Đáng báo động: 60% du học sinh tại Úc bị mất việc làm, gần 50% thường xuyên thiếu ăn

Monday, 07/09/2020, 10:52 AM

Một cuộc khảo sát những người có thị thực tạm thời trên toàn quốc đã cho thấy tác động tàn khốc của đại dịch COVID-19 đối với những người di cư tới Úc làm việc và học tập. Một tỷ lệ đáng báo động trong số họ đã bị biến thành những người vô gia cư và ăn không đủ bữa.

Thu Hiền là một du học sinh ở Sydney vừa bị thất nghiệp. Nhưng không giống như những đồng môn người Úc của cô – những người có thể dựa vào mạng lưới hỗ trợ của chính phủ – cô sinh viên quốc tế đến từ Việt Nam phải tự xoay sở cho cuộc sống của mình.

Thu Hiền đang theo học tại Đại học Macquarie, bang New South Wales. Cô từng làm thêm tại một tiệm làm móng (Nail Shop) ở Gorden để tự trang trải cuộc sống nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì công việc đã bị xáo trộn. Thu Hiền chia sẻ, ban đầu khách hàng vắng dần khiến giờ làm của nhân viên cũng giảm theo, tới khi cửa hàng phải đóng cửa do lệnh phong tỏa thì cô đã chính thức mất việc.

Thu Hiền, một du học sinh người Việt bị mất việc làm do đại dịch COVID-19

Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Cô sinh viên Việt Nam hiện đang phải ở trong một phòng trọ nằm cách trường khá xa. Những quy định hạn chế di chuyển khiến lượt xe bus và tàu điện ngầm cũng giảm đi và gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại từ nơi ở tới trường học của Hiền, chưa kể chủ nhà còn dự kiến tăng tiền thuê phòng. Hiền buộc phải đi tìm nhà mới với hy vọng sẽ thuê được một nơi thuận tiện di chuyển hơn và giá thuê rẻ hơn đôi chút.

Cũng như Thu Hiền, rất nhiều sinh viên quốc tế khác tại Úc đang phải đối mặt với những biến cố mất việc làm và xáo trộn cuộc sống do COVID-19. Họ càng rơi vào tâm thế bất an hơn khi không thể tìm được một công việc nào khác thay thế và nhận ra rằng cơn tuyệt vọng mong tìm được một công việc đang khiến hơn hai triệu người nhập cư theo thị thực tạm thời ở Úc đứng trước nguy cơ bị chèn ép và bóc lột nặng nề hơn.

Đức Phương, Trưởng ban Hỗ trợ du học sinh thuộc Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales (UAVS-NSW), bày tỏ lo ngại trước thực tế số lượng công việc dành cho các sinh viên quốc tế trong mùa dịch sụt giảm, dẫn đến việc thiếu kinh phí chi trả cho cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề về nhà ở và sức khoẻ của sinh viên.

Đức Phương, Trưởng ban Hỗ trợ du học sinh UAVS-NSW

Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Một cuộc khảo sát trên toàn quốc với hơn 5.000 người có thị thực tạm thời – 67% trong số họ là du học sinh – đã phô bày bức tranh tàn khốc về tác động của đại dịch COVID-19. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Liên đoàn Lao động tiểu bang NSW trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, kết quả được công bố vào trung tuần tháng 8, cho thấy 65% số ​​người được hỏi đã bị mất việc làm (60% đối với du học sinh) và 39% không có đủ tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản.

34% đã rơi vào tình trạng vô gia cư hoặc sắp bị trục xuất vì không trả được tiền thuê nhà và 23% phải dùng chung phòng ngủ với người khác để giảm chi phí (tỷ lệ này là 26% đối với du học sinh).

Một tỷ lệ đáng lo ngại lên tới 43% số người tham gia khảo sát cho biết họ phải bỏ bữa thường xuyên (tỷ lệ này là 46% đối với du học sinh).

Thư ký của Liên đoàn Lao động NSW, ông Mark Morey, khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ, những người di cư theo thị thực tạm thời không chỉ rơi vào tình trạng nghèo đói mà còn có nguy cơ bị bóc lột. Ông nhấn mạnh, những người này được nước Úc khuyến khích đến đây, họ đã đóng thuế, họ không thể về nhà trong hoàn cảnh này và vì vậy nước Úc không được phép bỏ rơi họ. Đó không phải là giá trị mà một đất nước như Úc hướng tới.

Sinh viên quốc tế xếp hàng nhận phiếu ăn bên ngoài Tòa thị chính Melbourne.

Nguồn ảnh: Getty

Một cuộc khảo sát quy mô quốc gia khác về người di cư tạm thời do Đại học Công nghệ Sydney và Đại học NSW phối hợp thực hiện cũng cho thấy tình trạng khó khăn về tài chính trong nhóm đối tượng này nhiều khả năng sẽ chỉ trầm trọng hơn trong những tháng tới. Những kết quả này đã tạo sức ép mới để chính phủ liên bang mở rộng chương trình JobSeeker và JobKeeper đối với người giữ thị thực tạm thời.

Phó giáo sư Laurie Berg từ Đại học Công nghệ Sydney nhận định Úc là quốc gia “lạnh lùng nhất thế giới” trong cách đối xử với người giữ thị thực tạm thời. Các quốc gia tương tự như Anh, Canada, New Zealand và Ireland đều đã mở rộng trợ cấp thu nhập cho những đối tượng này.

Thanh Hưng, một du học sinh Việt Nam tại Đại học Macquarie, chia sẻ, thực tế là Chính phủ Úc đã tung ra những gói hỗ trợ tài chính rất hữu ích như JobSeeker hay cấp quyền tiếp cận sớm quỹ hưu trí nhưng những sinh viên quốc tế còn đang ngồi trên giàng đường như Hưng không được xếp vào diện thụ hưởng từ các gói hỗ trợ này.

Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Việt Úc trực thuộc Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA), Chính phủ liên bang Úc cần sớm có gói hỗ trợ chính thức dành riêng cho các đối tượng như du học sinh quốc tế đang bị kẹt tại Úc. Chính sách này không chỉ vì lý do nhân đạo mà còn vì chính lợi ích kinh tế của nước Úc. Thực tế là ngành công nghiệp đóng góp lớn thứ 3 cho nền kinh tế Úc này đang đứng trước những thử thách ghê gớm để giữ chân những du học sinh đang học hiện tại và mời gọi thêm những “khách hàng” tiềm năng. Rõ ràng là không chỉ do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà còn bởi cách nước Úc đối xử với những người có thị thực tạm thời đang ảnh hưởng đến danh tiếng của quốc gia này ở nước ngoài. Khảo sát của Câu lạc bộ doanh nhân trẻ Việt Úc trong cộng đồng du học sinh Việt Nam và những người Việt hiện ở Úc bằng visa ngắn hạn cho thấy quá nửa số người được hỏi đã trả lời rằng họ không thực sự muốn giới thiệu về nước Úc như một điểm đến để học tập hoặc làm việc kể từ khi họ có những trải nghiệm tại đây trong thời kỳ COVID.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Di trú Alan Tudge tuyên bố “Chính phủ luôn kỳ vọng những người có thị thực tạm thời có thể tự hỗ trợ bản thân khi ở Úc. Trên quan điểm này, chính phủ đã cho phép những người có thị thực tạm thời tiếp cận sớm quỹ hưu trí của họ và đã linh hoạt đối với các quy định thị thực. Ông Tudge cũng tái khẳng định ưu tiên về phúc lợi vẫn phải dành cho công dân Úc và thường trú nhân.

Thanh Hưng may mắn hơn nhiều sinh viên quốc tế khác khi nhận được sự quan tâm của trường nơi anh đang theo học. Đại học Macquarie cung cấp cho sinh viên gói hỗ trợ với các lựa chọn bao gồm thẻ quà tặng để đổi lấy thực phẩm, khoản cho vay trị giá 2000 đô-la Úc, cho phép chậm nộp 25% học phí và khoản trợ cấp trị giá 2000 đô-la Úc. Hưng đã đăng ký và nhận được trợ cấp 2000 đô-la Úc từ trường Đại học của mình, quá trình diễn ra khá suôn sẻ và khiến anh cảm thấy được an ủi giữa những bất ổn trong đại dịch.

Thanh Hưng may mắn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ trường đại học của mình

Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, theo Đức Phương, Trưởng ban Hỗ trợ du học sinh của UAVS-NSW, các mối lo ngại không chỉ nằm ở khó khăn tài chính mà còn là sự ảnh hưởng đối với trải nghiệm của các sinh viên quốc tế tại Úc. Với các du học sinh mới, họ còn chưa kịp tiếp cận cơ hội làm quen với môi trường học tập tại một đất nước mới, đã bị đặt vào bối cảnh phong tỏa và hạn chế di chuyển, cùng sự đảo lộn chương trình và hình thức đào tạo. Đối với những người sắp sửa hoặc vừa mới tốt nghiệp, cơ hội việc làm hoặc thực tập hạn chế khiến nhiều người trong số họ phải quyết định trở về nước và không thể hoàn thành giấc mơ du học tại Úc. Đức Phương cho biết hiện UAVS-NSW vẫn đang cố gắng hết sức để liên kết và hỗ trợ các du học sinh Việt Nam gặp khó khăn tại NSW thông qua hoạt động phân phát nhu yếu phẩm và tiếp cận cơ hội việc làm.

Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm