Úc: Đề xuất triển khai thị thực mới – thị thực “chuyển giao nội bộ công ty”

Tuesday, 15/09/2020, 14:01 PM

Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc cho rằng nên nước Úc nên tận dụng khoảng thời gian mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng các quy định hạn chế di cư chặt chẽ để thúc đẩy lượng di cư tạm thời đến Úc và coi đây là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch của quốc gia này.

Trong một nghiên cứu vừa công bố hồi đầu tuần, Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc (CEDA), đã đề nghị Chính phủ liên bang giới thiệu một loại thị thực mới có tên là thị thực “chuyển giao nội bộ công ty” để hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia mở rộng hoạt động sang Úc.

Khuyến khích lao động nhập cư tạm thời tay nghề cao là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi nước Úc hậu COVID-19
Nguồn ảnh: AAP

Báo cáo cũng cho thấy thành công của Úc trong việc kiểm soát COVID-19 đã khiến quốc gia này trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế và những người di cư có tay nghề cao, nhưng các vấn đề về hệ thống cần được khắc phục trong vài tháng tới để gặt hái được đầy đủ lợi ích.

Chuyên gia kinh tế Jarrod Ball của CEDA nhận định, nước Úc nên tận dụng giai đoạn này để cải thiện hệ thống di trú liên quan đến thu hút lao động tay nghề cao nhằm đảm bảo rằng khi biên giới mở cửa trở lại, Úc sẽ là điểm đến tốt nhất và sáng nhất để người di cư lựa chọn. Ông Ball cho rằng, sau COVID-19 nhiều quốc gia có thể sẽ áp đặt các quy định hạn chế nhập cư lâu dài, Úc không nên theo đuổi các chính sách như vậy mà thậm chí phải coi việc thúc đẩy di cư như một phần của sự phục hồi kinh tế quốc gia.

Trước khi xảy ra đại dịch, Thượng viện Úc cũng đã khởi xướng cuộc điều tra về vấn đề di cư tạm thời, khi nhận được các bản đệ trình cho rằng di cư là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi nước Úc.

Tỷ lệ di cư ròng của Úc dự kiến ​​sẽ giảm 85% trong năm tài chính 2020-2021 và được dự báo sẽ làm thu nhập quốc dân bị thiệt hại 50 tỷ đô-la trong năm nay và năm tới.

Tuần trước, Chính phủ đã công bố danh sách mới về các tay nghề được ưu tiên để thu hút những lao động trong các lĩnh vực cụ thể đến với nước Úc, bao gồm y tá, bác sĩ, quản lý xây dựng và kỹ sư phần mềm. Những người nằm trong 17 hạng mục được chỉ định sẽ được ưu tiên miễn trừ lệnh cấm di chuyển, điều này cho phép họ nhập cảnh vào Úc, nhưng vẫn phải hoàn thành quá trình cách ly có giám sát 14 ngày và tự chi trả chi phí cách ly.

Báo cáo của CEDA cũng kêu gọi các chương trình phúc lợi JobKeeper và JobSeeker mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với những người di cư tạm thời, nhiều người không có việc làm và không thể trở về nhà do biên giới đóng cửa.

Theo báo cáo, khi đại dịch khởi phát vào tháng 3, có hơn 2,17 triệu người nhập cư theo thị thực tạm thời sống ở Úc. Sự hỗ trợ của chính phủ đối với nhóm này là không đủ, so với các nước khác như New Zealand, Canada và Vương quốc Anh – nơi mà các chương trình trợ cấp thu nhập đều đã được mở rộng cho những người nhập cư tạm thời. CEDA nhấn mạnh: “nước Úc nên làm điều tương tự ngay lập tức”.

Đã có nhiều tổ chức và cộng đồng lên tiếng kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho những người nhập cư tạm thời khi mà nhiều người trong số họ đã bất đắc dĩ rơi vào tình cảnh thất nghiệp và vô gia cư do hậu quả của các lệnh phong tỏa.

Một cuộc khảo sát với hơn 5.000 người di cư tạm thời do Hiệp đoàn NSW thực hiện, được công bố vào tháng trước, cho thấy 65% ​​đã mất việc làm do hậu quả trực tiếp của COVID-19, và 43% phải thường xuyên bỏ bữa.

Ủy ban về Di cư Tạm thời sẽ công bố báo cáo kết quả điều tra tổng thể vào tháng 12 năm nay.

(Thu Hà)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm