Luật sửa đổi một số điều của Đạo luật di trú 1985 về bạo lực gia đình mới được lưỡng viện Úc thông qua vào tối ngày 28/11/2018

Saturday, 01/12/2018, 12:18 PM

Luật mới đã bổ sung quy định công dân Úc hoặc thường trú nhân Úc muốn bảo lãnh người thân đến Úc sinh sống theo diện visa đoàn tụ gia đình sẽ phải xin Bộ Di trú cấp quyền bảo lãnh trước khi người thân ở nước ngoài được phép nộp hồ sơ xin visa đoàn tụ gia đình.

Theo quy định hiện hành, người xin cấp visa sẽ được Bộ Di trú kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện về lý lịch tư pháp của họ. Tuy nhiên, đối với người bảo lãnh là công dân Úc hoặc thường trú nhân Úc thì pháp luật chưa bắt buộc họ phải chứng minh lý lịch tư pháp hoặc những điều kiện khác đảm bảo thực hiện trách nhiệm khi bảo lãnh của mình, ngoại trừ trường hợp người xin visa dưới 18 tuổi. Bất cập này dẫn đến việc nhiều người có tiền sử bạo lực, trong đó bao gồm bạo lực gia đình vẫn có thể đứng ra bảo lãnh người nước ngoài tới Úc mà người được bảo lãnh hoặc Bộ Di trú không được biết thông tin về tiền sử bạo lực này.

Như vậy, Bộ Di trú sẽ có thẩm quyền xem xét, đánh giá đơn xin cấp quyền bảo lãnh của người bảo lãnh. Nếu quyền bảo lãnh được chấp thuận, người bảo lãnh sẽ có một số nghĩa vụ theo luật định. Nếu người bảo lãnh vi phạm những nghĩa vụ này, họ có thể bị áp dụng một số chế tài dân sự và hành chính. Quy định này đã tách quá trình đánh giá về sự phù hợp của người bảo lãnh với quá trình đánh giá về mối quan hệ thực sự giữa người bảo lãnh với người được bảo lãnh trong dòng visa vợ/chồng. Nếu người bảo lãnh bị từ chối quyền bảo lãnh, điều đó có nghĩa người được bảo lãnh cũng không có quyền nộp đơn xin visa vợ chồng, cho dù quan hệ giữa người được bảo lãnh và người bảo lãnh là thực sự và có đầy đủ bằng chứng chứng minh quan hệ này.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Trước mắt, quy định mới sẽ được áp dụng trước  cho dòng visa bảo lãnh vợ/chồng. Do đó, người muốn bảo lãnh người phối ngẫu của mình đến sống tại Úc theo dòng visa vợ/chồng bắt buộc phải xin Bộ di trú quyền bảo lãnh trước khi người phối ngẫu được nộp đơn xin visa.

Những đương đơn chuẩn bị nộp hồ sơ partner visa khi đang có mặt trên lãnh thổ Australia (onshore) có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất đối với những thay đổi này của luật. Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, người nộp đơn đã ở trong giai đoạn sắp hết thời hạn cư trú hợp pháp ở Úc hoặc sắp bị hủy visa hiện hành vì lý do nào đó. Nếu phải chờ kết quả của Bộ Di trú cho việc xin quyền bảo lãnh của người phối ngẫu, có thể thời hạn luật định để nộp hồ sơ xin visa vợ/chồng đã trôi qua mất.

Trước mắt, thủ tục mới chắc chắn sẽ kéo dài thêm thời gian chờ xét visa của Bộ Di trú do khối lượng công việc của cơ quan này được tăng thêm trong khi rất nhiều hồ sơ hiện tại vẫn đang nằm chờ được xử lý. Thống kê cho thấy tính đến nay, có khoảng 80,000 hồ sơ xin cấp quyền bảo lãnh của dòng visa lao động 457/482, 120,000 hồ sơ xin cấp quốc tịch chưa được xét duyệt. Tòa tái xét di trú (AAT) cũng còn tồn đọng khoảng 80,000 hồ sơ khiếu nại các quyết định của Bộ Di trú. Những con số nêu trên chỉ ra rằng hai vợ chồng khi chuẩn bị hồ sơ xin visa vợ/chồng cần dành một quỹ thời gian cho việc xét duyệt quyền bảo lãnh cho dòng visa vợ chồng trước khi hồ sơ xin visa được nộp.

Hiện tại, luật mới chưa có hiệu lực ngay mà phải chờ quyết định công bố của Toàn quyền của Nữ hoàng Anh. Nếu trong quyết định công bố của Toàn quyền không quy định cụ thể ngày bắt đầu có hiệu lực, luật sửa đổi sẽ có hiệu lực sau 6 tháng, kể từ ngày công bố.

Trong thời gian tới, Bộ Di trú có thể sẽ có những hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, chi phí cho việc thực hiện quy định mới này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những quy định mới nhất tới quý độc giả.

Luật sư Đỗ Gia Thắng

MARA 1687850

Nguyen Do Lawyers

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm