Những thách thức đang chờ Tân Thủ tướng Nhật Bản

Sunday, 20/09/2020, 00:59 AM

Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Yoshihide Suga làm thủ tướng thứ 99. Trước đó, ông đã giành thắng lợi áp đảo trước hai ứng cử viên trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Mặc dù vậy, tân Thủ tướng Suga không có nhiều thời gian để nếm hương vị chiến thắng bởi  một “núi” thách thức đang chờ chính trị gia này ở phía trước.

Ông Yoshihide Suga (giữa) được Quốc hội bầu chọn làm thủ tướng mới của Nhật Bản ngày 16/9. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thách thức đầu tiên mà tân Thủ tướng Suga phải đối mặt là giúp Nhật Bản khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sau khi lắng dịu vào cuối tháng 5, dịch bệnh đã tái bùng phát trở lại ở nước này từ cuối tháng 6. Làn sóng lây nhiễm này dữ dội hơn so với trước đó. Không giống như làn sóng trước, vốn bắt nguồn từ những du khách Trung Quốc và người Nhật gốc Trung Quốc, đợt dịch lần này khởi phát trong nội địa Nhật Bản, với điểm xuất phát là thủ đô Tokyo và sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh, thành lớn khác như Osaka và Fukuoka. Sau khi lên tới đỉnh điểm vào giữa tháng 8, với số ca nhiễm mới có thời điểm lên tới hơn 1.600 người/ngày, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh này có thể sẽ bùng phát mạnh mẽ trở lại vào mùa đông. Do vậy, làm thế nào kiểm soát dịch bệnh ở đất nước “Mặt Trời mọc” vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Suga.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch LDP, ông Suga đã cam kết “ngăn chặn dịch bệnh lây lan bùng nổ với bất cứ giá nào” và “đặt mục tiêu có đủ vaccine cho toàn bộ người dân trong nửa đầu của năm 2021”. Tuy nhiên, với tiến độ nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19 như hiện nay ở Nhật Bản và ở các công ty mà Nhật Bản đã ký thỏa thuận để mua, mục tiêu đó có vẻ khó khả thi.

Do tác động của dịch COVID-19, việc tăng thuế tiêu dùng và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái. Trong quý II/2020, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Đáng chú ý, hai trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Nhật Bản, gồm tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu, đều giảm mạnh, tương ứng là 7,9% và 18,5%. Do vậy, việc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành là một thách thức lớn khác đối với tân Thủ tướng Suga.

Việc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành là một thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Suga. Ảnh: TTXVN

 

Cùng với việc khống chế dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế, ông Suga cũng cần phải giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, và cải thiện cán cân thu-chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể giải quyết trong gần 8 năm tại nhiệm.

Liên quan tới vấn đề an ninh, ông Suga cũng sẽ phải xử lý hai vấn đề mà Thủ tướng Abe rất tâm huyết nhưng chưa thể hoàn thành, là sửa đổi Hiến pháp và khả năng Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ tên lửa của kẻ thù ở nước ngoài. Đây là những vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản và có thể làm rạn nứt liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh.

Một thách thức khác cũng liên quan tới dịch COVID-19 là công tác tổ chức các đại hội thể thao Olympic và Paralympic Tokyo. Theo kế hoạch ban đầu, các sự kiện này sẽ diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã phải quyết định lùi thời gian tổ chức sang năm sau. Cho đến thời điểm này, cả chính phủ và chính quyền thủ đô Tokyo đều quyết tâm tổ chức Olympic và Paralympic theo đúng kế hoạch “bằng mọi giá”. Mặc dù vậy, tương lai của các sự kiện thể thao quốc tế này vẫn rất mờ mịt trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu trên toàn cầu. Với tư cách người đứng đầu chính phủ, ông Suga chắc chắn sẽ là người ra quyết định cuối cùng về số phận của các sự kiện này.

Chính phủ và chính quyền thủ đô Tokyo đều quyết tâm tổ chức Olympic và Paralympic theo đúng kế hoạch “bằng mọi giá”. Ảnh: TTXVN

 

Trên mặt trận ngoại giao, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Suga tuyên bố sẽ “xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ” và xây dựng “quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng”. Việc duy trì quan hệ đồng minh ổn định với Mỹ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vấn đề hóc búa nhất là tân Thủ tướng Suga sắp phải đối mặt là đàm phán với Washington về chi phí đồn trú của các binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản. Theo tiết lộ của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, năm ngoái, ông đã thay mặt Tổng thống Trump yêu cầu Nhật Bản trả 8 tỷ USD/năm tiền hỗ trợ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á, cao gấp 4 lần so với số tiền mà Tokyo đang chi trả. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách của Nhật Bản đang ngày càng eo hẹp vì các khoản chi khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ của tân Thủ tướng Suga là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi và tin cậy với Tổng thống Trump hoặc người sẽ kế nhiệm ông này sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, đồng thời giảm thiểu số tiền mà Nhật Bản phải chi trả thêm cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Quang cảnh căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặt khác, ông Suga sẽ phải vượt qua không ít thách thức trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhất là nội bộ LDP vẫn phản đối việc tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản và quan hệ Trung-Mỹ đang rất căng thẳng.

Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng phải nỗ lực hết sức để tiếp nối các thành tựu ngoại giao mà người tiền nhiệm đã để lại như thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, làm sâu sắc hơn quan hệ với Australia và Ấn Độ – hai trong số 4 nước thuộc “Bộ tứ Kim cương”, tăng cường hơn nữa quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại trên thế giới thông qua việc mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Có thể thấy, Thủ tướng Suga nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kể cả đối nội lẫn đối ngoại, và ông đã được giao sứ mệnh vượt qua “núi” thách thức đó để nâng tầm Nhật Bản trên trường quốc tế. Hơn nữa, nhiệm kỳ chủ tịch LDP của ông Suga sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9/2021, vì vậy việc giải quyết các thách thức trên như thế nào sẽ quyết định tương lai của chính trị gia này.

Đây chính là một phép thử cho khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia lão luyện này, nhất là khi ông Suga là một chính trị gia tự thân và không thuộc bất cứ phái nào trong LDP. Tuy nhiên, ông đã nhận được sự hậu thuẫn từ phía 5 trong số 7 phái lớn nhất trong LDP trong cuộc bầu cử vừa qua.

Điều quan trọng là ông Suga phải tiếp tục duy trì sự ủng hộ đó để giúp chính phủ có thể dễ dàng triển khai các chính sách trong thời gian tới.

Ông Suga sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Akita. Sau khi học xong trung học phổ thông, ông đã rời quê nhà để lên Tokyo và tham gia lớp học buổi tối để giành chứng chỉ cử nhân luật của Đại học Hosei vào năm 1973.

Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Yoshihide Suga phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã làm thư ký cho Nghị sỹ Hikosaburo Okonogi trong 11 năm. Tháng 10/1986, ông đã nghỉ việc để theo đuổi sự nghiệp chính trị riêng. Ông đã được bầu vào Hội đồng Thành phố Yokohama vào tháng 4/1987 trước khi được bầu vào Hạ viện năm 1996. Ông đã từng kinh qua một số chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông dưới thời chính quyền của Thủ tướng Koizumi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông và Quốc vụ khanh phụ trách cải cách phi tập trung dưới thời chính quyền đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe. Sau khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này cho đến nay. Ngoài ra, ông Suga đã từng giữ chức quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP.

Trong thời gian giữ chức Chánh Văn phòng Nội các, ông Suga nổi tiếng là một người khá kín tiếng. Đây có thể là một trong những lý do giúp ông Suga có thể tồn tại ở vị trí này trong thời gian dài như vậy. Với tư cách phát ngôn viên cao nhất của Chính phủ Nhật Bản, ông Suga tổ chức họp báo hai lần/ngày. Phần lớn các cuộc họp báo này đều diễn ra theo kịch bản. Ông Suga có xu hướng bám vào các câu trả lời đã được chuẩn bị từ trước và rất hiếm khi trả lời các câu hỏi ngoài kịch bản. Vì vậy, ông thường được gọi với biệt danh Teppeki (Bức tường sắt).

Trong chiến dịch tranh cử, ông Suga đã công bố 6 chính sách mới, chủ yếu dựa trên cơ sở các chính sách của chính quyền Thủ tướng Abe. Với tiêu đề “Tự giúp, giúp đỡ lẫn nhau, nhà nước hỗ trợ và gắn kết xã hội: Mang lại sức sống mới cho Nhật Bản từ các khu vực”, các chính sách chủ yếu tập trung vào các biện pháp khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tạo việc làm và đối ngoại. Trên blog cá nhân của mình, ông Suga nhấn mạnh sẽ “tiếp tục công việc và nỗ lực tâm huyết của Thủ tướng Abe để mang lại tiến triển nhiều hơn”.

Các chính sách này gồm: Vượt qua cuộc khủng hoảng quốc gia do dịch COVID-19 gây ra; xóa bỏ sự phân chia theo chiều dọc giữa các bộ và cơ quan nhằm mang lại sức sống mới cho Nhật Bản; đảm bảo việc làm và bảo vệ cuộc sống của người dân; tạo ra các vùng kinh tế năng động; giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và củng cố hệ thống an sinh xã hội giúp người dân không phải lo lắng; và bảo vệ các lợi ích quốc gia thông qua hoạt động ngoại giao và quản lý khủng hoảng.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga có tuổi thơ khá khác biệt so với các chính trị gia khác. Trong khi những chính khách cấp cao khác tại Nhật Bản hiện nay, vốn thường xuất thân trong gia đình giàu có, có thâm niên trong chính trường thì ông Suga có xuất thân khiêm nhường.

Ví dụ như ông Shinzo Abe là con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao, thì ông Suga xuất thân trong một gia đình nông dân. Bạn bè cho biết khi còn trẻ, ông Suga thường thích trượt tuyết xuống núi vào mùa đông và là cầu thủ bóng chày nhiệt huyết.

Ông Masashi Yuri, một người bạn cùng lớp tiểu học của ông Suga khi còn ở Yuzawa (tỉnh Niigata) đã ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ cùng người bạn học câu cá, chơi bóng chày trên cánh đồng lúa chín, khiến bùn bám đầy người rồi bị bố mẹ mắng. Từ nhỏ, họ đã chăm chỉ phụ giúp cha mẹ. Ông Suga thường giúp cha mẹ làm việc trên cánh đồng dâu tây.

Ông Yoshihide Suga hồi trẻ (hàng sau, bên phải ngoài cùng) và đồng đội trong câu lạc bộ bóng chày cấp ba. Ảnh: Kyodo

Khi tuyết rơi dày, ông Suga phải trượt tuyết đến trường vào mùa đông. Gia đình không khá giả nên ông Suga  không có đủ tiền để tham gia câu lạc bộ bóng chày trường cấp ba.

Ông Eiji Ito, một người bạn học khác, cho biết ông Suga rất thích thể thao và từng được lựa chọn tham gia đội tuyển sumo, bóng chày và điền kinh. Năm 1964, khi Tokyo tổ chức Olympic mùa hè, cậu thiếu niên 15 tuổi Suga đã tham gia nhóm chạy hỗ trợ lễ rước ngọn đuốc Olympic qua Yuzawa.

Kết thúc những năm học phổ thông, ông Suga đến Tokyo. Sau đó, ông làm việc bán thời gian tại nhà máy sản xuất bìa các tông, chợ hải sản Tsukiji … để có chi phí học đại học ở Tokyo.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Suga bắt đầu làm công ăn lương như bao người khác. Nhưng công việc này không kéo dài lâu. Với ông, chính trị là thứ có thể định hình và tác động tới thế giới. Đó là điều mà ông Suga muốn.

Ông Suga vui mừng phát biểu khi được chọn vào hội đồng thành phố Yokohama. Ảnh: Kyodo

Kênh CNN (Mỹ) cho biết ông Suga đã quyết định tranh cử vào hội đồng thành phố Yokohama. Mặc dù không có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm chính trị, nhưng ông Suga đã bù đắp bằng sự chăm chỉ và tinh thần dám nghĩ dám làm. Ông đã gõ cửa 300 ngôi nhà một ngày để vận động tranh cử. Theo đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Suga đã vận động tại tổng cộng 30.000 hộ gia đình. Đến thời điểm bầu cử khi đó, ông đã đi mòn 6 đôi giày.

Theo Baotintuc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm