Các thỏa thuận di cư khu vực được chỉ định (DAMA) sẽ là hướng đi cho vấn đề nhập cư trong tương lai?

Friday, 25/01/2019, 15:12 PM

Năm 2018 đã là một năm đầy thách thức đối với cả các Cơ quan Di trú lẫn các doanh nghiệp đang loay hoay giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động kỹ năng. Sự ra đời của thị thực 482 đã khiến số thị thực diện bảo lãnh được cấp giảm 28%, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động tay nghề. Giải pháp của Chính phủ là triển khai một Thỏa thuận Di cư theo khu vực được chỉ định (DAMA).

Về cơ bản, Thỏa thuận DAMA được phát triển để bổ sung cho các kế hoạch xây dựng lực lượng lao động của các tiểu bang, lãnh thổ và các khu vực, hướng tới hỗ trợ các hoạt động kinh tế và giúp các địa phương tùy chỉnh linh hoạt theo điều kiện kinh tế.

Giải pháp DAMA cho vấn đề thiếu hụt lao động tay nghề tại địa phương. Nguồn ảnh: sbs.com.au

DAMA là một thỏa thuận hai cấp: cấp thứ nhất bao gồm một thỏa thuận tổng thể thời hạn 3 năm với một đại diện khu vực được chỉ định để đưa ra danh sách các ngành nghề, các hạn mức cấp thị thực và các quyền lợi được đảm bảo; cấp thứ hai bao gồm các thỏa thuận lao động cá nhân với người sử dụng lao động trực tiếp.

DAMA thiết lập các thỏa thuận hợp tác, trong đó Chính phủ liên bang Úc và các chính quyền khu vực hoặc tiểu bang, vùng lãnh thổ sẽ cùng chia sẻ vai trò và trách nhiệm. Bản chất tổng thể của DAMA là cho phép người sử dụng lao động tiếp cận được với lực lượng nhân công ngoại quốc ở phạm vi rộng hơn so với chương trình thị thực tiêu chuẩn 482, mà không cần phải đàm phán riêng về các điều khoản và điều kiện. DAMA rất phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ không có nguồn lực để xây dựng thỏa thuận lao động trực tiếp với Chính phủ.

Mặc dù các DAMAs là khác nhau tùy theo từng khu vực, nhưng các yếu tố chính trong mỗi DAMA cũng tương tự như trong một thỏa thuận lao động, nó cũng được cấp trong thời hạn 5 năm, với các nội dung cụ thể bao gồm:

  • Việc sử dụng thỏa thuận lao động theo chương trình TSS (thị thực lao động diện tay nghề tạm thời) đối với các doanh nghiệp tham gia vào một thỏa thuận lao động với Chính phủ Úc và người lao động sẽ được bảo đảm cấp thị thực 482.
  • Lộ trình tới thường trú nhân dành cho người giữ thị thực theo DAMA (bao gồm cả các thỏa thuận chuyển đổi cho những người đang giữ thị thực hiện hành).
  • Danh sách các ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề và bán lành nghề, không có giới hạn áp dụng.
  • Nới lỏng yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với một số ngành nghề.
  • Thỏa thuận nhượng bộ về mức lương trong một số trường hợp, tuy nhiên, vấn đề này thường được cụ thể hóa theo từng tiểu bang, vùng lãnh thổ và cần đảm bảo rằng các điều khoản và điều kiện làm việc của người lao động không bị ảnh hưởng, đồng thời các doanh nghiệp trong khu vực cũng như người tiêu dùng không phải gánh chịu chi phí tăng thêm.
  • Danh sách các rủi ro và hành động trung thực để đảm bảo rằng quyền của cả người lao động và người sử dụng lao động được bảo vệ.

Các doanh nghiệp có thể tiếp cận với DAMA nếu họ đang hoạt động trong một địa phương cụ thể và:

  • Có năng lực hoạt động và đã đi vào hoạt động ít nhất 12 tháng
  • Không có lịch sử vi phạm nghĩa vụ với người lao động
  • Đang tìm kiếm lao động ngoại quốc toàn thời gian đảm nhận các vị trí phù hợp với một trong những ngành nghề theo danh sách DAMA đã tùy chỉnh theo nhu cầu của địa phương
  • Chứng minh được rằng công dân địa phương Úc hoặc thường trú nhân không đủ để đáp ứng yêu cầu về lao động cho vị trí mà doanh nghiệp cần tuyển dụng
  • Có thể cung cấp các điều khoản và điều kiện tuyển dụng cho người lao động ngoại quốc phù hợp với những điều khoản và điều kiện được cung cấp cho người lao động là công dân Úc trong khu vực.

Là những địa phương đi đầu trong việc điều chỉnh chương trình di cư diện tay nghề, tới nay, Lãnh thổ Bắc Úc đã hoàn thành đàm phán DAMA và Bang NSW đã đệ trình một bản DAMA lên Chính phủ Liên bang.

Để có thêm thông tin về DAMA, vui lòng truy cập trang web https://nt.gov.au/https://www.rdaorana.org.au/our-initiatives/

Nguồn: Nguyên Đỗ – Báo Doanh nhân Việt Úc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm