt Nam.

Về nông, lâm nghiệp, thủy sản, bản chiến lược đề xuất Việt Nam ưu tiên đàm phán tiếp cận thị trường cho đào, mận, mật ong, thịt kangaroo và hươu của Australia.

Ngược lại, Australia cũng ưu tiên đàm phán tiếp cận thị trường đối với chanh leo tươi, chôm chôm, vú sữa và tôm nguyên con của Việt Nam.

Được biết, Australia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, sự hợp tác này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa xuất khẩu song phương ngày càng nâng cao về cả giá trị lẫn kim ngạch. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?

Đúng là trong vài năm gần đây, thương mại song phương Việt Nam và Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010 – 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc tăng trung bình 12%/năm.

Trong tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Úc đạt 1,3 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Úc đạt 521,9 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 729,2 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Úc có giá trị 207,4 triệu USD, tăng 135,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Các sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang Australia tương đối đa dạng, trong đó tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thủy hải sản…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mì, kim loại, rau quả…

Nguyên nhân chính thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2020, đó là nhờ vào việc Australia xóa bỏ hết thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam kể từ năm 2020, theo cam kết tại Hiệp định AANZFTA và tác động của Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh thương mại, nhiều “đại bàng” lớn của Australia cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới thời điểm cuối tháng 2/2024, hiện các doanh nghiệp Úc đã đầu tư vào Việt Nam 631 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,037 tỷ USD.

Đầu tư của doanh nghiệp Úc tập trung vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông – lâm nghiệp và thủy sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô…

Vậy, ông có kiến nghị gì để sự hợp tác giữa 2 quốc gia phát triển hơn nữa trong tương lai về cả thương mại lẫn đầu tư?

Về thương mại, có nhiều cơ sở đảm bảo cho mục tiêu Việt Nam chiếm lĩnh một vị trí trong tốp 10 đối tác thương mại hàng đầu của Australia cũng như Australia giữ vững vị trí trong tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Vấn đề cần giải quyết là phải tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia một cách ổn định và bền vững. Để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới của hai nước đã được nêu rõ trong Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo về các FTA cho doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và tận dụng các cơ hội tạo ra từ các FTA trong quan hệ thương mại Việt Nam – Australia.

Đặc biệt, chúng ta cần phát triển các dịch vụ về tư vấn pháp lý và tư vấn kỹ thuật chuyên sâu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quản lý, cải tiến cơ cấu sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về đầu tư, mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều (từ 2,5 tỷ USD hiện nay lên 5 tỷ USD) rất khó đạt được trong vòng 5 năm. Nó đòi hỏi nỗ lực của cả hai Chính phủ và của các doanh nghiệp.

Trước mắt, cần thực hiện các giải pháp sau như đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và phổ biến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tới các doanh nghiệp Australia. Thông qua quan hệ giữa lãnh đạo hai nước để tiếp cận các tập đoàn lớn của Australia và xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư, đặc biệt là các thủ tục về đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng.

Nhằm hỗ trợ cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Chính phủ cũng cần xem xét thành lập sớm Khu công nghiệp Việt Nam – Australia để sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam. Chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần ban hành Danh mục ngành nghề khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Australia được nhà nước hỗ trợ tín dụng và cân đối ngoại tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Australia.

Thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ đầu tư song phương để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư của hai nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn: Công Luận

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm