Mua quần áo “made in Australia” có thể không nhân văn như bạn nghĩ!

Thursday, 19/03/2020, 12:44 PM

Người tiêu dùng hàng may mặc và da giày tại Úc đang có xu hướng ưu tiên mua sắm các sản phẩm “made in Australia” nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất nội địa phát triển. Tuy nhiên liệu sự lựa chọn này có giữ được giá trị nhân văn tốt đẹp của nó khi mà thực tế những người lao động trong ngành thường xuyên bị đối xử bất công?

Công nhân nhập cư là những đối tượng dễ bị bóc lột nhất trong ngành dệt may

Nguồn ảnh: ABC News | James Hancock

Nga Huỳnh là một trong số ít công nhân vẫn làm việc trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Úc. Hiện tại cô hài lòng với công việc của mình ở phía bắc Melbourne nhưng tại nơi làm việc trước đây, cô từng bị chủ lao động bóc lột. “Họ không trả tiền lương cho tôi, họ cũng không trả phụ cấp, sau đó họ phá sản và tôi đã mất đi hàng tuần tiền lương của mình.” – cô chia sẻ.

Hiện tại Nga Huỳnh cùng 40 công nhân khác làm việc ở nhà máy Thornbury chuyên sản xuất đồ jean cho thương hiệu Nobody Denim. Hầu hết các đồng nghiệp của cô là những phụ nữ lớn tuổi có nguồn gốc di cư, điều này khiến họ có nguy cơ cao bị lợi dụng và bóc lột sức lao động.

Nga Huỳnh là một trong số ít công nhân may mặc còn làm việc tại Úc

Nguồn ảnh: ABC News | James Hancock

Tổ chức Thanh tra Công bằng Lao động ước tính hơn 30.000 người đang làm việc trong ngành dệt may và da giày của Úc. Các kết quả kiểm toán của tổ chức này đã phát hiện tới 20% doanh nghiệp trong ngành không trả lương chính xác cho công nhân.

Theo ông Gary Campbell, Giám đốc nhà máy của Nobody Denim, tình trạng bóc lột đã gia tăng trong những thập kỷ gần đây khi lao động địa phương mất việc và thay vào đó các doanh nghiệp thuê nhân công ngoại quốc với giá rẻ hơn. Điều này làm tăng nguy cơ bóc lột sức lao động và người nhập cư trở thành đối tượng đặc biệt rất dễ bị tổn thương. Ông cũng cho biết, ngày nay thay vì tất cả công nhân may mặc đều làm việc tập trung tại một nơi thì nhiều người lao động Úc đã kiếm sống bằng cách thực hiện một phần trong quy trình sản xuất tại nhà.

Ông Gary Campbell, giám đốc nhà máy của Nobody Denim

Nguồn ảnh: ABC News | James Hancock

Theo bà Casey Thompson, thuộc Nghiệp đoàn Dệt may và Da giày, tính chất manh mún trong lực lượng lao động của ngành khiến việc phát hiện hành vi bóc lột của chủ lao động trở nên khó khăn hơn. “Không phải cứ “sản xuất tại Úc” có nghĩa là sản xuất có đạo đức hơn. Chúng tôi nhận thấy hành vi ăn chặn tiền lương trên diện rộng; chúng tôi nhận thấy tình trạng phổ biến quỵt thanh toán bảo hiểm hưu trí, bên bạnh đó là những rủi ro về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc ở các nhà máy trên toàn quốc.” – bà Thompson nói.

Gần đây, Nghiệp đoàn đã hợp tác với Tổ chức phi lợi nhuận ECA (Ethical Clothing Australia), để điều tra ngành công nghiệp dệt may và mang lại cho người tiêu dùng sự an tâm cao hơn.

Hãng Nobody Denim, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Cue Clothing, Carla Zampatti và Anthea Crawford, là một trong hơn 100 công ty có sản phẩm được công nhận ECA – một loại chứng chỉ chứng minh đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực dệt may.

Bà Angela Bell, Giám đốc toàn quốc của ECA, cho biết chương trình kiểm định tự nguyện lập bản đồ chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp để bảo vệ quyền của các nhà máy và công nhân làm việc tại nhà ở Úc. Nếu một doanh nghiệp đạt công nhận ECA, có nghĩa là doanh nghiệp đó đang thực sự coi trọng và bảo vệ quyền của công nhân dệt may ở Úc.

Bà Angela Bell, Giám đốc toàn quốc của ECA, một tổ chức theo dõi hành vi đối xử với công nhân ngành dệt may

Nguồn ảnh: ABC News | James Hancock

Theo bà Bell, khi mà hầu hết quần áo và giày dép trong các cửa hàng ở Úc được sản xuất ở nước ngoài tại các quốc gia như Trung Quốc, thì hiện đang có sự khuyến khích vực dậy hoạt động sản xuất nội địa. Xu hướng này có thể một phần đến từ nguyên nhân là người tiêu dùng ngày càng coi trọng giá trị nhân văn trong hành vi mua sắm của mình. Một số doanh nghiệp đang tìm đến để được công nhận ECA là các doanh nghiệp mới và họ đang lựa chọn sản xuất sản phẩm ngay tại Úc.

Công ty may mặc Ark tại Melbourne gắn thẻ chứng nhận ECA trên sản phẩm của mình

Nguồn ảnh: ABC News | James Hancock

Ý nghĩa công việc của ECA đã trở thành một điểm nhấn tại Lễ hội Thời trang Quốc tế Melbourne vừa diễn ra tại Úc, với một số sự kiện tập trung vào giá trị nhân văn trong thời trang.

ECA đã có 20 năm hoạt động, kể từ năm 2012, nguồn tài chính của tổ chức này do Chính quyền tiều bang Victoria tài trợ sau khi nguồn trợ cấp từ Chính phủ liên bang bị cắt giảm. Tổ chức đang kêu gọi Chính phủ khôi phục lại tài trợ liên tục với hai triệu đô-la trong năm đầu tiên để mở rộng hoạt động của mình trên phạm vi toàn quốc.

PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm