Lao động trẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế

Monday, 03/08/2020, 10:54 AM

Tuần vừa qua, Ủy ban Năng suất Úc đã công bố hai báo cáo về thị trường lao động của quốc gia này. Theo đó, lao động trẻ được đánh giá là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những cuộc suy thoái kinh tế.

Báo cáo đầu tiên của Ủy ban Năng suất đề cập đến thực trạng yếu thế của thanh niên trong thị trường lao động khi họ tiến lên chậm chạp hơn trên nấc thang nghề nghiệp. Báo cáo thứ hai giải thích tại sao thu nhập của những lao động trẻ này bị sụt giảm.

Từ việc phân tích dữ liệu Cuộc khảo sát về Hộ gia đình, Thu nhập và Động lực của người lao động tại Úc (HILDA) do Viện Melbourne thực hiện, Ủy ban đã cho thấy, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thu nhập thực tế trung bình của những người lao động dưới 25 tuổi đã giảm 14%, mức giảm này là 7% đối với những người ở độ tuổi 25-34. Ngược lại, thu nhập lại tăng mạnh đối với những người trên 35 tuổi.

Tăng trưởng tích lũy thu nhập thực tế trung bình của Úc từ năm 2001

Nguồn ảnh: Ủy ban Năng suất Úc

Nguyên nhân của thực trạng này là do số lượng việc làm giàm xuống trong khi lương thì không tăng.

Theo các báo cáo, trong thập kỷ qua, đã có sự sụt giảm về số giờ lao động đối với những người trong độ tuổi 15-34, nhưng không có sự thay đổi nào về số giờ lao động của những người ở độ tuổi 35-54 và số giờ lao động của những người trên 55 tuổi thì gia tăng. Rõ ràng, những người được làm việc ít hơn thì thu nhập của họ cũng sẽ thấp hơn.

Ủy ban Năng suất cũng lưu ý có sự khác biệt về tăng trưởng tiền lương của lao động phân theo độ tuổi. Với những người trong độ tuổi 20-34, tăng trưởng tiền lương là không đáng kể, trong khi đó mức lương đã tăng dần khoảng 1,4%/ năm đối với những người trong độ tuổi 35-64.

Triển vọng nghề nghiệp của những lao động trẻ cũng không mấy khả quan. Báo cáo cho thấy, từ năm 2008 đến 2018, những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn hơn để tìm được công việc trong lĩnh vực chuyên môn họ mong muốn. Và nếu họ khởi đầu từ một lĩnh vực nghề nghiệp kém hấp dẫn, thì để tiến dần lên trên các nấc thang nghề nghiệp thậm chí còn gian nan hơn so với thời điểm trước năm 2008.

Trình độ học vấn cũng không phải chìa khóa để giải quyết vấn đề. Ủy ban Năng suất kết luận, vào năm 2018, những người trẻ trong độ tuổi 25-34 có bằng cử nhân về cơ bản có cuộc sống tồi tệ hơn so với năm 2001. Nguyên nhân là do có ngày càng nhiều người theo học đại học nên sự cạnh tranh đối với các công việc cao cấp, được trả lương cao cũng trở nên gay gắt hơn so với trước đây. Cuối cùng, nhiều người phải lựa chọn những công việc cấp thấp hơn, và vấn đề là họ vẫn đang mắc kẹt lại ở đó.

Hiện chỉ có 36% thanh niên Úc trong độ tuổi 20 có việc làm toàn thời gian

Nguồn ảnh: William West / AFP

Các báo cáo cho thấy, những người trẻ tuổi tìm kiếm việc làm sau năm 2010 phải chấp nhận các công việc cấp thấp hơn vì nền kinh tế còn yếu do khủng hoảng. Và thực tế là có rất ít dấu hiệu cho thấy họ có thể chuyển sang một công việc khác tốt hơn trong những năm tiếp theo. Chủ sử dụng lao động không thực sự quan tâm tới thực tế rằng các công việc đòi hỏi tay nghề thấp và được trả mức lương thấp hiện lại đang được thực hiện bởi nhiều lao động trẻ đầy triển vọng. Kết quả là các chủ sử dụng lao động cũng không có sự điều chỉnh cần thiết nào để chuẩn bị cho những nhân viên kém may mắn này một cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Nghiên cứu của Ủy ban Năng suất sử dụng các dữ liệu trước khi có sự bùng phát của Covid-19 nhưng nhấn mạnh rằng nó đang cảnh báo về các khả năng tồi tệ sẽ xảy ra trong tương lai. Báo cáo lưu ý, gần đây, nhiều người trẻ tuổi đã lâm vào tình trạng thất nghiệp và nguy cơ phải đối mặt với cơ hội việc làm giảm do suy thoái kinh tế là hiện hữu. Hệ quả này có thể tồn tại trong một thời gian dài.

 

Thu Hà (Tổng hợp)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm