Bắc Úc mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh như nông nghiệp, giáo dục đào tạo nghề, logistics, phát triển dự án năng lượng mặt trời,…
“Hiện nay, rất nhiều cơ quan, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương Úc muốn tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam, đặc biệt là Bắc Úc”, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin tại Hội thảo “Hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc”, tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội.
Số liệu cho thấy kim ngạch thương mại năm 2023 giữa Việt Nam và Úc đã vượt mức 15,7 tỷ USD, đồng thời hướng tới mốc 20 tỷ USD thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập sáng kiến doanh nghiệp tiên phong, phối hợp Bộ thương mại Úc chọn ra doanh nghiệp tiên phong trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước (gồm 10 doanh nghiệp Việt và 10 doanh nghiệp Úc).
Riêng với khu vực Bắc Úc, dù không nổi tiếng như Sydney, Melbourne nhưng theo các chuyên gia tại hội thảo, nếu nói về vị trí địa lý chiến lược, thủ phủ Darwin của Bắc Úc mới là cửa ngõ gần nhất để kết nối châu Á với phần còn lại của châu Úc. Khu vực Bắc Úc có đất đai rộng hơn 1 triệu km2 và nhiều lợi thế về nông nghiệp, khoáng sản, du lịch trong khi dân số chưa đến 250.000 người. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam và Bắc Úc có thể đẩy mạnh đầu tư, thương mại trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc, doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Úc, đánh giá quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Úc chưa xứng với tiềm năng vốn có. Trong bối cảnh hai nước nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện, doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế khác biệt giữa hai nước để xây dựng chiến lược đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động vào Bắc Úc.
“Bắc Úc là bang có diện tích lớn thứ 3 và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Australia với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN. Nơi đây có rất nhiều tiềm năng phát triển, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được 2 phía đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm”, ông Mỹ chia sẻ.
Ông đề xuất để khai thác tốt tiềm năng khu vực Bắc Úc, doanh nghiệp Việt có thể ưu tiên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà chính quyền địa phương quan tâm, như: Giáo dục và đào tạo nghề, vật liệu xây dựng, năng lượng, du lịch, nông nghiệp,…Ví dụ trong mảng nông nghiệp, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc để hợp tác đầu tư lò mổ và xẻ khối cấp đông nhập khẩu về Việt Nam, sau đó gia công chế biến và tiêu thụ tại Việt Nam và các nước lân cận.
Từ góc độ Bắc Úc, ông Jason Hanna, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc nhận định các doanh nghiệp ngoại còn nhiều cơ hội đầu tư sang Bắc Úc, đặc biệt là trong nông nghiệp. Ông Jason Hanna bày tỏ tin tưởng rằng cơ hội hợp tác về nông nghiệp, chế biến xuất khẩu của Việt Nam – Bắc Úc còn rất lớn.
“Tôi được biết Việt Nam rất thích thịt bò Úc, còn chúng tôi lại rất thích phở bò Việt Nam – đó cũng là một cơ hội lớn. Chúng ta còn nhiều cách thức khác để mở cơ hội hợp tác giữa Việt Nam – Bắc Úc”, ông Jason Hanna đánh giá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang khu vực Bắc Úc. Việc thiếu đường bay thẳng, đường vận tải thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc mà phải vòng xuống khu vực Melbourne, Sydney rồi vòng ngược lại Bắc Úc khiến quá trình vận chuyển, trao đổi kinh tế thương mại và giáo dục khó khăn. Ngoài ra, lãnh đạo chính quyền Bắc Úc coi trọng Việt Nam nhưng doanh nghiệp 2 bên chưa biết nhiều về nhau. Thời gian vừa qua, phía Úc cũng siết chặt chính sách visa với du học sinh, khách du lịch, người lao động nước ngoài.
Để thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa 2 bên, ông Jason Hanna mong muốn sẽ sớm có chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc. Trong khi đó bà Nguyễn Thanh Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Úc nói rằng doanh nghiệp của hai nước cần tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu thường xuyên hơn nữa.
“Có một tin vui đó là, khi bà con sang đến Úc làm ăn cơ hội thành công rất lớn, đóng góp thuế cho Chính phủ Úc rất lớn, do đó họ rất trân trọng. Ở Bắc Úc, sinh viên Việt Nam có thể xin được visa, quốc tịch rất tốt hoặc những người đầu tư kinh doanh ở Bắc Úc thường thành công cao hơn là thất bại”, bà Hà tiết lộ.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua, với kim ngạch thương mại tăng gấp đôi, đạt mức 13,8 tỷ USD trong năm 2023.
Đến nay, Australia đã có 631 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,04 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Australia 94 dự án với tổng vốn đăng ký 584 triệu USD trong các lĩnh vực như nông nghiệp, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo.
Nguồn: Báo Đầu Tư
Leave your comment