Hệ thống việc làm của Úc cần được cải cách mạnh mẽ

Saturday, 19/10/2019, 09:00 AM

Báo cáo nhanh về Tình trạng việc làm năm 2019 của Tổ chức xã hội Anglicare Australia đã kết luận rằng hệ thống việc làm của Úc đã bị “phá vỡ” và thị trường lao động nước này cần thực hiện những cải cách sâu rộng.

Theo Báo cáo nhanh về Tình trạng việc làm năm 2019 của Anglicare Australia, cứ bảy người tìm việc thì có một người gặp phải các rào cản như chưa hoàn thành chương trình 12 năm học phổ thông, hoặc bị mất việc khi đã lớn tuổi. Những người này mất trung bình năm năm để tìm được một công việc mới.

 

Một công nhân xây dựng tại công trường ở Sydney

Nguồn ảnh: AAP

Phân tích cũng chỉ ra rằng chỉ có 10% vị trí tuyển dụng đăng quảng cáo vào tháng 5 năm nay là phù hợp với người không có bằng cấp hoặc chưa có kinh nghiệm làm việc. Giám đốc điều hành của Anglicare Australia, bà Kasy Chambers, cho biết đối với mỗi vị trí làm việc ở mức độ sơ cấp như vậy, có ít nhất năm ứng viên cạnh tranh.

Theo bà Chambers, từ các dữ liệu được thu thập, có thể thấy rõ rằng cần thiết phải xem xét ngay các biện pháp cải cách hệ thống việc làm của Úc. Đây cũng là yêu cầu đã được đề cập trong các báo cáo của chính phủ.

Bà Chambers cho rằng nên thay đổi cách tiếp cận trong tuyển dụng lao động. Thay vì đưa ra những yêu cầu có thể trở thành rào cản đối với người lao động thì hãy tìm đến những cách thức hiệu quả hơn, cụ thể là làm việc trực tiếp với các cá nhân để hiểu họ có thể làm công việc gì, muốn làm công việc gì, muốn được đào tạo về chuyên môn nào và đâu là tiềm năng của họ, và chắp nối những nhu cầu, năng lực đó với một công việc phù hợp trong lĩnh vực cụ thể.

Cũng căn cứ vào các dữ liệu thống kê, bà Chambers khẳng định quan điểm của chính phủ cho rằng một người có được một công việc tức là đã nhận được hình thức phúc lợi tốt nhất là thiếu thực tế. Thực tế là họ cần một công việc toàn thời gian được trả lương xứng đáng để không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, nước Úc có tới 1,1 triệu người không có một công việc toàn thời gian được trả lương cao.

Biểu tượng Centrelink – trung tâm dịch vụ và thanh toán an sinh xã hội của chính phủ Úc – tại chi nhánh Yarra, Melbourne.

Nguồn ảnh: AAP

Người khuyết tật, cộng đồng tị nạn phải đối mặt với những thách thức lớn

Phân tích của Tổ chức Anglicare cho thấy người khuyết tật hiện chiếm 68% số người tìm việc có hoàn cảnh khó khăn. Điều này không làm Giám đốc Trung tâm Chính sách và Vận động Xã hội vì Người khuyết tật Úc, bà Romola Hollywood, ngạc nhiên. Bà cho biết, với các điều kiện khắt khe hơn, nhiều người khuyết tật đã bị loại khỏi chương trình nhận Trợ cấp Khuyết tật (Disability Support Pension) và chuyển sang Trợ cấp Khởi đầu mới (Newstart) – hỗ trợ họ bắt đầu một cuộc sống mới. Điều này khiến có nhiều người khuyết tật tìm đến với thị trường lao động hơn.

Tổ chức Anglicare khuyến nghị nên cho phép tất cả những người bị khuyết tật tự động tiếp cận với Dịch vụ việc làm cho người khuyết tật khi họ bắt đầu tìm việc, cũng như nới lỏng các yêu cầu đủ điều kiện được nhận Trợ cấp Khuyết tật. Tuy nhiên, bà Hollywood kỳ vọng nhiều hơn thế và kêu gọi xây dựng một kế hoạch việc làm quốc gia dành riêng cho người khuyết tật. Kế hoạch này sẽ cần phải bắt đầu từ việc xem xét những người trẻ bị khuyết tật được hỗ trợ như thế nào thông qua hệ thống giáo dục, từ tiểu học đến đại học và đào tạo nghề. Các nhà tuyển dụng cũng cần phải được khuyến khích không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cơ hội việc làm mà còn là xây dựng môi trường làm việc thân thiện với người khuyết tật.

Mục quảng cáo tuyển dụng trên tờ Herald Sun

Nguồn ảnh: AAP

Đối với người tị nạn, cộng đồng này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm việc làm. Theo bà Sherrine Clark, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Nhân đạo tại Trung tâm Hỗ trợ Lao động Tị nạn, những kinh nghiệm mà người tị nạn tích lũy được ở nước ngoài trước đây thường không được công nhận trong hệ thống của Úc. Với một người tị nạn không có kết nối cộng đồng, không có bằng cấp, và không có kinh nghiệm thì gần như không thể tìm việc được. Sự hỗ trợ ở mức độ cơ bản mà họ nhận được thường không đủ để họ có cơ hội tiến lên và tích cực tìm kiếm việc làm, học đại học hoặc tìm kiếm những bằng cấp được công nhận tại Úc.

P.V. Thu Ha

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm