Lao động nhập cư trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Úc khi doanh nghiệp bảo lãnh phá sản

Saturday, 30/03/2019, 19:53 PM

Theo các nghiệp đoàn và công ty dịch vụ di trú, việc kéo dài thời gian chờ đợi để được cấp thị thực thường trú nhân đang khiến lao động ngoại quốc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột và trục xuất.

Những người nhập cư phụ thuộc vào sự bảo lãnh của nhà tuyển dụng để xin thường trú tại Úc phải thấp thỏm hai năm chờ đợi để hồ sơ thị thực của họ được xử lý. Hai năm có thể đã là một khoảng thời gian dài với một số hoạt động kinh doanh. Bà Lyndal Ryan, thư ký Nghiệp đoàn người lao động United Voice tại Lãnh thổ Thủ đô Úc cho biết, khi các doanh nghiệp phá sản – điều mà khá thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong một số ngành công nghiệp – thì hệ quả của nó là rất nặng nề, nhất là những ảnh hưởng liên quan đến vấn đề xin thị thực của người lao động. Những người này lại phải cạnh tranh để tìm được một doanh nghiệp bảo lãnh thay thế và bắt đầu lại một quá trình tốn kém tiến đến thường trú nhân. Đó là chưa kể nếu họ không tìm được sự bảo lãnh nào khác hoặc có trường hợp các quy tắc đã thay đổi theo thời gian, thì họ sẽ bị trục xuất về nước.

Wei Mira Chen là một lao động người Trung Quốc, cô sống cùng chồng tại Úc 5 năm qua và đã hai lần suýt trở thành thường trú nhân. Trong cả hai lần, đều là do doanh nghiệp nơi cô làm việc phá sản mà cô bị vuột mất cơ hội của mình và hiện Chen đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Trung Quốc.

Wei Mira Chen tại nơi làm việc của nhà hàng Ý Jamie (Nguồn ảnh: SBS News)

Chen tới Úc làm việc với nghề đầu bếp qua sự bảo lãnh của các chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Ý Jamie tại Perth. Đây là chuỗi nhà hàng được thành lập bởi đầu bếp nổi tiếng người Anh Jamie Oliver. Khi các chủ sở hữu của chuỗi nhà hàng này là Tập đoàn Keystone tuyên bố phá sản, chủ sở hữu mới của Jamie tại Canberra đã hứa sẽ cho cô một chỗ làm và bảo lãnh cho cô xin thường trú. Chen đã chuyển đến Canberra để làm việc và phải nộp hồ sơ mới xin thị thực với phí hồ sơ là 3.500 đô-la.

Tuy nhiên, đến tháng Tư năm ngoái, cô nhận được tin cơ sở nhà hàng nơi mình đang làm việc phá sản. “Làm thế nào mà sau 2 năm, chuyện này lại xảy ra với tôi thêm lần nữa?” – Chen thất vọng nói – “Chúng tôi từng hy vọng sẽ tìm thấy tương lai của mình ở Úc và giờ tất cả đã vụt tắt”.

Wei Mira Chen đã hi vọng tìm thấy tương lai của mình tại Úc (Nguồn ảnh: SBS News)

Trong khi Bộ Nội vụ vẫn chưa đưa ra quyết định về hồ sơ xin thường trú của Chen, cô đang phải đối mặt với nguy cơ bị từ chối thị thực và trục xuất khỏi Úc trong vòng 28 ngày kể từ khi có quyết định chính thức.

Kể từ thời điểm cô Chen nộp hồ sơ xin thị thực gần đây nhất, các quy định đã thay đổi. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Chen được bảo đảm bằng một công việc khác, cô cũng không còn đáp ứng đủ các tiêu chí để xin thường trú nhân, khi mà vẫn còn thiếu một năm kinh nghiệm so với yêu cầu hiện hành là ba năm kinh nghiệm làm việc.

Mục tiêu đằng sau việc kéo dài thời gian chờ đợi xử lý hồ sơ

Theo các công ty dịch vụ di trú, cô Chen chính là nạn nhân của việc kéo dài thời gian xử lý hồ sơ xin thị thực, với thời gian chờ đợi điển hình cho loại thị thực 187 mà cô nộp đơn hiện là khoảng 21 tháng.

Nicholas Houston, giám đốc công ty dịch vụ di trú VisAustralia có trụ sở ở Canberra, cho biết người nhập cư có thể gặp nhiều rủi ro trong thời gian chờ đợi này. “Ở vị trí của người xin thị thực, sự chờ đợi có thể gây ra tâm lý buồn bã, khó chịu và căng thẳng. Nhưng điều quan trọng là khung thời gian và các phương pháp xử lý xử lý hồ sơ là có vấn đề”. Ông Houston cáo buộc Bộ Nội vụ cố tình cho phép kéo dài thời gian chờ đợi là nhằm kiểm soát số lượng nhập cư. Thay vì thay đổi luật để hạn chế sự bảo lãnh của nhà tuyển dụng với lao động ngoại quốc thì Chính phủ đã cho phép kéo dài các khung thời gian xử lý hồ sơ.

Người lao động chịu thiệt thòi

Không chỉ chịu phí tổn cho hai lần nộp hồ sơ xin thị thực, cô Chen còn bị mất đi quyền lợi đáng được hưởng khi hai doanh nghiệp mà cô làm việc bị phá sản. Nếu như các nhân viên khác có thể khiếu nại doanh nghiệp thông qua một cơ chế của chính phủ thì Chen lại không đủ điều kiện để yêu cầu bồi hoàn hơn 13.000 đô-la mà đáng ra doanh nghiệp phải trả cho cô vì cắt đứt hợp đồng, chỉ vì cô không phải là thường trú nhân Úc.

Nghiệp đoàn United Voice cho rằng cơ chế này là không công bằng và nó đang trao quá nhiều quyền lực cho nhà tuyển dụng trước những người lao động đang chờ đợi để xin được thị thực. “Những người lao động cũng không dám khiếu nại hay phàn nàn trong quá trình làm việc vì nếu nhà tuyển dụng kết thúc hợp đồng lao động với họ, họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào”.

Trong khi đó, đại diện Bộ Nội vụ lý giải việc kéo dài thời gian chờ đợi là do một loạt yếu tố, bao gồm số lượng hồ sơ xin thị thực, việc cần phải kiểm tra tính đầy đủ của các hồ sơ, sự kịp thời đáp ứng điều kiện yêu cầu của ứng viên và tính chất phức tạp của các đánh giá liên quan đến sự trung thực, sức khỏe, nhân cách và yêu cầu đối với an ninh quốc gia.

Nguồn tin: Tổng hợp

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm