Úc giảm 85% số người nhập cư- COVID-19 có phải là nguyên nhân thực sự?

Friday, 08/05/2020, 13:18 PM

Sau cuộc họp nội các đầu tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison đã tiết lộ luồng di cư ròng vào Úc có thể giảm tới 85%. Sự suy giảm này đã bắt đầu diễn ra và được giải thích là hệ quả của đại dịch Corona. Tuy nhiên, liệu cuộc khủng hoảng COVID-19 có thực sự là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dân số này?

Sự sụt giảm nghiêm trọng trong luồng di cư ngoại quốc

Chính phủ liên bang dự báo số lượng di cư ròng từ nước ngoài tới Úc trong năm tài chính 2019-2020 sẽ giảm khoảng 30% và trong năm 2020-2021 sẽ giảm khoảng 85% so với mức của năm 2018-2019. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Úc (ABS), trong năm trước, dân số Úc đã tăng thêm 239.600 từ luồng di cư ròng từ nước ngoài. Chỉ số này được tính bằng số người nhập cư vào Úc và lưu trú lại trên 12 tháng trừ đi số người rời khỏi Úc trong cùng thời gian. Với việc đóng cửa biên giới quốc tế có thế còn duy trì trong ít nhất ba đến bốn tháng nữa, dự báo lượng ​​di cư ròng sẽ giảm xuống chỉ còn 36.000 trong năm 2020-2021 – con số thấp nhất trong lịch sử hơn 40 năm qua.

Thủ tướng Morrison nhận định đây là mức sụt giảm rất đáng kể và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tổng sản phẩm quốc nội cũng như tăng trưởng của Úc trong tương lai.

Thủ tướng Scott Morrison trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội

Nguồn ảnh: AAP

Đâu là nguyên nhân thực sự?

Gần 300.000 người có thị thực tạm thời đã rời khỏi Úc kể từ đầu năm, chủ yếu là sinh viên quốc tế. Dự báo nước Úc sẽ còn bỏ lỡ khoảng 240.000 người di cư tiềm năng khác vào cuối năm nay. Mặc dù ông Morrison khẳng định những quy định hạn chế di chuyển và các lệnh đóng cửa nhằm ngăn chặn COVID-19 đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng di cư, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chính các chính sách của Chính phủ.

Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, tổ hợp luật sư đa quốc gia Viozi legal-Nguyen Do Lawyers, không thể lấy lý do đại dịch để biện minh cho sự sụt giảm lượng dân nhập cư. Đa phần người được cấp thường trú nhân hàng năm là những sinh viên quốc tế, những lao động tạm thời đang học tập và làm việc trên đất nước này. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ Úc không có nhiều hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng này, cộng với việc phát hành thư mời nhỏ giọt dành cho các dòng visa tay nghề độc lập 189  mới là lý do chủ yếu dẫn đến thực trạng nói trên. Thống kê cho thấy trong tháng 4, Chính phủ liên bang chỉ phát  hành 50 thư mời so với  con số 1.750 thư mời vào tháng Ba. Do vậy, lý do nằm chính ở chủ trương của Chính phủ.

Chuyên gia nhân khẩu học của Đại học Quốc gia Úc, Tiến sĩ Liz Allen, cho biết nếu những người di cư tạm thời không được đáp ứng một cách tương xứng với những đóng góp của họ, họ có thể chọn tới các quốc gia khác. Dĩ nhiên khi nguồn lực eo hẹp hơn, sẽ có những đối tượng được ưu tiên hơn và có thể xảy ra nhiều xung đột lợi ích, nhưng ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh, vẫn có một số lượng đáng kể những người di cư tạm thời không được hỗ trợ hoặc chăm sóc. Nạn phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á tại Úc đang gia tăng, họ bị đánh đập, phá hoại tài sản, bị miệt thị và ngược đãi. Tình trạng bài ngoại này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi virus Corona xuất hiện. Tiến sĩ Allen lo ngại điều này sẽ biến Úc thành một điểm đến không an toàn với người di cư.

Trong khi những hỗ trợ xứng đáng vẫn chưa được triển khai thì gần đây nhất, một vụ để lộ thông tin đặc biệt nghiêm trọng của hơn 774.000 người di cư và người có nguyện vọng di cư tới Úc qua ứng dụng chính thức Skill SkillSelect của Chính phủ đã khiến cộng đồng vô cùng bất an. Chương trình SkillSelect, do Bộ Lao động Úc làm cơ quan chủ quản, đã để lộ lỗ hổng lớn khi chỉ bằng cách áp dụng cùng lúc nhiều bộ lọc trên nền tảng trực tuyến này, người dùng có thể tìm ra thông tin chi tiết của người nộp đơn, như quốc tịch, tuổi, trình độ chuyên môn, tình trạng hôn nhân và kết quả thị thực. Vụ rò rỉ cơ sở dữ liệu này hiện được đề xuất giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Lao động phối hợp điều tra.

Người nhập cư là bộ phận đóng góp giá trị lớn cho nền kinh tế Úc, riêng thị trường giáo dục quốc tế đã mang lại khoảng 39 tỷ đô-la mỗi năm, biến giáo dục thành lĩnh vực lớn thứ tư của nước Úc. Lượng di cư ròng từ nước ngoài giảm không chỉ tác động tiêu cực tới quy mô nền kinh tế mà còn khiến nỗ lực phục hồi sau khủng hoảng của Úc càng trở nên khó khăn hơn và ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng ngân sách liên bang.

Thu Hà (tổng hợp)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm