Dự án tuyến đường sắt cao tốc nối Sydney và Canberra chỉ trong 1 tiếng

Wednesday, 13/05/2020, 18:16 PM

Vào tháng 2, trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra, Cơ quan Cơ sở hạ tầng Úc đã bổ sung hạng mục nâng cấp tuyến đường sắt Sydney-Canberra vào Danh sách Cơ sở hạ tầng ưu tiên năm 2020. Giảm áp lực dân cư và giao thông cho các thành phố lớn, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp dịch vụ, hướng tới các hoạt động phát thải thấp được xem là những lý do chính cho quyết định này.

Dự án nâng cấp tuyến Sydney-Canberra nằm trong chiến lược đường sắt nhanh của chính quyền tiểu bang New South Wales và cũng được đưa vào giai đoạn sau trong kế hoạch đường sắt nhanh của Chính phủ liên bang, hướng tới mục tiêu cải tiến dịch vụ tàu khách đến các thị trấn trung tâm xung quanh trục Sydney, Melbourne và Brisbane, giúp giảm áp lực giao thông và tình trạng bất ổn về nhà ở tại các thành phố lớn này.

Nhiều cơ hội mới mở ra cùng dự án tuyến tàu nhanh kết nối Sydney và Canberra

Nguồn ảnh: Shutterstock

So với các tuyến kết nối nội địa quan trọng khác như Brisbane-Gold Coast, Sydney-Newcastle và Melbourne-Geelong, khoảng cách giữa Sydney-Canberra dài hơn và chặng bay Sydney-Canberra hiện cũng thuộc Top 20 tuyến hàng không nội địa quốc gia. Điều này khiến mục tiêu và tính chiến lược của việc thông qua dự án nâng cấp tuyến đường sắt Sydney-Canberra càng cần được làm rõ.

Có nhiều lý do nên triển khai dự án

Đầu tiên, việc triển khai tuyến tàu nhanh Sydney-Canberra sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các cao nguyên phía Nam đến Sydney xuống còn khoảng một giờ đồng hồ. Đây là cơ sở để khuyến khích các khu dân cư mới phát triển, giá nhà ở sẽ phải chăng hơn cùng với khả năng tiếp cận công việc ở Sydney. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho thành phố, đồng thời phát triển cơ sở dân số cho ngành công nghiệp địa phương, tương tự như chiến lược cho các hành lang nâng cấp được đề xuất khác của Chính phủ.

Thứ hai, dự án tuyến tàu nhanh kết nối Sydney và Canberra, khu vực đô thị lớn thứ tám của Úc, có thể tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thâm dụng tri thức ở cả hai thành phố, giúp họ đạt được quy mô kinh tế và vận hành hiệu quả hơn .

So sánh với lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không, thời gian đi tàu nhanh giữa Sydney và Canberra dự kiến là hai giờ đồng hồ, tương đương tổng thời gian cho một hành trình di chuyển bằng đường hàng không. Xét về chi phí, hiện tại mức giá vé máy bay đã bao gồm đầy đủ dịch vụ giữa Sydney và Canberra đắt gấp khoảng ba lần giá vé của chuyến bay Sydney và Melbourne. Kể cả khi giá vé tàu nhanh được đề xuất ở mức ngang ngửa giá vé của các hãng hàng không giá rẻ thì nó vẫn tránh được các vấn đề cố hữu là tính phụ thuộc vào các sân bay đối với một số chi phí như làm thủ tục, xử lý hành lý, cất cánh và hạ cánh. Như vậy, với việc sử dụng dịch vụ đường sắt mới, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được lợi ích tương tự như sử dụng dịch vụ hàng không nhưng với chi phí ổn định và hợp lý hơn.

Hơn nữa, tàu nhanh, chạy với tốc độ tối đa lên tới 250km/h, là phù hợp cho khoảng cách 300 km giữa Sydney và Canberra. Mặc dù tuyến đường sắt này không thay thế vận tải hàng không nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường kinh doanh, du lịch và các dịch vụ kho vận.

Thứ ba, dự án tuyến đường sắt nhanh Sydney-Canberra không chỉ giúp giảm bớt áp lực lên kế hoạch đầu tư phát triển, nhà ở và giao thông ở Sydney mà cả ở Canberra, bằng cách tăng cường giao lưu giữa Canberra và toàn bộ khu vực Goulburn. Sự kết nối này còn củng cố thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Canberra.

Cuối cùng, quyết định nâng cấp tuyến đường sắt Sydney-Canberra là cơ hội để tiến tới một dịch vụ phát thải thấp, góp phần làm giảm lượng khí thải carbon của quốc gia. Với hơn 100 lượt vận chuyển hành khách và hàng hóa mỗi ngày, chặng xe lửa giữa Macarthur, trạm cuối của mạng lưới đô thị Sydney, và Goulburn được sử dụng nhiều nhất trong các chặng phi đô thị thuộc mạng lưới đường sắt liên bang kết nối Brisbane, Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth. Khi dịch vụ hành khách giữa Sydney và Canberra trở nên thường xuyên hơn, chặng xe lửa này sẽ có thể gia tăng hơn nữa tần suất sử dụng. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá kế hoạch mở rộng mạng điện khí hóa từ Macarthur sang Goulburn. Cùng với việc chuyển đổi cuối cùng sang sản xuất điện phi cacbon, điện khí hóa sẽ cho phép cung cấp năng lượng không phát thải cho các đoàn tàu trên hai phần ba tuyến đường, cũng như cho các chuyến tàu Sydney-Melbourne và các đoàn tàu khác sử dụng đoạn đường này.

 

Giang Vũ (tổng hợp)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm