Chủ doanh nghiệp có thể bị phạt tù vì tội bóc lột lao động nhập cư

Tuesday, 16/04/2019, 15:28 PM

Theo một kế hoạch của Chính phủ nhằm giải quyết các vụ bóc lột người lao động nghiêm trọng và quỵt lương, những chủ doanh nghiệp trả lương thấp dưới mức quy định cho công nhân có thể phải đối mặt với án tù.

Liên đảng về cơ bản đã chấp thuận 22 khuyến nghị được đề xuất trong báo cáo do Lực lượng đặc nhiệm của lao động nhập cư tại Úc công bố vào tuần trước. Theo báo cáo này, có tới một nửa trong số gần 880.000 lao động nhập cư ở Úc có thể bị trả lương thấp dưới mức quy định. Lực lượng đặc nhiệm do cựu chủ nhiệm Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc ông Allan Fels sáng lập vào tháng 10 năm 2016 khi một loạt các vụ trả lương thấp ở chuỗi cửa hàng 7-Eleven và nhiều doanh nghiệp lớn khác của Úc bị phát giác.

Bộ trưởng Quan hệ Công nghiệp, bà Kelly O’Dwyer cho biết đây lần đầu tiên chính phủ chấp thuận ban hành các chế tài phạt hình sự đối với hành vi bóc lột lao động. Ngoài ra, Lực lượng đặc nhiệm cũng đề xuất Chính phủ liên bang phải trao cho Tòa án quyền cụ thể để có thể ban hành lệnh áp chế tăng thêm, trong đó có lệnh công khai danh sách vi phạm, hoặc các lệnh cấm đối với chủ doanh nghiệp trả lương thấp dưới quy định cho lao động nhập cư. Theo báo cáo của Lực lượng này, vấn đề bóc lột công nhân, đặc biệt là dân nhập cư tạm thời, đang diễn ra rộng khắp và đã trở thành một vấn nạn theo thời gian.

Bà O’Dwyer khẳng định Chính phủ sẽ không khoan dung trước những hành vi cố ý vi phạm và lặp đi lặp lại. “Bóc lột tiền lương của dân nhập cư tạm thời là việc làm đi ngược lại những giá trị về công bằng trên đất nước chúng ta. Đây là việc làm bất hợp pháp, gây tổn hại không chỉ cho người lao động mà còn ảnh hưởng xấu tới cả các doanh nghiệp đang tuân thủ đúng quy định, đồng thời hạ thấp uy tín quốc tế của nước Úc”.

Bộ trưởng cũng cho biết chỉ những trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu án hình sự, chứ không phải áp dụng cho những trường hợp người sử dụng lao động vô tình hay không cố ý vi phạm quy định. Theo Luật Lao động hiện hành của Úc, các hành vi vi phạm chỉ bị phạt theo án dân sự.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Chính phủ đang vấp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp lớn. Tập đoàn Công nghiệp Úc cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới có thể gây cản trở hoạt động đầu tư, khởi nghiệp và hạ thấp mức tăng trưởng việc làm. Theo giám đốc điều hành của Tập đoàn này, ông Innes Willox, những vụ vi phạm luật công nghiệp gần đây đã tăng lên tới 20 lần và việc áp dụng những chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm này là hình thức răn đe hiệu quả hơn vì nếu quy thành án hình sự thì vấn đề tài chính cho công nhân sẽ không được giải quyết ngay và các yêu cầu bồi thường dân sự sẽ bị treo cho đến khi tòa án quyết định đó là vấn đề hình sự. Điều này có nghĩa là những người lao động bị trả lương thấp có thể phải đợi hàng năm trời để được bồi thường.

Ngoài đề xuất áp dụng chế tài hình sự gắt gao, Lực lượng đặc nhiệm cũng kiến nghị xây dựng một cơ chế đăng ký quốc gia nhằm theo dõi hoạt động của các hãng dịch vụ cung cấp lao động. Cơ chế này sẽ cho phép hủy đăng ký kinh doanh của các hãng cho thuê lao động có hành vi vi phạm luật pháp và sẽ đặc biệt hữu ích đối với các ngành nghề có rủi ro cao, trong đó có nghề làm vườn, chế biến thịt, dọn dẹp và an ninh.

Tuy nhiên, theo ông Willox, đề xuất này sẽ chỉ có hiệu quả nếu hủy bỏ các cơ chế riêng theo tiểu bang ở Queensland, Victoria và Nam Úc. Ông cho rằng một chương trình cấp phép quy mô quốc gia sẽ chỉ gây ra khoản chi phí thậm chí còn vô lý hơn và tạo gánh nặng pháp lý nặng nề hơn đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ cung cấp lao động và các khách hàng của họ.

Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Thương mại Úc, bà Michele O’Neil, cũng lên tiếng chỉ trích đề xuất này là thiếu hiệu quả và chỉ là cách đẩy trách nhiệm cho người lao động trong việc chứng minh tại sao chủ doanh nghiệp nên ngừng bóc lột họ. Bà khẳng định “bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm xử lý các nhà dịch vụ cho thuê lao động vi phạm quy định đều phải đảm bảo rằng các công ty này chưa từng vi phạm cắt xén tiền lương trong bất kỳ ngành nghề nào với bất kỳ người lao động nào làm việc tại Úc”.

Bên cạnh các đề xuất còn gây nhiều tranh cãi ở trên, báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm của lao động nhập cư còn kiến nghị một loạt các thay đổi, chẳng hạn như trao thêm quyền lực, hỗ trợ tài chính và công cụ thực hiện chức năng cho Fair Work Ombudsman (cơ quan hoạt động độc lập của Chính phủ Úc, chuyên tư vấn và cung cấp thông tin miễn phí về môi trường lao động quốc gia, đồng thời tổ chức các cuộc điều tra đối với những khiếu nại tại nơi làm việc và giám sát việc tuân thủ luật pháp tại nơi làm việc); để xuất Chính phủ thiết lập một cơ chế toàn diện để thúc đẩy công việc của Lực lượng đặc nhiệm, chú trọng hơn vào công tác giáo dục cho người sử dụng lao động và người lao động, và xem xét lại quy trình khiếu nại trong Luật Lao động 2009.

Nguồn tin: Tổng hợp

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm